Học sinh xếp hàng để lấy cơm và thức ăn - Ảnh: Mỹ Dung |
Tại Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) từ đầu năm học 2014-2015, cứ 10g45 hằng ngày, sau khi tan tiết cuối cùng của buổi sáng, học sinh các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ xếp thành hàng “rồng rắn” đi ra khu nhà ăn của trường.
Tại đây, mỗi học sinh sẽ tự lấy khay ăn, khẩu phần ăn của mình (cơm, thức ăn, tráng miệng, muỗng...) rồi về bàn ăn theo quy định của khối lớp. Trên bàn đã có sẵn một nồi canh, học sinh sẽ ăn canh theo nhu cầu.
Sau khi ăn xong, các em tiếp tục tự dọn dẹp bát đũa của mình, phân loại rác theo đúng quy định của nhà bếp. Các em cũng tự rửa tay, làm vệ sinh cá nhân trước khi về khu nghỉ trưa đã được trường phân theo lớp.
Ngay cả học sinh khối lớp 1 cũng đã thuần thục với công việc tự phục vụ đó. Trúc Quỳnh, một học sinh, vừa ăn vừa vui vẻ nói: “Con thích cùng các bạn đi lấy thức ăn như thế này, giống như chúng con được đi ăn buffet vậy”.
Nhà ăn của trường được đặt trên khu hành lang, ước chừng mỗi lần có thể chứa 300 học sinh. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện nay trường có hơn 800 học sinh bán trú nên sẽ chia thành hai ca để ăn trưa.
Trường xây dựng nề nếp tự phục vụ cho học sinh từ đầu năm học 2014-2015 sau khi ban giám hiệu được tham khảo mô hình bữa ăn bán trú chuẩn kiểu Nhật Bản trong dự án Bữa ăn học đường do Sở GD-ĐT TP.HCM và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tổ chức.
Hai tuần đầu thật sự rất vất vả, nhưng giờ thì đã đâu vào đó. Trường coi việc tự phục vụ bữa trưa cũng là một loại kỹ năng sống cần rèn luyện cho học sinh nên cũng linh hoạt thực hiện trong điều kiện cụ thể của đơn vị”.
Thầy Nguyễn Quang Vinh, trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết xây dựng trường học bán trú với việc hình thành thói quen tự phục vụ ở học sinh là một trong những nhiệm vụ mà ngành giáo dục tiểu học TP.HCM đề ra trong năm học 2014-2015.
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tự phục vụ bản thân cũng là một kỹ năng cần rèn luyện ở lứa tuổi tiểu học. Hi vọng gia đình sẽ cùng nhà trường xây dựng tốt kỹ năng này cho học sinh. Ở nhà ông bà, cha mẹ cũng nên “nối tiếp” để rèn kỹ năng này cho các em” - thầy Vinh bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận