09/10/2023 07:57 GMT+7

Giọt nước tràn ly giữa Israel và Hamas

Cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel từ ngày 7-10 là động thái "chưa từng thấy trước đây", khi lần đầu tiên các chiến binh Hamas từ Dải Gaza có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ Israel.

Xe cộ ở thành phố Ashkelon (Israel) bị phá hủy do trúng pháo do nhóm vũ trang Hamas bắn từ Dải Gaza vào hôm 7-10 - Ảnh: AFP

Xe cộ ở thành phố Ashkelon (Israel) bị phá hủy do trúng pháo do nhóm vũ trang Hamas bắn từ Dải Gaza vào hôm 7-10 - Ảnh: AFP

Xung đột bùng nổ lần này không chỉ có nguồn gốc đến từ các chính sách "đảo chiều" trong vấn đề Palestine do chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện, mà còn là hậu quả của các nỗ lực hòa giải không dứt khoát của cả các cường quốc trong khu vực và quốc tế.

Hiện tượng "đứt gãy chiến lược"

Hai nguyên nhân trên đã cùng lúc tạo nên sự "đứt gãy" trong tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như các nỗ lực kiện toàn giải pháp "hai nhà nước" được quốc tế đồng thuận, tạo nên nhận thức dồn nén thúc đẩy phong trào Hamas phải hành động.

Sự chuyển giao quyền lực từ chính phủ ôn hòa Bennett - Lapid sang chính quyền "cực hữu nhất trong lịch sử" do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo kể từ tháng 1-2023 gần như đã làm đình trệ hoàn toàn quá trình tương tác hòa bình với Palestine.

Từ cách tiếp cận "dùng kinh tế thay thế an ninh" của người tiền nhiệm, ông Netanyahu đã chuyển hẳn sang cách tiếp cận cứng rắn trở lại với hai hướng tiếp cận nhằm triệt tiêu sự tồn tại của chính quyền do người Palestine quản lý (PA) ở cả hai khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.

Đây chính là hòn đá ngáng đường tạo nên hiện tượng "đứt gãy chiến lược" có nguy cơ phá vỡ hoàn toàn 30 năm thực hiện tiến trình hòa bình quý giá giữa Israel - Palestine dựa trên nền tảng Hiệp định Oslo.

Đầu tiên phải kể đến chính là điểm "đứt gãy" từ động thái chấm dứt hoàn toàn kế hoạch "kinh tế hóa" Dải Gaza. Được xem là "xương sống" trong tiến trình hòa bình Trung Đông, kế hoạch này được chính quyền Bennett - Lapid công bố vào tháng 9-2021 bao gồm: khôi phục hạ tầng kinh tế và xây dựng đảo nhân tạo đóng vai cảng biển chiến lược ở Dải Gaza cùng nhiều tuyến giao thông đến Bờ Tây có sự giám sát của quốc tế.

Mặc dù chính ông Lapid, khi đó là bộ trưởng ngoại giao Israel, cũng thừa nhận đây không phải là giải pháp toàn diện khi phía Hamas từ chối tham gia, nhưng động thái cam kết từ bỏ dần các phong tỏa biên giới với Dải Gaza đồng thời chuyển giao dần quyền độc lập năng lượng nhằm vực dậy nền kinh tế Gaza sẽ có thể đổi lấy "sự im lặng lâu dài" của Hamas.

Tuy nhiên, theo tờ Foreign Affair, đến thời Thủ tướng Netanyahu, kế hoạch này đã được "cải biên" lại thành việc thiết lập một nhà nước Do Thái trải dài từ sông Jordan đến biển Địa Trung Hải bằng cách sáp nhập khu vực Bờ Tây và "khuyến khích di cư" 3,5 triệu người Palestine đang kiểm soát 40% lãnh thổ ở đây sang các nước Ả Rập láng giềng.

Để thực hiện kế hoạch trên, chính quyền ông Netanyahu đã quyết liệt tiến hành các chính sách gây áp lực tối đa lên các cộng đồng người Palestine ở Bờ Tây, tạo nên điểm "đứt gãy" tiếp theo. 

Bằng việc sửa đổi luật rút quân (2005) vào tháng 3-2023, Quốc hội Israel (Knesset) đã cho người dân của mình quay lại hai khu định cư bị bỏ hoang trước đó ở Bờ Tây. 

Động thái này tiếp nối việc hợp pháp hóa 80 tiền đồn định cư của người Israel nằm sâu trong các khu vực tư nhân của người Palestine ở Bờ Tây đều vi phạm trực tiếp các cam kết bằng văn bản của các chính quyền Israel tiền nhiệm.

Đến tháng 7-2023, kế hoạch phá hủy các cơ sở hạ tầng của người Palestine ở 40% lãnh thổ khu vực Bờ Tây do PA kiểm soát theo Hiệp định Oslo đã được phía Israel công bố. 

Hệ quả sau đó đã khiến tình trạng bất ổn và bạo lực đã gia tăng nhanh chóng ở Bờ Tây khi phía Israel triển khai một trong những hoạt động quân sự được Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ nhất trong gần hai thập niên vào trại tị nạn ở thành phố Jenin của Palestine. 

Và cuối cùng, các sự kiện xung đột tôn giáo liên quan đến khu vực Núi Đền linh thiêng đối với cả người Israel và Palestine trong tháng 9 đã trở thành "giọt nước tràn ly" dẫn đến việc phía Hamas phát động chiến dịch "Bão Al-Aqsa" tấn công vào sâu Israel hôm 7-10.

Giọt nước tràn ly giữa Israel và Hamas - Ảnh 2.

Nỗ lực cứu vãn không thành

Không chỉ vậy, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia trên thực tế cũng đã tạo nên điểm "đứt gãy" cuối cùng trong nhận thức của lực lượng Hamas. 

Bản chất phía Saudi Arabia đã "cài cắm" yêu cầu chuyển giao quyền kiểm soát 60% khu vực Bờ Tây còn lại từ Israel cho chính quyền PA nhằm đổi lấy các lợi ích từ quá trình bình thường hóa mà không cần thành lập một Nhà nước Palestine trước, nhưng sau đó đã bị phía Israel bác bỏ.

Theo Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham (Anh), dù điều khoản này bị bác bỏ nhưng chính quyền Mỹ Joe Biden vẫn muốn đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa Israel - Saudi Arabia đã tạo nên tâm lý "bị bỏ rơi" của Hamas. 

Người phát ngôn của Hamas Ibrahim Hamad đã tuyên bố trên Đài truyền hình Al Jazeera rằng cuộc tấn công vào Israel "hoàn toàn là một thông điệp" tới các nước Hồi giáo đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Israel.

Chuỗi điểm "đứt gãy chiến lược" này đã tạo nên một nhận thức tương đồng cao độ ở tất cả các lực lượng đối trọng với Israel trong khu vực. 

Không chỉ phía Hamas mà hiện lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon cũng đã tiến hành các đợt phóng tên lửa dẫn đường và pháo kích vào các khu vực mà Lebanon tuyên bố chủ quyền nhưng Israel vẫn chiếm giữ kể từ cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967.

Tiến hành một cuộc tấn công tổng lực ngay ngày kỷ niệm 50 năm chiến tranh Yom Kippur, trùng với ngày lễ Sabbath và dịp lễ Simchat Torah của người Do Thái, lực lượng Hamas không chỉ đã cho thấy một trong những thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử 75 năm của Israel mà còn chứng tỏ sự sai lầm của chiến lược gây áp lực toàn diện lên Palestine mà chính quyền ông Netanyahu đang triển khai.

Tuy nhiên, sự lan tỏa chiến sự gây thương vong cho dân thường về bản chất vẫn là một tội ác cần phải lên án và cần sự can thiệp nhân đạo từ các tổ chức quốc tế và nhóm các cường quốc có ảnh hưởng đến khu vực này trong thời gian sớm nhất có thể.

613

Theo báo The Sydney Morning Herald, tính đến 18h ngày 8-10 (giờ Việt Nam), các tay súng Hamas đã giết hơn 300 người Israel và có gần 2.000 người nhập viện. Trong khi đó, ít nhất 313 người Palestine đã thiệt mạng sau khi Israel không kích trả đũa.

Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế

Ngày 8-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân.

"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân", bà Hằng nêu.

Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel cho hay công dân Việt Nam ở nước sở tại, bao gồm cộng đồng người Việt, cán bộ công tác và khách du lịch, vẫn an toàn.

Đại sứ quán khuyến cáo công dân tạm thời không đến các khu vực xảy ra xung đột và cần theo sát tình hình, chủ động tiến hành các biện pháp đảm bảo an ninh, tuân thủ quy định của chính quyền địa phương, không tụ tập đông người và hạn chế đi lại.

Liên Hiệp Quốc họp khẩn, đại sứ Israel đòi "xóa sổ" cơ sở hạ tầng HamasLiên Hiệp Quốc họp khẩn, đại sứ Israel đòi 'xóa sổ' cơ sở hạ tầng Hamas

Ngày 8-10, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas phạm tội ác chiến tranh và tuyên bố đã đến lúc "xóa sổ cơ sở hạ tầng khủng bố của Hamas", khi Hội đồng Bảo an thảo luận về cuộc xung đột.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên