19/05/2012 07:48 GMT+7

Giọt nước mắt của "ông tướng biệt động"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Chú Tư Chu bệnh đã lâu, rất nặng, rất đau đớn. Ấy vậy mà tôi vẫn luôn thon thót sợ hãi mỗi khi nhận được điện thoại của các anh chị em trong đơn vị biệt động cũ. Sợ họ báo tin xấu. Rồi thì tin xấu cũng đến...”.

Bà Nguyễn Lê Thu An, một cựu chiến sĩ biệt động năm xưa, thẫn thờ nói bên bàn lễ tang.

21tfgpAR.jpgPhóng to
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - Ảnh: Tự Trung

Không ai ngạc nhiên nhưng ai cũng đau lòng khi nghe tin “ông tướng biệt động” đã ra đi. Bởi đại tá Nguyễn Đức Hùng, ông Tư Chu, không chỉ là “tướng biệt động” bằng những kiến tạo thần tình cho các trận đánh huyền thoại.

Nước mắt giữa đạn lửa

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Tư Chu là một người chỉ huy bản lĩnh, nhiệt tình và trong chừng mực nào đó có chất lãng mạn cách mạng”. Chất lãng mạn cách mạng ấy của ông Tư Chu đã thể hiện ở nhiều nơi, nhiều lúc, như khi ông nghĩ ra cách tấn công vào cư xá Brink khi ngắm vệt nắng chiếu xiên vào hầm xe qua một tấm ảnh chụp. Và chất lãng mạn cách mạng ấy ứa ra thành những giọt nước mắt sau đêm tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Nước mắt người ở lại

Sống như thế, chiến đấu như thế, ân tình như thế nên hôm nay, sau mười mấy năm chiến đấu ngoan cường với căn bệnh nan y, ra đi thanh thản ở tuổi 86, mà ông Tư Chu vẫn để lại phía sau bao nhiêu thương tiếc. Đến chia buồn cùng gia đình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi vào sổ tang: “Nhân dân Sài Gòn - Gia Định/TP.HCM và những chiến sĩ biệt động năm xưa đành phải chia tay, vĩnh biệt anh. Tổ quốc mãi mãi ghi công anh với những chiến công xuất sắc trong những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ hi sinh giữa lòng Sài Gòn - Gia Định... Vĩnh biệt anh Tư”. Hay ông Sáu Phú (Dương Chí Thành, cựu chiến binh lữ đoàn đặc công - biệt động 367) viết vào sổ tang trong ngỡ ngàng: “Được tin vội chạy đến thì đã đi về cõi vĩnh hằng rồi, Tư Chu ơi. Còn đâu những ngày sống chết cạnh nhau”.

Và hôm nay ông đi, lại có rất nhiều nước mắt.

Hơn mười năm trời xây dựng, đào tạo, rèn luyện, tích lũy, toàn bộ lực lượng biệt động của ông Tư Chu được dốc hết vào trận đêm mồng một tết, bằng ý chí anh dũng vô song của mình lập nên chiến công chấn động. Từng giây phút các chiến sĩ, đồng đội chiến đấu ở đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ, bộ tư lệnh hải quân, bộ tổng tham mưu, dinh tổng thống là từng giây phút ông Tư Chu nghe ruột gan nóng như lửa đốt, tim óc nhói đau vì chưa thấy tin quân tiếp viện.

Giữa trùng trùng mũi súng, vòng vây, ông vẫn lao đi thu thập tin tức đồng đội. Sau này ông viết trong hồi ký về đêm ấy: “Đơn vị do tôi chỉ huy đã mất đi hơn 80% sinh lực chỉ trong một ngày. Từng gương mặt thân yêu của anh chị em cứ hiển hiện khiến lòng tôi quặn thắt, lo lắng, day dứt và xót xa. Nước mắt tôi cứ tự nhiên chảy ra không thể kìm lại được. Những cảm giác này sẽ theo tôi suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời”.

Nước mắt ông còn phải chảy trong âm thầm sau đó nữa khi hai con trai của ông mới lên 5, lên 7 tuổi đang ở với bà ngoại bị đối phương bắt để chiêu hàng cha mẹ, bị đưa qua nhiều trại giam, mắc chứng thương hàn không người chăm sóc. Được thư ông Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) khi đó là bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định hứa “sẽ làm hết khả năng để bảo đảm an toàn cho hai cháu”, ông lại nuốt nước mắt cùng vợ bước vào cuộc chiến đấu.

Từ điển sống của biệt động Sài Gòn

Và không chỉ là nước mắt. Trước đó, sau trận đánh vào đại sứ quán Mỹ tháng 3-1965, chiến sĩ biệt động Tư Việt (Lê Văn Việt) bị bắt, bị xử án tử hình. Trong căn cứ ông Tư Chu không chợp mắt. Nửa đêm ông băng rừng tìm đến Bộ tư lệnh quân khu đề đạt nguyện vọng tìm cách cứu Tư Việt, rồi sau đó một kế hoạch trao đổi tù binh đã được hình thành. Không chỉ là nước mắt. Hòa bình rồi, cứ tết đến gia đình ông Tư Chu lại làm mâm cơm giỗ đội biệt động.

Nghỉ hưu, ông Tư Chu cặm cụi đi tìm lại tông tích đồng đội, những chàng trai cô gái khi xưa hồn nhiên gia nhập lực lượng biệt động, hồn nhiên sống chết với nhau bằng những bí danh. Ông đối chiếu các tài liệu, các hồi ức để ghi chép lại, tái hiện những giây phút anh hùng bất tử của từng người. Ông gửi đi những bản đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng cho các tổ chiến đấu, cá nhân xuất sắc. Được coi là từ điển sống của biệt động Sài Gòn, ông nhớ tất cả, chỉ quên bản thân mình. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đến với ông những ngày cuối trên giường bệnh, tháng 1-2012. Mọi người ai cũng thốt lên: “Muộn quá”; chỉ riêng ông mỉm cười gật đầu, ra dấu: “Ấm lòng rồi”.

Những đồng đội thân thiết với ông ai cũng hiểu cái làm ông ấm lòng và an lòng nhất là hai cuốn sách Biệt động Sài Gòn và Từ một dòng sông đã được hoàn thành, công lao và sự hi sinh của lực lượng biệt động đã được vinh danh. “Lẽ ra anh Tư Chu phải có thêm một Huân chương Lao động” - bà Thu An nhắc. Nói vậy là vì ông đã viết những trang bản thảo đầu tiên sau khi được bác sĩ chẩn đoán căn bệnh ung thư vòm hầu di căn đã tới cuống họng: “Nay tôi đã gần 70 tuổi và căn bệnh hiểm nghèo thu hẹp sự hoạt động, nhắc tôi về quỹ thời gian còn lại không bao nhiêu nữa. Vậy thì có lẽ hay nhất là tôi nên tận dụng số thời gian này - tuy ít ỏi - sao cho có ích”.

Hai cuốn sách được ông xây dựng đề cương, bố cục cẩn thận, sao lục tài liệu, rồi viết, ghi chú cẩn thận từng trang, miệt mài cho đến tận lúc nét chữ chân phương thanh mảnh bị những cơn đau khiến cho méo mó, nguệch ngoạc. Đọc những dòng gan ruột trong sách, nhìn những tập bản thảo và cả kịch bản phim được ông viết trên nhiều loại giấy, bằng nhiều dạng nét chữ tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sức khỏe mà khó cầm lòng. Các nhà lãnh đạo lão thành như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Võ Trần Chí, Trần Bạch Đằng khi đọc sách đều ghi nhận đây là tài liệu rất giá trị, rất quý giá cho lịch sử, còn ông thì ghi lời đề từ: Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong (Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong - Trần Nhân Tông).

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên