09/02/2020 18:18 GMT+7

Giới trẻ và chọn lựa lối sống mới: Từ phố về quê

HẰNG MAI
HẰNG MAI

TTO - Liệu họ có thể khởi đầu một trào lưu sống tích cực mới mà tâm điểm là thái độ "biết đủ là đủ", đóng góp xây dựng lại sự cân bằng cho hệ sinh thái và các cộng đồng người?

Giới trẻ và chọn lựa lối sống mới: Từ phố về quê - Ảnh 1.

Nhật thu hoạch và sơ chế rau từ sáng sớm để giao cho khách hàng

Họ là những thiểu số, rất trẻ, chọn lựa một lối sống khác, đi ngược dòng chảy nhập cư đô thị chủ đạo lâu nay. Những câu chuyện của họ tràn ngập khó khăn và vất vả, nhưng quả quyết và tự tin, bày tỏ một quan niệm nhân sinh mới đáng chú ý và tôn trọng. Từ-phố-về-quê với họ không chỉ là sự chuyển dịch từ điểm A đến điểm B mà là từ bỏ một lối sống và lựa chọn một lối sống. Liệu họ có thể khởi đầu một trào lưu sống tích cực mới mà tâm điểm là thái độ "biết đủ là đủ", đóng góp xây dựng lại sự cân bằng cho hệ sinh thái và các cộng đồng người?

Tôi thuộc thế hệ sinh ra sau năm 1975. Lứa chúng tôi được trải nghiệm cuộc sống thành thị sau chiến tranh, cái gì cũng thiếu thốn: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả nước sạch để xài... Lũ trẻ con khu phố tôi ngoài việc học hành, làm việc nhà thì đều phải "lo việc nước": xếp hàng lấy nước, khiêng nước, chở nước… Làm sao thì làm, miễn có đủ nước cho cả gia đình sinh hoạt. Có lần tôi hỏi bố: "Nếu lại có chiến tranh, mất điện, mất nước thì làm sao sống hở bố?". Ông bảo: "Thì về quê!".

Ra vậy, cứ chiến tranh thì về quê, thì vào rừng. Mấy nơi ấy mới có cái mà xơi, mới có nơi mà trú ẩn. Thời bình thì người ta cứ kìn kìn phá rừng, bỏ quê ra phố. Tôi cũng như bao người trẻ khác, chỉ biết đến quê vào những dịp hè, khi có cơ hội thì đều muốn ở phố. Từ nông thôn ra thành phố. Từ thành phố nhỏ sẽ chuyển ra thành phố lớn. Từ thành phố lớn sẽ muốn đến thành phố siêu lớn. Nông thôn cứ thế "rỗng" dần!

Nhưng vài năm trở lại đây, tôi chứng kiến một "lạch" di-dân-ngược từ-phố-về-quê. Nhỏ thôi, nhưng đây đang là một dòng chảy tồn tại song song với dòng di dân chủ-đạo từ-quê-ra-phố.

Quan sát dòng chảy từ-phố-về-quê, một cách chủ quan, tôi thấy có thể tạm chia làm 5 nhóm:

Nhóm 1: làm nông như một cách để giải tỏa tâm lý.

Nhóm 2: làm nông như một thú vui.

Nhóm 3: làm nông như một cách kiếm sống.

Nhóm 4: làm nông như một lối sống, tự cấp tự túc tối đa.

Nhóm 5: không chỉ làm nông như một lối sống mà còn có hàng hóa đưa ra thị trường.

Nhóm 1 và nhóm 2 chiếm đại đa số. Nhóm 3 khá đông. Thành công cũng có, nhưng tỉ lệ thất bại cũng cao.

Nhóm 4 đang nhiều dần lên. Những bạn có gia đình ở nông thôn bắt đầu bỏ việc về sống với gia đình, và làm việc trên chính mảnh vườn của gia đình thay vì đi kiếm việc làm. Một khi đã có đất đai và có người lớn trong nhà làm nông, lại sẵn lòng tạo điều kiện cho bạn làm nông thì đây là một lựa chọn an toàn nếu bạn thật sự thích cuộc sống ở nông thôn. Việc tự cung tự cấp với người "biết đủ là đủ" thì không khó lắm. Áp lực lớn nhất khi sống theo lối này là phải nghe những điều "người ta nói".

Nhóm 5 hiện ít người nhất. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một số người thuộc nhóm 5 phát triển từ nhóm 3 và nhóm 4. Có người bắt đầu với kiếm sống, sau đó coi nông nghiệp thuận tự nhiên là lối sống của mình. Có người bắt đầu với lối sống và cần học thêm các kỹ năng khác để có thể đưa sản phẩm ra thị trường.

Chúng ta cùng gặp một số nhân vật thuộc nhóm 4 và nghe câu chuyện của chính họ.

Nguyễn Đăng Nhật (sinh năm 1991, Điện Bàn, Quảng Nam)

Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông cận nghèo, theo đạo Phật, trên vùng đất phù sa Gò Nổi, khi xưa hằng năm đều có lụt lội. Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật năng lượng và môi trường, mình đi làm hai năm theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa.

Mình nghỉ việc để dành thời gian nhìn lại chính mình. Trong khoảng thời gian đó, mình đã tự hỏi: "Sao mình không tự làm ra nông sản cho mình dùng mà phải đi kiếm tiền rồi lại phải mua chúng, trong khi nhà mình cũng có đất sản xuất và nhu cầu của mình không quá nhiều?".

Kể từ đó, mình tìm tòi học hỏi khắp nơi để học cách làm nông hiệu quả. Và mình gặp cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm. Sau khi đọc một lèo xong cuốn sách, mình tin tưởng rằng mình có thể trồng được nông sản để tự cung tự cấp cho gia đình một cách đơn giản nhất.

Biết chắc gia đình sẽ phản đối việc làm nông, nên mình xin bố mẹ ở nhà làm vườn vài tháng để học tiếng Anh, rồi sau này tiếp tục đi làm. Một thời gian sau, khi thấy có cơ hội bán được rau mình trồng, mình mới nói với gia đình về quyết định làm nông của mình. Khó có cha mẹ nào đón nhận việc con mình đi học hết cơm hết gạo rồi tay trắng về làm nông cuốc đất. Mình đã nhiều lần tranh luận với bố mẹ về việc này. Có lần còn nổi nóng về vấn đề thực phẩm bẩn "con người tha hóa đạo đức rành rành thế thì mình lao đầu vào đấy làm chi?". Thấy mình quyết liệt, một mực làm nông không hóa chất, bố mẹ cũng chịu một phen "để nó làm xem sao".

Sự nghiệp bán rau của mình bắt đầu vào tháng 7-2017. Những khách hàng đầu tiên của mình là bạn bè thời đại học và các bạn ăn thuần thực vật giống mình. Dần dà đến nay, mình có nhóm khách hàng thân thiết tầm 60 anh chị em. Mỗi tuần mình thu hái, gói rau bằng lá chuối rồi chở xe máy giao đến tận nhà cho khách trong bán kính 4-40km từ nhà mình. Vừa được trồng trọt, vừa có thực phẩm tươi ngon, lại bán được giá, mọi người nhận rau ai cũng vui. Ngoài cung cấp rau củ quả các loại ra, mình chia sẻ với mọi người ngũ cốc và trái cây theo mùa nhà trồng, cả các món chế biến nhà làm như chuối mít phơi khô, dầu phộng.

Gia đình mình gồm bốn người với 5.000m2 đất canh tác, bao gồm cả đất nhà và đất thuê. Mình dành ra 1.000m2 làm vườn rừng. Với 800m2 đất ruộng, canh tác 2 vụ lúa/năm, nhà mình thu được trên dưới 600kg lúa khô. Cả gia đình dư ăn quanh năm. Rau, đậu, ngô, khoai, sắn, cà, bí… nhà trồng dư ăn. Đồ nhà trồng hương vị thơm ngon và đậm vị hơn hẳn, các món rau củ muối chua, lên men trong nhà lúc nào cũng có.

Nay nhà mình chỉ phải mua muối, đường, tương hạt, đồ khô các loại. Dùng nhiều tiền nhất là các dịp cúng giỗ, đám tiệc - điều mà mình mong muốn sẽ giảm từ từ. Mỗi tháng, cá nhân mình chỉ phải chi tiêu 200.000-500.000 đồng tiền xăng nên ít chịu áp lực tiền bạc.

Vừa làm vừa học hỏi, mình theo dõi các bạn làm nông tự nhiên khác, nhận ra là làm vườn rừng đa loài và đa tầng tán mới thực sự bền vững. Từ giữa năm 2018, mình dành thời gian đến thăm vườn của các bạn. Mình đã hoàn toàn bị thuyết phục và hứng thú với con đường này. Đầu năm 2019, mình bắt đầu thực hành làm vườn rừng.

Tháng 5-2019, mình tạm thời ngưng việc bán rau sau gần hai năm "hành nghề" để phân bổ lại thời gian sống cho chính mình và tìm hướng đi mới. Mình dành nhiều thời gian cho khu vườn rừng và đầu tư cho vườn rau bền vững hơn. Trước đây, giống rau mình phải đi mua là chính, nay mình sưu tầm phát triển rau bản địa lưu niên, rau dại được khoảng 15 loại và vẫn đang tiếp tục sưu tầm giống.

Mình hướng đến việc cắt khoảng cách giữa vườn và người mua rau ngắn lại, càng gần vườn càng tốt, bán rau cho khách dạng "thuê bao", theo mùa. Và mỗi năm, mùa đông, mình sẽ nghỉ tiết nông nhàn 2 tháng.

Mình tâm đắc và thực hành lối sống "thiểu dục tri túc", nghĩa là ít ham muốn cho bản thân và biết đủ, biết ơn mọi thứ trên đời! Mình ngày càng vui hơn, được mọi người yêu thương hơn và mình biết yêu thương hơn. Mình cứ làm vườn và hoàn thiện chính mình, để trở thành một con người biết sống có trật tự với tự nhiên.

Bùi Bảo Trang (sinh năm 1993, Hà Nội)

Mình mở cửa hàng Nhặt lá đá ống bơ được bốn năm. Mình học nhuộm chàm từ mẹ của bạn mình là người Mông, học bằng cách cô làm gì thì mình làm đấy, cô bảo mình làm gì thì mình làm đó. Việc nhuộm chỉ làm trong 2-3 tiếng một ngày, còn lại mình giúp việc nhà: băm rau cho lợn, tẽ ngô cho gà, nhổ cỏ, bẻ ngô, hái rau... Nhà cần giúp việc gì thì mình làm việc ấy. Mọi người sẽ rủ đi làm cùng, việc gì cũng rủ nhau. Mình làm được đến đâu thì làm. Người ta không quan trọng năng suất của mình đâu, chỉ cần cùng nhau làm là được.

bao trang so 4-2020 (read-only)

Bùi Bảo trang

Từ những ngày đầu tự thử nhuộm vải đến bây giờ là một hành trình thật dài, nhưng dù mỗi ngày đều lặp đi lặp lại các việc giống nhau, mình vẫn học thêm được nhiều điều mới. Mình tự làm từ công đoạn giũ vải, nhuộm rồi may sản phẩm, gần đây thì tự trồng một phần nguyên liệu và dệt. Mình nghĩ nếu không làm từ đầu đến cuối như vậy thì không thể hiểu và giải quyết các vấn đề mình gặp phải.

Mọi người thường hỏi vì sao mình không làm nhiều và nâng quy mô lên, nhưng Nhặt lá... giống như một việc mình làm cho bản thân hơn. Thu nhập của mình ở mức tối thiểu, vừa đủ chi trả các sinh hoạt phí. Mỗi tháng mình chỉ tiêu hết 2-2,5 triệu đồng, kể cả tiền thuê nơi bán đồ ở Hà Nội. Bù lại, mình có nhiều thời gian ở gần thiên nhiên, lắng nghe thiên nhiên và suy nghĩ về bản thân, về những điều mình thực sự mong muốn. Mình nhận ra mình gần như không có nhu cầu mua sắm thêm gì, không cần dùng nhiều tiền nên đã quyết định rời thành phố đến các nông trại để tự trồng rau ăn, tự chăm chút cho cuộc sống của bản thân. Mỗi hai tháng mình mới về Hà Nội một lần. Sau này nếu hợp nơi nào, mình sẽ ở đấy hẳn, trả lại nhà thuê ở Hà Nội.

Bạn mình vẫn mắng mình bán đồ nhuộm chàm rẻ quá. Nhưng mình không nỡ bán cao giá. Mình muốn bán cho những người có lối sống giống mình. Giả sử các bạn làm vườn, làm các việc không ra nhiều tiền mà cần dùng đến các đồ như thế này, nếu giá cao quá thì các bạn ấy không có cơ hội được sử dụng. Bạn mình lại bảo: "Như vậy không tương xứng với giá trị của đồ thủ công". Mình nghĩ giá trị của đồ là ở người làm. Người ta cảm thấy bao nhiêu là xứng đáng thì được rồi.

Mình hi vọng được sống trong một cộng đồng mà mọi người đều tự làm một thứ gì đấy, tự trồng trọt, chăn nuôi, tự làm nội thất, đồ gia dụng, làm quần áo... rồi chúng mình đổi đồ cho nhau. Hồi đầu năm, khi ở một nông trại, mình hay sửa quần áo cho các cô các chị ở đây, đổi lấy trái dứa ăn, quả nhỏ xíu mà ngon xuất sắc. Thời gian vừa rồi, mình phụ một người bạn sửa nhà, mình đổi công, bạn nuôi mình ăn...

Mọi thứ nhắc mình nhớ là trước khi có máy móc, tất cả đều được làm ra bằng đôi bàn tay con người. Nên gần đây Nhặt lá đã nhận đổi sản phẩm với những thứ các bạn hoặc gia đình các bạn tự làm. Mình rất háo hức khi đổi được xoài, lạc, mơ muối, rong biển, được cả hai quyển sách mà mình đã tìm từ lâu. Và hi vọng có thể gặp thêm được nhiều bạn cùng đường, nhiều điều thú vị mới trong hành trình đổi đồ này.

Nơi gieo mầm lối sống mới Nơi gieo mầm lối sống mới

Gần 20 cán bộ Đoàn của các trường ĐH đến từ TPHCM đều tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích trong khóa học ngắn hạn (6 ngày) về lối sống mới. Lần đầu tiên trong đời họ tiếp cận những điều hoàn toàn mới.

HẰNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên