TTCT - "Tu tại gia" đang ngày một quen thuộc với giới trẻ Trung Quốc; tuy nhiên trong thời đại số, các thực hành công quả của Phật giáo bắt đầu mang những hình hài rất khác. Tay lần Apple Watch, miệng nam môNgồi trong căn phòng nhỏ của mình, Tangdaoyaxiaohong - nickname của một cô gái Trung Quốc - bắt đầu quá trình thiền quán. Nhưng không có mõ, tràng hạt, gối bồ đoàn và cuốn kinh như thường thấy, cô với lấy chiếc iPad, bật ứng dụng Apple Watch đeo trên cổ tay, rồi xoay camera trên iPhone để ghi hình lại toàn bộ quá trình. Cô "đốt" ba nén hương trên iPad, dùng tay phải gõ Apple Pencil nhịp nhàng vào chiếc mõ trên màn hình; tay còn lại lần theo một tràng hạt ảo trên Apple Watch. Xong xuôi, cô đăng video quá trình "thực hành Phật giáo ảo" của mình lên Xiaohongshu - phiên bản Instagram của Trung Quốc - kèm ghi chú nói rõ tâm trí mình đã được giải phóng như thế nào sau quá trình này.Ảnh cắt từ video trên Xiaohongshu.Tangdaoyaxiaohong chỉ là một trong số hàng triệu người tu tập thế hệ mới tại Trung Quốc, những người tận dụng triệt để các ứng dụng công nghệ để định nghĩa lại việc tu hành. Ứng dụng gõ mõ ảo Wooden Fish, đã thu hút hơn 4 triệu lượt tải trên AppStore ngay sau khi ra mắt vào tháng 9 năm ngoái. Trên Douyin - phiên bản nội địa Trung của TikTok - số lượng nội dung video liên quan đến gõ mõ online đã vượt mốc 150 triệu.Theo trang Sixth Tone, trào lưu gõ mõ trên app vốn khởi đầu trong giới trẻ Trung Quốc như một cách nửa đùa nửa thật để cải thiện công quả của mỗi cá nhân. Dù mang nhiều "nghiệp" đến đâu, hẳn cũng sẽ phải có cách để hóa giải và tích đức cho bản thân mà theo những người trẻ này, việc gõ mõ online sẽ giúp không ít."Các trò đùa ác [mà đôi khi tôi hay hưởng ứng] nghĩ lại thì tương đối tệ, và dù ai cũng biết việc gõ mõ và nghe Chú Đại Bi có thể chẳng cải thiện được mấy, chúng cũng có thể trở thành một nghi lễ đơn giản và tiện lợi giúp ta thấy bình an" - Hu Wan, một sinh viên sử dụng ứng dụng Wooden Fish, nói với Sixth Tone."Ban đầu tôi nghĩ nó buồn cười, nhưng sau này tôi thấy âm thanh nhịp nhàng của mõ cũng rất êm dịu. Hiệu ứng âm thanh có vẻ giúp chữa lành tâm hồn tôi. Mỗi khi cần nộp bài luận, tôi thường rơi vào trạng thái căng thẳng, và rất cần những âm thanh êm dịu thế này" - cô nói trong khi đang hoàn thành mục tiêu gõ mõ 500 cái một ngày của mình.Nhận thấy nhu cầu mới, các nhà phát triển ứng dụng ngay lập tức tung ra các ứng dụng "nâng cao" để thu thập công đức online. Từ việc gõ mõ tương đối đơn giản, nay người dùng di động đã có thêm lựa chọn đốt hương online, đọc kinh Phật, lần tràng hạt, thậm chí là "đua top" với bạn bè xem ai tích được nhiều công đức nhất.Giao diện một ứng dụng gõ mõ online."Phật giáo nhân văn"Có không ít ý kiến cho rằng các ứng dụng này đang giản lược thực hành Phật giáo một cách quá đáng, nhưng có vẻ đó không phải điều người trẻ thế hệ Millenial và Gen Z bận tâm. Vốn thừa hưởng truyền thống Phật học lâu đời của Trung Hoa, thế hệ này lại đang đặt ít trọng tâm vào các tín điều Phật giáo hơn bao giờ hết.Chỉ 7% dân số dưới 30 tuổi tại Trung Quốc tự nhận mình có thực hành Phật giáo, theo một khảo sát của Đại học Bắc Kinh. Thế nhưng, nhu cầu tâm linh của nhóm này, trong đó có việc đi chùa và tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến Phật giáo, lại được ghi nhận tăng trong mấy năm gần đây.Trong tình cảnh có quá nhiều bất định của cuộc sống hiện đại, với đại dịch, áp lực học tập và nỗi lo việc làm chồng chất, người trẻ Trung Quốc tìm đến một phiên bản nhẹ nhàng và "trần thế" hơn của đạo Phật: Họ không muốn trở thành thiền sư hay sư cô, mà chỉ coi lối sống Phật tử như một cách chữa lành cho các áp lực tâm lý và xã hội mà mình đang gặp phải. Cộng đồng này đang tự gọi mình là "fuxi quingnian" (thanh niên Phật tử), tích cực chia sẻ các thực hành Phật giáo online của mình trên mạng xã hội như Baidu hay Xiaohongshu."Giới trẻ đang mong mỏi được chỉ đường trong đời sống tinh thần và tâm linh" - sư thầy Chuanhua tại chùa Nuonata, tỉnh Giang Tây nói với trang The China Project. "Rất nhiều bạn trẻ đang sống trong trạng thái trôi nổi - thiếu gốc rễ và đang mong mỏi tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Xu hướng này đã trở nên nổi bật trong vài năm gần đây" - sư nói.Sư thầy cũng tin rằng các bạn trẻ này đang chủ động thay đổi tư duy và tìm lại cân bằng trong cuộc sống của chính mình, chứ không phải đang dùng Phật pháp để né tránh cuộc sống. "Nếu những người này đang 'nằm thẳng' [trào lưu ngừng cố gắng theo đuổi tiền bạc để sống tiết kiệm, đón nhận sự thiếu thốn đang phổ biến với giới trẻ Trung Quốc], họ đã không bỏ công leo lên chùa trên núi" - ông nói.Điều mà cộng đồng "thanh niên Phật tử" Trung Quốc đang theo đuổi là một phiên bản đương đại của Phật giáo, pha trộn thêm các thực hành thế tục và đang được giới trẻ trung lưu thành thị nhiệt liệt đón nhận trong các thập niên vừa qua, theo Huang Weishan - giáo sư xã hội học tại Đại học Hong Kong Shue Yan, vốn đã có nhiều năm nghiên cứu giới trẻ Trung Quốc tại Thượng Hải.Thực hành này được gọi là "Phật giáo nhân văn", chú trọng việc kết hợp các tư tưởng nhà Phật với việc duy trì trách nhiệm ngoài đời sống. Thực hành này khuyến khích con người kết hợp đời sống tâm linh với đời sống thế tục: Không cứ phải tu tập một mình trong thiền viện mới có thể giác ngộ, con người có thể đạt được thay đổi nội tâm bằng cách đóng góp cho lợi ích chung. Huang cũng để ý rằng khi khả năng kinh tế của người dân ngày càng ổn định, nhu cầu theo đuổi các giá trị vượt lên trên vật chất sẽ ngày càng cao. "Nhiều người trẻ tôi nói chuyện cùng cho biết họ chưa từng gặp phải khó khăn kinh tế nào - họ hoàn toàn coi Phật giáo như một hành trình tâm linh, không liên quan đến vật chất" - Huang cho biết.Nhìn rộng hơn, Huang cho rằng các yếu tố chính trị - xã hội cũng đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Phật giáo. Trong vài năm gần đây, nhiều chùa chiền đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, đem lại nguồn thu thuế không hề nhỏ. Phật giáo dần được coi như một thành phần đáng kể, giúp thúc đẩy nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho các địa phương.■ Tu tập và công nghệĐứng trước làn sóng Phật tử trẻ thạo công nghệ, các đền chùa Trung Quốc cũng đang dịch chuyển dần vào không gian số. Thay cho các hòm công đức truyền thống, phần lớn chùa đã có thể mã QR để khách tham quan tiện đóng góp. Người dùng Xiaweiweiyang trên Douyin cho biết cô đã chụp ảnh mã QR của một chùa địa phương để có thể góp tiền công đức bất cứ lúc nào muốn khấn Phật, dù có đang ở chùa hay không.Một số chùa, trong đó có chùa Jingfeng ở tỉnh Phúc Kiến, đã chuyển hẳn sang thắp hương điện tử. Chỉ với 8,8 tệ (chi trả qua mã QR), khách tham quan đã có thể thắp một nén hương để khấn vái các đấng bề trên.Một ví dụ nổi tiếng nhất về xu hướng này là chùa Thiếu Lâm, ngôi chùa lừng danh trong các bộ truyện và phim võ hiệp. Dưới sự lãnh đạo của trụ trì Shi Yongxin, được biết đến với danh hiệu "Sư thầy CEO", Thiếu Lâm đã vượt khỏi khuôn khổ núi Thiếu Thất để trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, dù điều này và đời tư của ông cũng gây nhiều tranh cãi. Hoạt động của Thiếu Lâm nay trải dài từ bất động sản, văn hóa đến thương mại điện tử và game nhằm đẩy mạnh các giá trị của Thiếu Lâm tới với khán giả trẻ.Giao diện ứng dụng thắp hương online.Dù không phải ai cũng có tiềm lực để mở sàn thương mại và làm game như Thiếu Lâm, các chùa nhỏ hơn cũng đang cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ về hướng trẻ hóa và số hóa. Nhiều chùa, trong đó có Nuonata tại tỉnh Giang Tây, đang thiết kế các khóa thiền ngắn ngày hơn, ít khắc khổ hơn (không ép người tham gia từ bỏ điện thoại hay giao tiếp xã hội).Các hoạt động cũng được quảng bá nhiều màu sắc hơn thông qua các nền tảng số. Shi Huihai, một hòa thượng tại tỉnh Chiết Giang, đã thu hút hơn 100 triệu lượt theo dõi trên Douyin thông qua các video giảng tư tưởng nhà Phật qua các góc máy đẹp không thua gì phim điện ảnh."Chúng tôi cần thêm các nguồn thu để duy trì các chương trình tu thiền miễn phí cho công chúng như hiện tại" - Chuanhua tại chùa Nuonata chia sẻ với The China Project trong lúc đang ngồi tại quầy lưu niệm và quán cà phê trong khuôn viên chùa.Đền chùa tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng một số lại chưa phát huy được điều này, dẫn đến thiếu nguồn thu duy trì và tu sửa cơ sở vật chất, theo Niu Ye, một sinh viên ngành du lịch, cũng là Phật tử thế hệ mới, cho biết. "Tôi không thấy việc phát triển kinh tế [tại các chùa] có xung đột gì với giáo lý nhà Phật. Cuối cùng thì các sư thầy vẫn có hóa đơn phải trả mà, đúng không?" - anh nói. Tags: Phật giáo onlineGiới trẻ Trung QuốcTu tại giaThời đại sốỨng dụng công nghệThế hệ mớiCuộc sống hiện đại
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.