Phương pháp quản lý tài chính JARS được nhiều bạn trẻ áp dụng - Ảnh: HẢI NAM
Lê Ngọc Trâm (29 tuổi, TP.HCM):
Chiến thuật kiểu JARS
Hồi học đại học, bố mẹ cho tiền đóng học phí, còn lại tôi đi làm thêm đủ nghề, từ dọn nhà, dạy thêm, rồi cộng tác viết lách để lấy tiền trang trải sinh hoạt. Ra trường, tôi bắt đầu tự lập, hoàn toàn không dùng tiền của bố mẹ nữa, nên càng phải tính toán cẩn thận.
Đi làm được một năm thì tôi đăng ký học văn bằng 2. Một năm sau nữa thì em gái vào đại học. Rất nhiều thứ mà tôi phải chi tiêu: các khoản học phí, tiền nhà, tiền chi tiêu cho cả hai chị em... Thu nhập của tôi lúc đó khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, nhưng các khoản buộc phải chi đã lên tới 7-8 triệu. Còn lại 1-2 triệu tôi vẫn ráng để dành không đụng tới. Vì tôi nghĩ dù nghèo tới mấy cũng phải để dành phòng khi gia đình "có việc".
Đó là quãng thời gian 5-6 năm liền tôi vừa học, vừa làm, vừa nuôi em gái học đại học, lại thỉnh thoảng gửi tiền phụ giúp mẹ ở quê.
Nhưng nếu tự nhận xét bản thân thì tôi thấy mình không phải là người tằn tiện, ăn uống khổ sở. Phải có sức để làm và phải có niềm vui để tiếp tục đi làm nên cũng phải hưởng thụ chút chứ! Quan điểm của tôi là phải có ý thức dành ra một khoản tiết kiệm liên tục.
Thi thoảng, chợt nhận ra độ này mình chi tiêu nhiều quá, tôi sẽ ghi chú lại những món chi tiêu của mình. Cuối tháng, hoặc thậm chí cuối tuần, đúng kiểu con nhà nghèo, tôi ngồi tổng kết xem mình đã chi bao nhiêu, vào những việc gì, có hợp lý không...
Nhờ vậy, tôi có thể điều chỉnh được chi tiêu trong những tuần hoặc tháng tiếp theo. Chẳng hạn, có tuần tôi phát hiện ra mình đã đi ăn bên ngoài hết cả triệu đồng, thế là tuần sau bớt lại.
Tới lúc tài khoản có vài chục triệu tôi bắt đầu lập sổ tiết kiệm. Tôi ước tính tổng thu nhập hằng tháng và quyết định sẽ phải dành dụm 50% số tiền kiếm được. Khi vừa có tiền công ty chuyển vào tài khoản, đủ 50% thu nhập là tôi chạy ra ngân hàng bỏ vào sổ ngay.
Còn lại chi tiêu cho đủ trong vòng 50% còn lại. Khi tích lũy được lên tới con số trăm triệu, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm nhà, đất để mua. Vừa mới đây tôi đã mua căn chung cư cũ khoảng 1,6 tỉ đồng với 70% là khoản vay từ ngân hàng, mỗi tháng trả lãi 12 triệu đồng.
Thực ra cách mà tôi áp dụng chính là phương pháp quản lý tài chính có tên JARS - có nghĩa là những chiếc lọ, mà tôi đọc được từ khá sớm.
Theo phương pháp này thì mọi người sẽ chia thu nhập thành 6 phần: khoảng 55% cho nhu cầu thiết yếu, 10% cho tiết kiệm dài hạn, 10% là khoản dành để đầu tư và không bao giờ được "ăn" vào, 10% cho học hành, 10% cho thú vui hoặc sở thích bản thân, 5% cho việc giúp đỡ người khác. Tôi nghĩ trẻ con nông thôn có thiệt thòi là không được dạy quản lý tài chính ngay từ nhỏ nhưng tôi may mắn đọc những cuốn sách nói về điều đó khá sớm.
Trâm Anh (30 tuổi, TP.HCM):
Làm sổ tiết kiệm
Là người sống có kế hoạch nên tôi hầu như miễn nhiễm với những trào lưu mua sắm rầm rộ. Tôi nghĩ chính nhờ thói quen sống có kế hoạch đó mà hai vợ chồng tôi đã sớm tích cóp được một khoản tiền, bắt đầu có tiền mua đất, xây nhà, mua xe sau khi kết hôn chừng 4 năm.
Khi còn ở trọ tôi không mua sắm nhiều đồ, kể cả quần áo, chỉ mua những thứ thật cần thiết. Nhưng lúc đầu hai vợ chồng tôi cũng không tiết kiệm được bao nhiêu khi cứ để tiền trong tài khoản. Mọi người cũng thấy thời bây giờ cà thẻ, rút tiền đều rất tiện lợi nên để tiền trong thẻ thì kiểu gì cũng tiêu, không kiểm soát được.
Cách hai vợ chồng tôi làm là bắt đầu bỏ sổ tiết kiệm. Được bao nhiêu cũng làm sổ. Sổ 5 triệu, 10 triệu, sổ 20 triệu... Cuối năm thì dồn nhiều sổ nhỏ thành một sổ lớn. Nhưng sống có kế hoạch, chi tiêu hợp lý, làm sổ tiết kiệm là một chuyện. Đến khi đủ tiền chúng tôi quyết định đi tìm mua một miếng đất ở ngoại thành xa trung tâm một chút.
Vợ chồng tôi không có đủ ngay số tiền cần mua và cũng phải vay mượn. Tôi nghĩ với người trẻ tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp, việc mua những tài sản lớn như đất đai, nhà cửa bằng tiền để dành là rất khó khăn. Vì không có tài sản, nhà cửa thế chấp để vay ngân hàng.
Lúc đó chúng tôi đi mượn bạn bè, người thân, những người thật sự có tiền nhàn rỗi và thân thiết với hai vợ chồng, mượn mỗi người 20 -30 triệu, nói rõ với họ là chúng tôi chỉ có thể trả lại trong năm tới... Nếu không có những người như vậy giúp đỡ thực sự sẽ rất khó.
Điều quan trọng không kém là phải tìm cách tăng thu nhập. Chúng tôi cũng kết hôn sớm, có hai người cùng tích cóp. Hai vợ chồng tôi nhận thêm dự án ở ngoài, dồn những khoản tiền thưởng thành những cuốn sổ tiết kiệm. Cứ như thế trong 9 năm qua vợ chồng tôi đã hoàn thành xong việc mua đất, xây nhà, mua xe.
Đón tết ở thành phố
Gia đình tôi năm nay không về quê đón tết. Sau Tết Nguyên đán 2020, là giáo viên (trường tư) nên tôi được nghỉ một cái tết kỷ lục, điều này ảnh hưởng đến thu nhập. Khi trở lại trường chưa được bao lâu thì công việc ở công ty vợ không có hàng. Số ngày đi làm mỗi tháng chỉ tính trên đầu ngón tay.
Công nhân nghỉ nhiều tháng không lương, vợ tôi và một số nhân viên ngoài đi làm tính lương theo ngày thì công ty hỗ trợ mỗi ngày 170.000 đồng. Nay công ty đã có đơn đặt hàng, nhưng số hàng làm chỉ gói gọn trong hai tháng (12-2020 và 1-2021). Thất nghiệp đã thấy rõ, tiền thưởng tết nghe đâu 0 đồng. Thế là việc không về tết đã được ấn định từ nhiều tháng trước.
Khu phố nhà tôi có nhiều nhà trọ trống phòng, đó là tình trạng chung của một số nhà trọ ở những khu công nghiệp khi công nhân thất nghiệp đành phải về quê. Những công nhân có việc làm nhưng mỗi tuần chỉ làm một số ngày hay nhiều tháng nay không có tăng ca thì đường về quê ăn tết hơi xa. Chính vì thế, việc ở lại thành phố đón tết là sự lựa chọn tốt nhất trong năm dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài này.
Hoàng Thái Hùng (giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận