Nhiều ưu đãi là lý do nhiều người trẻ thích dùng thẻ tín dụng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Với nhiều bạn trẻ có hiểu biết trong lĩnh vực tín dụng thì nhiều công ty tài chính cho vay tín dụng ra đời sẽ là cơ hội giúp họ nhận được nhiều khoản ưu đãi, khuyến mãi. Tuy nhiên cũng không ít người lâm cảnh nợ nần, đôi khi phải biệt xứ cũng từ đây.
"Thích mua thì cứ mua thôi, ra đó có mấy người bên công ty tín dụng lo cho cả rồi. Đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ, còn đi vay thì cũng ngần ấy lãi à, ngồi tính toán chi mệt" - anh Lê Quang (27 tuổi, công nhân tại quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết.
Trằn trọc "săn" ưu đãi
Với hơn 4 năm kinh nghiệm và đang sử dụng tới hơn 5 thẻ tín dụng, anh Dương Gia Hùng (28 tuổi, ngụ Tân Bình) tự tin nói bản thân là người "tôn sùng" công nghệ và thói quen sử dụng không tiền mặt. Ngoài chứng minh lương, sổ tiết kiệm thì để đạt được hạn mức thẻ tín dụng cao nhất lên tới 56 triệu đồng như hiện nay, bản thân anh Hùng phải là người am hiểu cũng như có lịch sử giao dịch tín dụng "sạch sẽ". Mức phí duy trì thẻ lên tới 3, 4 triệu đồng/ năm, tuy nhiên anh xem đó là chuyện thường bởi "sẽ có cách" để không những không bị thiệt mà còn được lợi.
"Cho phép người dùng xài trước trả sau, lại có quá nhiều ưu đãi là điều khiến tôi mê mệt với tín dụng. Trong khi mình cũng có nhiều khoản cần chi tiêu nên những thứ đó sẽ bù lại phí duy trì thẻ và dĩ nhiên là sẽ lời" - anh Hùng nói.
Bản thân không có quá nhiều việc cần chi tiêu thì cách mà chị Hồ Thị Ngân (31 tuổi, ngụ Q.3, nhân viên văn phòng) "săn" ưu đãi, hưởng phần trăm hoa hồng tiền hoàn trả, điểm vàng từ việc dùng thẻ tín dụng đó là mua hàng, đặt vé máy bay hoặc thanh toán hóa đơn... giùm bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, dù có trằn trọc để dự trù các tình huống phải đối mặt cho cuộc săn lùng này thì chị Ngân cũng phải thừa nhận từng rơi vào cảnh trớ trêu: "Nếu tỉnh táo chi tiêu, các ưu đãi cũng giúp mình tiết kiệm được kha khá. Tuy nhiên có lần khi thanh toán xong hóa đơn cho một người bạn, họ xù luôn khiến mình mất trắng, không xoay kịp lại phải chịu thêm lãi phạt".
Chị Ngân cũng chia sẻ rằng khi xu hướng sử dụng thẻ tín dụng trở nên phổ biến, các ngân hàng cũng dần "dễ dãi" trong quá trình thẩm định, xét duyệt hạn mức sử dụng, chuyện bỏ của chạy lấy người ngày một nhiều.
"Như cậu bạn tôi cũng mê mấy khoản ưu đãi lắm nên tiêu dùng quá đà, tới khi không đủ khả năng trả đành bỏ chạy. Dĩ nhiên sẽ bị ghi vào danh sách đen tới cuối đời luôn quá" - chị Ngân kể.
Vừa mua đã... bán
Với nhiều bạn trẻ có mức thu nhập ổn định, việc chọn các giải pháp tài chính, tín dụng để mua sắm, chi tiêu đôi phần sẽ mang lại hiệu quả. Được hỏi về chiếc xe máy còn mới coong khi đang ngồi lau chùi trước cửa trọ, anh Quang Thái (37 tuổi, quê Bến Tre, công nhân tại quận Tân Phú) nói đây là thành quả thắt lưng buộc bụng của vợ chồng cả năm qua.
"Bữa giờ vợ chồng đi con xe cà tàng, tiền sửa có tháng cả triệu nhưng cũng phải nghiến răng chịu chứ tiền đâu đổi xe. Dành dụm mãi không đủ, bức bối quá làm liều ra tiệm trả góp chiếc này cuối cùng cũng xong" - anh Thái kể.
Trở về phòng trọ sau khi tan ca làm, anh Trần Trung (26 tuổi, huấn luyện viên thể hình, ngụ quận 9) cũng đang vuốt ve chiếc xe máy vừa mua với giá hơn 100 triệu đồng. Anh Trung tâm sự trước đó cũng đã rất đắn đo bởi bản thân chỉ dành dụm được chưa đầy 45 triệu đồng, nên nếu mua bắt buộc phải ký thêm một hợp đồng vay tới hơn 70 triệu với công ty tín dụng thì mới đủ.
"Dù chứng minh lương và thu nhập nhưng khoản vay nhiều, lãi phải trả cũng cao. Hiện mỗi tháng phải trả gần 5 triệu và phải trả suốt trong 18 tháng liền, đang phải gồng mình cố gắng nhưng không biết có ổn không đây" - anh Trung cười nói.
Tuy nhiên như chị Lê Hồng Gấm (27 tuổi, ngụ Tân Bình), câu chuyện sắm cho mình một chiếc xe để thuận tiện trong việc di chuyển lại không hề đơn giản. Đầu năm 2020, chị Gấm mua trả góp xe máy với hợp đồng gần 30 triệu trong vòng 12 tháng.
Nhưng chỉ đến tháng 6-2020, chị Gấm không may rơi vào diện tinh giản nhân sự do dịch COVID-19 của công ty khiến bản thân không đủ khả năng chi trả. Để có tiền trả theo hạn cho công ty tài chính, chị Gấm tiếc nuối đành phải mang xe vào tiệm cầm đồ cầm với giá 13 triệu đồng.
"13 triệu đủ chừng 3 tháng vừa trả bên công ty vừa trả lãi bên cầm đồ, chẳng dám ăn tiêu, tiền cũng hết sạch. Vì xe đang trả góp, giấy tờ không có nên bên cầm đồ chỉ trả thêm 6 triệu rồi mua đứt, trong khi xe mình góp có giá tới 45 triệu. Vừa mua đã bán thế mà mất trắng hơn chục triệu" - chị Gấm buồn nói.
"Sơ sẩy là thành con nợ"
Anh Tâm (32 tuổi), chủ tiệm cầm đồ H.T ngụ quận Tân Phú, nói rằng không riêng gì trong mùa dịch bởi trước nay việc mọi người mua trả góp nhưng không trả được nợ là vô cùng nhiều.
"Thấy vậy chứ sơ sẩy là thành con nợ liền à. Nghe đơn giản vậy thôi chứ thực là vay tín dụng "trắng", tín dụng "đen", xã hội "đen", xã hội "đỏ" đủ cả ý mà. Cầm cố còn đắp đổi được chứ vay kiểu đó lãi cao, lại dễ thiệt thân lắm" - anh Tâm nói.
Bạn có những câu chuyện thực tế bản thân trải nghiệm hoặc biết được những trường hợp liên quan đến việc "lỡ tay" chi tiêu quá đà và những bài học rút ra, hoặc bạn có những "bí kíp" để quản lý việc chi tiêu hiệu quả muốn chia sẻ để mọi người tham khảo... có thể viết bài trong 900 chữ (kèm thông tin cá nhân và số điện thoại - được bảo mật khi đăng) gửi về tham gia diễn đàn thông qua email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận