Bạn trẻ nước ngoài chọn mua trái cây khi đến Việt Nam - Ảnh: MovetoVN
Nếu có cơ hội đi nhiều nước hoặc được trò chuyện với những người làm ngành dịch vụ ở các khu vực chuyên phục vụ khách nước ngoài, bạn sẽ biết sự thật hoàn toàn khác.
Tôi muốn có cuộc sống tối giản, thậm chí ngay cả khi tiền từ trên trời rơi xuống, tôi cũng sẽ không mua nhiều hơn mức hiện tại.
Kaoruko Shimada (sinh viên)
Ngày càng tiết kiệm
Điều khá thú vị ở các cường quốc hàng đầu là mọi thứ có khuynh hướng theo chiều ngược lại, tức hiện tượng tiêu xài hoang phí không phải là phổ biến.
Theo Reuters (Canada), giới trẻ xứ sở hoa anh đào đang dần trở nên tiết kiệm và có trách nhiệm hơn với từng đồng chi tiêu của bản thân.
Dù là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhưng những năm gần đây Nhật Bản có tốc độ phát triển kinh tế không quá cao, thu nhập của lao động tăng không đáng kể... Nhận thức rõ điều đó, thanh thiếu niên các nước này có xu hướng tiết giảm chi tiêu, thậm chí chỉ lùng sục mua những món hàng giảm giá.
Sarumaru (26 tuổi) cho rằng việc mặc trên người những bộ đồ trị giá cả ngàn đô không thú vị bằng việc phối các kiểu quần áo rẻ tiền nhưng lại "hợp nhãn" với người đối diện. Sarumaru tin rằng việc hạn chế tối đa chi tiêu chắc chắn không ảnh hưởng đến sự tròn đầy, hạnh phúc trong cuộc sống.
Trên 60% học sinh trung học, sinh viên tại Nhật cho biết họ thích được đánh giá là người biết tiết kiệm hơn là kẻ phóng khoáng về tiền bạc, theo kết quả của một công ty nghiên cứu thị trường và người tiêu dùng uy tín.
Riêng tại Đức - quê hương của những dòng xe hơi xa xỉ nhất thế giới, với nền kinh tế lớn nhất châu Âu - từng có giai đoạn nhiều bạn trẻ nơi đây chọn lối du lịch "Spend less, enjoy more" (tạm dịch: chi trả ít hơn, tận hưởng nhiều hơn"). Jonas (28 tuổi, đến từ thành phố Bonn) cho biết mình và bạn gái đã đi du lịch trên 40 quốc gia với số tiền ít đến bất ngờ.
"Thu nhập của cả hai đều tốt, nhưng tôi chỉ cần một chiếc giường để đặt lưng nghỉ mệt vào mỗi tối, không cần thiết phải là khách sạn sao này, sao nọ. Đi đến đâu tôi cũng cố gắng tận hưởng món ăn địa phương chứ không chọn nhà hàng chuẩn quốc tế hay cửa hàng bán đồ ăn nhanh.
Ẩm thực địa phương ở nhiều nước, như Việt Nam, vừa ngon lại siêu rẻ so với mức thu nhập phương Tây. Nếu đi đâu cũng "chui" vào khách sạn vài sao, nhà hàng chuẩn quốc tế, có thể tiện đấy nhưng trải nghiệm sẽ không thú vị nữa", Jonas chia sẻ.
Tự lập sớm, phải lo dành dụm
Không chỉ thanh niên Nhật, Đức mà những cá nhân thuộc "thế hệ Millenials" (còn được gọi là "thế hệ Y", được sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến đầu năm 2000) tại Mỹ và nhiều quốc gia đã và đang phát triển dần có khuynh hướng sống tiết kiệm hẳn, sử dụng lại đồ cũ hơn là mua đồ mới. Việc mua xe hơi cũ, giường cũ, máy nghe nhạc và thậm chí... váy cũ khá phổ biến!
Theo khảo sát trên 1.000 người trong độ tuổi 18-34 được Ngân hàng M.E (thuộc Ngân hàng B.O.A) công bố thì 38% người được hỏi cho biết họ tiết kiệm gần phân nửa số tiền để dành mỗi tháng, 54% giảm các khoản chi tiêu cho giải trí vui chơi, 42% chọn giảm đi du lịch... Các con số trên được cho rằng sẽ tăng đáng kể dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Thực chất điều này không quá khó hiểu. Giới trẻ Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đã chọn lối sống tự chịu trách nhiệm về bản thân từ năm 18 tuổi. Việc dọn ra ngoài sống riêng có "điểm cộng" giúp họ tự do hơn, nhưng đánh đổi lại họ cũng phải làm việc cật lực, sớm dè sẻn từng đồng để có tiền trả thuê nhà, mức học phí đại học ngày càng phình to (nhất là ở các trường tư)...
Dĩ nhiên trước đó họ từng trải qua giai đoạn sống phung phí, chỉ có điều khi nhận thức được nâng cao thì hành vi, quyết định đã thay đổi theo hướng tích cực.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục ở nhiều nơi đang nỗ lực giúp xây dựng nền tảng nhận thức và định hướng tư tưởng cho người trẻ, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức chuyên môn. Môn học giáo dục tính cách, hoạt động ngoại khóa liên quan đến các vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống, về phát triển bền vững... giúp nhiều bạn nhận ra giá trị và vai trò bản thân.
Chẳng hạn như câu chuyện nước Mỹ là nơi sinh ra chuỗi đồ ăn nhanh và thức uống có gas, những thứ từng "len lỏi" vào cuộc sống của người dân nơi đây, tựa như "hơi thở". Thế nhưng, khi nhiều người nhận thức tỉ lệ béo phì một phần vì thế mà gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyện học hành mà còn các khía cạnh về tâm sinh lý... họ đã chuyển biến về hành động.
Một số bạn chọn tự nấu ăn và trồng các loại hoa, giúp khu vườn thêm đẹp và làm nước uống bổ dưỡng.
Nói "không" với tivi và máy điều hòa
Vợ chồng tôi 40 tuổi, thu nhập ổn định, có hai con trai đang học tiểu học và mẫu giáo. Chúng tôi chọn cách sống khác để mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và các con. "Khác" thứ nhất là trong nhà không có tivi đã 10 năm nay, dù sống ngay trung tâm TP. Tôi thừa khả năng mua tivi để nhiều phòng nhưng chẳng muốn con cái phải mang kính cận khi chưa vào lớp 1.
Dù không có tivi ở nhà nhưng các con vẫn xem chương trình hoạt hình hoặc học tương tác với tivi ở trường, vì thế tôi không lo con bị lạc hậu. Buổi tối, cả nhà dành thời gian đọc sách, lắp ghép đồ chơi bằng gỗ, trò chuyện cùng nhau.
"Khác" thứ hai là dành thời gian ăn sáng ở nhà mỗi ngày. Ngoài ra, nhà tôi không dùng máy điều hòa. Sống tối giản để bảo vệ môi trường, không chạy theo vật chất giúp chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. (Nguyễn Quốc Vỹ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận