05/07/2020 10:28 GMT+7

Giữ chữ 'hòa' trong nhà

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Chữ "hòa" rất quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc, nuôi dạy con. Tuy nhiên, để gia đình hòa thuận thì rất cần sự nỗ lực của các thành viên cùng sự lắng nghe nhiều hơn…

Giữ chữ hòa trong nhà - Ảnh 1.

Gia đình sum họp ngày mùng 1 tết - Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Chia sẻ với Tổ ấm, chị Thu Hiền (ở TP Dĩ An, Bình Dương) cho biết hai vợ chồng chị sống với nhau gần 20 năm, cũng có những lúc cãi nhau. "Nhưng chúng tôi có nguyên tắc, không giận quá ba ngày, chuyện gì cũng phải giải quyết sớm", chị nói.

"Cơm sôi nhỏ lửa"

Quy ước như vậy nhưng vợ chồng chị Hiền gần như chưa bao giờ chạm mốc tối đa, vì cả hai không thể không nói chuyện với nhau một ngày thì làm sao đợi đến ba. Tuy nhiên, cũng có những gia đình cứ hục hặc nhau suốt. Chị Hiền kể, như hai vợ chồng cùng công ty của chị, giận nhau thường xuyên và giận rất dai. Chính vì thế, không khí của gia đình ấy rất ngột ngạt, nhiều lần cô vợ muốn ly dị nhưng ngặt nỗi đã có con.

Anh Hoàng Dương (ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ bí quyết giữ hòa khí trong nhà mình chính là cha mẹ anh ai cũng biết lắng nghe nhau. "Mỗi lần mẹ có phản ứng khó chịu về việc gì đó bố thường im lặng và ngược lại. Ngoài ra, hai người thường ngày rất hay chia sẻ những chuyện vui với nhau, làm gì cũng hỏi ý kiến để rồi sau đó mới rút ra quyết định chung", anh Dương kể.

Trong gia đình, điều cần nhất là "cơm sôi nhỏ lửa", một người nóng lên người kia phải dịu lại, còn ai cũng nóng, chắc chắn có "chiến tranh". Cha mẹ anh Dương thường nói với con cái, "mình nhịn người thân người thương không bao giờ lỗ". Anh nói, học câu đó, anh cũng ít khi lớn tiếng với em út, anh chị trong nhà có nói mình nặng lời chút, mình hiểu họ nóng mới nói vậy, nhờ đó im lặng. Mỗi người nhường nhau một tí thành ra êm đẹp.

Các con cần bầu không khí thân thiện

Dũng, sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, kể không khí gia đình bạn khá ngột ngạt vì những lần cãi nhau của ba mẹ. Rồi sau đó là chiến tranh lạnh. Mọi người không nói với nhau câu nào, kể cả trong bữa cơm, mấy ngày liền. Từ nhỏ đến lớn bạn thường thấy hình ảnh đó, lặp lại đến mức sợ hãi. "Tôi không dám kể với ai, vẫn diễn vai con ngoan sống trong gia đình hạnh phúc. Không biết ba mẹ có nhận ra?", Dũng nói xa xăm.

Vẫn sống và vẫn học tốt là điều Dũng thấy may mắn, "có lẽ nhờ mình còn nỗ lực", nhưng cả tuổi thơ đến giờ, bạn không thấy gia đình là nơi bình yên. Dũng cũng có những người bạn gia đình không êm ấm như vậy và có lúc họ nghĩ quẩn.

Người trẻ ở Việt Nam nói riêng, phương Đông nói chung có gắn kết mật thiết với gia đình, từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, lập gia thất, thậm chí có con cái. Những thế hệ sống chung với nhau nên sự ảnh hưởng qua lại là tất yếu. Do vậy, khi có con thì ba mẹ, ông bà cũng sẽ giữ mình hơn vì nghĩ những lời nói, việc làm của bản thân có tác động tới sức khỏe, tinh thần đứa trẻ. Chính nhờ đó, có nhiều gia đình có thêm đứa trẻ sẽ trở nên tươi tắn hơn, những xung đột giảm xuống hoặc mất hẳn.

Thực ra, giữ được hòa khí, điều tiết được lời nói, bớt sân si, hành động nóng nảy đâu chỉ là vì con vì cháu. Khi gia đình có được sự đầm ấm, ấm áp, lúc đó ông bà, cha mẹ cũng sẽ hạnh phúc. Đó chính là kết quả kép, lợi mình, lợi người, lợi cho gia đình mình, điều mình cần ý thức cũng như có cố gắng đổi thay…

* ThS xã hội học PHẠM HOÀI NGỌC BÍCH (CTV Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ):

Để trẻ không hoang mang

Trẻ em cần một môi trường an toàn và cân bằng, cần có người định hướng để trưởng thành và phát triển. Theo quan điểm của tôi, giáo dục không phải là sự áp đặt mà là sự định hướng. Trẻ cũng không trưởng thành từ những lời giáo huấn trong sách vở mà từ những tương tác từ gia đình, xã hội hằng ngày.

Nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, vẫn lắng nghe và chia sẻ với con, nhưng mối quan hệ giữa cha và mẹ luôn căng thẳng, bất hòa sẽ tạo môi trường không cân bằng cho trẻ. Đặc biệt trong quan điểm nuôi dạy con. Cha mẹ cần thống nhất trong việc dạy con, thống nhất trong việc cho phép trẻ làm gì và không được làm gì là điều hết sức quan trọng để trẻ không hoang mang.

* BS NGUYỄN CÁT PHƯƠNG VŨ (Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM):

Cùng trồng đậu, cha gieo hạt giống tâm hồn cho con

Hai cha con tôi chọn cách gieo một hạt giống để ươm mầm cuộc sống. Tôi chọn cách đó để gắn kết tình phụ tử, cùng gieo, cùng ươm mầm, cùng chăm và tận hưởng thành phẩm, tận mắt quan sát sự trưởng thành của một sinh linh: những cây đậu mỏng manh nhưng tràn đầy sức sống, vươn vai lớn lên nhanh chóng chỉ bằng việc gieo hạt xuống cốc bông gòn, chăm chút từng cữ tưới nước và ánh sáng, nhiệt độ.

Tôi tin chắc, cùng đồng hành với con trên mọi bước phát triển trong một bầu không khí đầy hòa khí của gia đình sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển về mặt thể chất của bộ não trẻ, đồng thời là nền tảng kiến thức và gieo những hạt giống tâm hồn đẹp nhất cho tương lai con trẻ.

Bữa cơm gia đình trời Tây và Á Đông thời COVID-19 Bữa cơm gia đình trời Tây và Á Đông thời COVID-19

TTO - "Tự dưng tôi nhớ món bratwurst (xúc xích nướng kiểu Đức) mà mẹ tôi hay làm lúc xưa quá. Tôi có chút ghen tị khi biết bạn mỗi ngày đều ăn cơm với gia đình", Lucas (30 tuổi, người Đức) bỗng dưng thốt lên qua Skype vào một ngày tháng 6-2020.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gia đình