07/01/2021 10:57 GMT+7

Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 4: Đừng quên tích cốc phòng cơ

NHƯ CẨM
NHƯ CẨM

TTO - Diễn đàn 'Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng' trong những ngày qua đã nhận được nhiều câu chuyện, ý kiến từ bạn đọc. Nhịp sống trẻ trích đăng những bài viết đầu tiên.

Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 4: Đừng quên tích cốc phòng cơ - Ảnh 1.

Không còn mua sắm thẳng tay như trước, người dân giờ thắt lưng buộc bụng hơn - Ảnh: C.TRIỆU

Tôi - 25 tuổi, nhân viên văn phòng với đồng lương chỉ ở mức vừa đủ chi tiêu, hầu như mỗi tháng không tiết kiệm được quá nhiều.

Điều chỉnh thói quen cá nhân

Sau khi dịch bệnh ập đến, tự động tất cả các khoản chi tiêu được thắt chặt hơn bao giờ hết. Tôi đọc thấy nhiều bạn biết tiết kiệm, nấu ăn tại nhà mang theo thay vì ăn ngoài, rồi nhịn ăn vặt. Tôi chọn cách khác.

Tôi ăn sáng khá muộn và ăn rất kỹ, buổi trưa chỉ ăn trái cây hoặc cái gì đó và quay lại ăn tối. Tôi bắt đầu luyện tập bơi lội, yoga và ăn chay. Nhiều người bảo tập luyện như thế ăn uống sẽ nhiều hơn, nhưng tôi thấy ngược lại, tự nhiên ăn ít nhưng khẩu vị lại rất ngon. 

Hơn nữa do ăn chay nên tính ra chi phí không bao nhiêu. Khoản chi phí để dành, tôi gửi cho gia đình ở quê khi cần dùng đến.

Chị đồng nghiệp 34 tuổi còn độc thân, với mức lương nhân viên văn phòng, ở thời điểm hiện tại chị phải thắt chặt chi tiêu rất nhiều thì mới đủ khi sống cùng gia đình nhân khẩu mười người và chỉ có ba người (kể cả chị) may mắn đi làm sau một thời gian nghỉ vì dịch.

"Mua sắm, du lịch, đời sống cá nhân tất cả gác hết một bên, bây giờ chỉ tập trung đầy đủ cho gia đình" - chị chia sẻ. Đối với người trẻ năng động như chị, một năm đi du lịch từ hai đến ba lần. Áo quần, giày dép, mỹ phẩm sắm toàn đồ hiệu. Nhưng năm nay chị phải nói từ chối tất cả.

Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 4: Đừng quên tích cốc phòng cơ - Ảnh 2.

Thói quen mua sắm hàng giảm giá càng được bạn trẻ ưu tiên hơn trong đợt này - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Lạc quan trong nghịch cảnh

Nơi tôi sống và làm việc là một thành phố mà kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch và dịch vụ - Hội An. Khi dịch bùng phát sau tết, mọi hoạt động dường như đứng yên. 

Xong đợt cách ly, mọi thứ dần dần phục hồi trở lại, đến lượt Đà Nẵng bùng phát ổ dịch lớn nhất nước, buộc Hội An và Đà Nẵng thực hiện cách ly nghiêm ngặt gần một tháng. 

Những ai trải qua khoảng thời gian cả thành phố bị "thắt chặt", sống trong nỗi sợ mới thấu hiểu! Sợ bị nhiễm bệnh, sợ bị xã hội kỳ thị, sợ không có tiền và sau đó không có việc làm.

Bạn bè tôi tại khu vực phong tỏa của thành phố nói rằng họ bị stress nặng nề, không ốm mà tự nhiên cũng trở nên ốm, khi hằng ngày phải nghe loa phát thanh liên tục, xe đặc chủng phun khử trùng, thực hiện xét nghiệm đều đặn cộng thêm nỗi lo tiền bạc. Như nhà chị đồng nghiệp ở trên, nếu không có sự chuẩn bị trước về kinh tế, cả gia đình không biết xoay xở như thế nào.

Vẫn còn được đi làm, vẫn được nhận lương đều đặn hằng tháng giữa thành phố vừa trải qua mấy trận bão lụt liên tiếp và đang trong nỗi lo của COVID-19 với tôi đó là sự may mắn hơn rất nhiều người. 

Có lẽ, đại dịch Covid-19 như cây kim chọc vào "túi kinh tế" của chính bản thân. Từ đó biết suy nghĩ, biết cân nhắc, tiết kiệm để lo xa hơn.

Lên kế hoạch chi tiêu theo ngày

Tôi có thói quen kiểm soát chi tiêu từ ngày còn bé, khi biết tự kiếm tiền từ những việc không tên: chà đũa, lượm ve chai, phụ bán hàng, thắt bông sinh nhật…

Đến tuổi đi học, tôi luôn cố gắng học giỏi để được học bổng, phần thưởng nên không tốn nhiều tiền cho chi phí học tập. Khi ra trường đi làm, có nhiều khoản thu nhập và cũng có nhiều khoản phải chi tiêu, tôi thiết kế cho mình một file Excel để theo dõi tình hình thu chi mỗi ngày.

Bên cột "thu" tôi có 3 nội dung: "chính" - ghi tiền lương cố định hằng tháng; "phụ" - ghi những tiền có thêm ngoài lương như phụ cấp, phúc lợi, tiền lễ hoặc tết; "ngoài" - ghi những tiền tôi làm thêm như viết báo, trúng thưởng, làm việc thời vụ.

Bên cột "chi" tôi chia thành 8 nội dung cụ thể, chi tiết như tiền gửi xe, bơm xe, tiền xăng, đi xe buýt, ăn uống, phòng bệnh...

Cách sống của tôi vốn giản dị. Đi một quãng đường không quá xa, tôi sẽ đi bộ, vừa tập thể dục, vừa tiết kiệm tiền xăng, tiền gửi xe. Tôi để tóc ngắn, cứ 2 tháng cắt 1 lần, cắt tiệm người quen trong xóm với giá rất bình dân.

Giày dép chỉ có 2 đôi thay đổi và 1 đôi mới để đi tiệc. Tôi chọn mặc quần tây đen hoặc xanh đậm, áo sơmi đơn giản nhưng lịch sự, đi đâu cũng phù hợp. Chi phí dành cho sử dụng điện thoại cũng tiết kiệm.

Mỗi ngày thu vào, chi ra bao nhiêu tôi đều nhập vào file, sau 1 tuần, 1 tháng, nửa năm, một năm tôi đều nhìn lại tình hình thu chi để biết đã chi cho những khoản nào quá nhiều, và lên kế hoạch cân đối lại. Sau những khoản chi cố định như vậy, trừ những chuyện xảy ra bất ngờ, tôi còn dư được chút ít để gửi tiết kiệm.

Dịch bệnh xảy ra trong suốt 1 năm qua, nhưng tôi không bị ảnh hưởng nhiều vì trước giờ tôi quản lý rất tốt chi tiêu của mình. Tôi luôn tâm niệm: "biết đủ, là đủ; chờ cho đủ, bao giờ mới đủ".

PHẠM HỒNG CHÂU

Ăn sáng tại nhà

Việc ăn sáng ở nhà với những món ăn cùng chung tay nấu nướng đã trở nên quen thuộc với gia đình tôi. Để duy trì được thói quen này không phải là dễ dàng vì cả hai chúng tôi đều phải đi làm và các con đến trường hằng ngày.

Ăn sáng ở nhà đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ so với việc ăn sáng ở các quán ăn. Thử làm một bài toán nhỏ, vợ tôi đã cho thấy được mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Đây là lý do chính đáng nhất mà tất cả thành viên trong nhà, trong đó có tôi, đồng thuận.

Nhờ tài khéo léo của vợ tôi nên gia đình luôn có những món ăn sáng phong phú, hợp khẩu vị và giàu chất dinh dưỡng. Ăn sáng ở nhà nhưng thực đơn không hề đơn điệu mà trái lại luôn luôn thay đổi, khi thì món nước, khi thì món khô, thậm chí còn cả món tráng miệng. Điều quan trọng nhất là ngân sách gia đình được tiết kiệm.

Khoản tiền này chúng tôi có thể chi tiêu vào những việc chính đáng khác như mua sắm dụng cụ học tập cho con, trang bị những vật dụng cần thiết trong nhà.

Khi cả nhà chung tay nấu ăn, hai con tôi lại có thêm những bài học về tính tiết kiệm: không nên vặn quá lửa khi đun nấu vì lãng phí gas, mở van nước tùy theo mức độ cần sử dụng, tận dụng nước đã rửa rau để tưới cây xanh trồng trong nhà, trong đó có các loại rau nhà trồng làm gia vị như rau thơm, diếp cá...

Theo tôi, việc vào bếp vừa để cảm nhận thế giới ẩm thực, vừa hiểu thêm nhiều điều hay trong cuộc sống.

Gian bếp nhà tôi càng thêm ấm cúng khi hòa quyện vào đó tình yêu thương và hạnh phúc gia đình. Các con tôi có được những bài học về giá trị của đồng tiền chính đáng, từ đó thực hành thường xuyên thói quen tiết kiệm.

LÊ TẤN THỜI

Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 3: Lâm nợ vì xài trước trả sau Giới trẻ với câu chuyện thắt lưng buộc bụng - Kỳ 3: Lâm nợ vì xài trước trả sau

TTO - Với nhiều bạn trẻ có hiểu biết về tín dụng thì nhiều công ty tài chính cho vay tín dụng ra đời sẽ là cơ hội giúp họ nhận được nhiều khoản ưu đãi, khuyến mãi. Tuy nhiên không ít người lâm cảnh nợ nần, đôi khi phải biệt xứ cũng từ đây.

NHƯ CẨM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên