Phóng to |
NSND Viễn Châu nghẹn ngào phát biểu trước khán giả quê nhà - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Ngày 18-12, rất nhiều khán giả bất ngờ khi nghe tin NSND Viễn Châu từ TP.HCM đã được người thân đưa đến Trà Vinh trước đêm diễn NSND Viễn Châu - Tri ân quê hương. Ngay cả ban tổ chức cũng không chắc là ông có thể xuất hiện vì thời gian này sức khỏe của ông rất yếu, việc đi lại hết sức khó khăn...
“Giờ đây mới có được...”
NSND Viễn Châu bảo người nhà dìu ông đến sớm ngồi xem các nghệ sĩ chạy chương trình. Nhiều nghệ sĩ xúc động ôm lấy ông, NSND Ngọc Giàu và NSƯT Diệu Hiền đùa: “Bữa nay có... bơm mặt không mà thấy đầy đặn vậy? Hôm trước ốm quá trời!”, ông hấp háy đôi mắt cười không thành tiếng. Không nói được nhiều nhưng khi các nghệ sĩ ca, ông nhắm mắt lắc nhẹ đầu, tay run run gõ theo nhịp. Nghệ sĩ Hồng Nga rụt vai: “Coi vậy đó chứ ca sai một chữ, ca trật một nhịp là ổng biết liền!”. Cứ hết phiên mình dượt, các nghệ sĩ lại xuống ngồi kế bên giới thiệu tên mình cho ông nhớ và trò chuyện cùng ông. Ông ừ à, rồi cười, mắt mờ nước...
Ðêm diễn chính thức trước hơn 2.000 khán giả tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh và rất nhiều khán giả xem qua màn ảnh nhỏ (truyền hình trực tiếp trên sóng Ðài PT-TH Trà Vinh và Hậu Giang), mái tóc trắng phơ của ông chao nghiêng trong ánh sáng chớp nháy của đèn flash: “Người ta hay hỏi tôi viết được bao nhiêu bản vọng cổ, tôi không có thói quen đếm sáng tác của mình nhưng vừa rồi thử đếm lại thì cũng được trên 4.000 bài và hơn 70 tuồng cải lương. Lời ca tiếng hát mình viết đã đi khắp đất nước và ra nước ngoài nhưng giờ đây mới có được một đêm diễn riêng ở nơi chôn nhau cắt rốn, đã mấy chục năm xa quê để làm nghề rồi...” - ông nghẹn lời, vai run lên và cố mãi cũng không thể tiếp tục nói.
Nỗi niềm tha hương ngày ấy đã được chàng trai Huỳnh Trí Bá (tên thật của NSND Viễn Châu) gửi gắm vào nghệ danh Viễn Châu khi rời mảnh đất Ðôn Châu lên Sài Gòn theo nghiệp cầm ca. Ở tuổi gần 90 (ông sinh năm 1924), vừa phải trải qua nhiều đợt bệnh nặng thì ước muốn được quay về phục vụ khán giả quê nhà lại mãnh liệt hơn bất cứ lúc nào hết. Tưởng như đó chỉ là khao khát khi sức khỏe không thể cho phép nhưng chính các thế hệ nghệ sĩ, những học trò mà ông tận tình chỉ dạy năm xưa đã quyết tâm cùng chung sức để hoàn thành tâm nguyện của thầy.
Thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương
NSND Lệ Thủy - một trong những người khởi xướng thực hiện chương trình - tâm sự: “Có thể nói bác Viễn Châu là người phát hiện khả năng của tôi từ hồi 13, 14 tuổi, bắt đầu từ vở Quan Âm Thị Kính. Mỗi lần đưa tôi vào phòng thu, bác phải bắc ghế cho tôi đứng lên ca, rồi đánh nhịp, chỉ bảo cho tôi luyến láy. Từ đó đến nay, đi ca ở đâu người ta cũng yêu cầu tôi hát bài của bác, mà hát lên là khán giả đều thuộc làu như Cô hàng chè tươi, Bạch Thu Hà, Cô gái bán sầu riêng, Tình đẹp mùa chôm chôm... Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nghệ sĩ khác cũng được bác viết theo kiểu “đo ni đóng giày” để phát huy sở trường. Bác là người góp phần tạo nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ lớn, vì vậy khi được mời tham gia chương trình nghệ sĩ nào cũng nhiệt tình hưởng ứng. Có thể nói khoảng 2/3 nghệ sĩ tài danh của làng cải lương phía Nam đã tham gia đêm diễn tối 18-12 với mong muốn tri ân một soạn giả bậc thầy”.
Còn NSƯT Diệu Hiền ghi dấu ấn với khán giả bằng hai sáng tác của soạn giả Viễn Châu (Tần Quỳnh khóc bạn, Trụ vương thiêu mình) chia sẻ: “Nói tri ân chứ thực ra tham gia đêm diễn này tôi cũng không trả được hết ân tình của thầy. Hai bài ca cổ của thầy thôi mà hỗ trợ cho cuộc sống của tôi đến ngày hôm nay, vì mời tôi biểu diễn là thế nào ban tổ chức cũng yêu cầu hai bài này”. Với NSƯT Diệu Hiền, phía sau lòng biết ơn người thầy còn là cả một sự ngưỡng mộ: “Thầy có khả năng làm thơ, viết văn, còn là một danh cầm nổi tiếng (đàn tranh, người trong nghề thường gọi là danh cầm Bảy Bá) nên bài thầy viết dù chân chất, mộc mạc, dễ ca, dễ nhớ nhưng giàu tính nhân văn và ca từ rất ý nghĩa nên dễ dàng đi vào lòng người”. Cũng bởi ngưỡng mộ thầy nên trong đêm diễn tối 18-12, nghệ sĩ Diệu Hiền bất chợt bày tỏ: “Em nói thiệt em yêu thầy từ năm 16 tuổi. Mà thầy thì chỉ coi em là con nít. Em nói lại lần nữa: em yêu thầy!”.
Và đêm 18-12, người thầy của các thế hệ nghệ sĩ cải lương say sưa ngồi đến tận gần 24g để nghe các nghệ sĩ thể hiện các sáng tác: Tình anh bán chiếu, Hoa lan trắng, Anh đi xa cách quê nghèo, Hàn Mạc Tử, Mẹ vẫn đợi con về.... và cả những tác phẩm tiêu biểu cho việc sáng tạo những loại hình mới ghi dấu ấn khai phá của ông như hình thức tân cổ giao duyên, vọng cổ hài... Có người ái ngại sương xuống lạnh, nhắc ông Bảy về kẻo bệnh, đạo diễn Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu thành phố - nhìn ông trìu mến: “Giờ có năn nỉ ổng cũng không chịu về đâu!”.
NSƯT Phương Quang - người có mấy chục bài “tủ” toàn là sáng tác của NSND Viễn Châu, trong đó có bài Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu... - cho biết: “Ông không những chỉ dạy cho tôi về nghề nghiệp mà còn truyền cả vốn sống. Thương nhất là bất kể lúc nào, dù đang ngủ, đang mệt hay có công chuyện mà học trò nhờ chỉ bài là ông bật dậy chỉ dẫn nhiệt tình. Trong làng cải lương, chắc khó có người thứ hai như ông!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận