Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2022 cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của TP.HCM là 29,8 tuổi, cao hơn gần 3 tuổi so với số liệu chung của Việt Nam (26,9 tuổi).
Có con muộn, đối mặt bệnh lý nguy hiểm
Bác sĩ Trịnh Nhựt Thu Hương - trưởng khoa chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - nói giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của nữ giới là từ 20 - 25 tuổi. Theo bác sĩ Hương, nghiên cứu cho thấy đây là giai đoạn buồng trứng phát triển tối ưu, ít gặp bất thường nhất.
Tuy vậy, xu hướng hiện nay của phần lớn người trẻ cần ổn định sự nghiệp trước nên thường chọn kết hôn muộn. Điều này dẫn đến thực tế phụ nữ có thai ở độ tuổi lớn hiện đã tăng lên so với chừng chục năm về trước. Trong đó, ghi nhận tại bệnh viện vào khoảng 10% phụ nữ mang thai trên 30 tuổi, nhiều sản phụ đối mặt với những bệnh lý nguy hiểm.
Nhấn mạnh thêm, bác sĩ Thu Hương nói với những sản phụ lớn tuổi khi mang thai (từ 35 tuổi trở nên) thì nguy cơ em bé gặp phải những bất thường cũng sẽ cao.
Cụ thể, thai nhi có thể mắc một số khiếm khuyết theo hướng lệch bội nhiễm sắc thể như hội chứng Down vốn là hội chứng dễ gặp nhất có liên quan đến tuổi người mẹ, đặc biệt khi đã lớn tuổi. Ngoài ra còn có thể gặp thêm biến chứng khác như sẩy thai, sinh non, tiền sản giật, thừa cân...
Trong khi đó, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - dẫn chứng thêm tỉ lệ sinh non trên thế giới và tại Việt Nam có xu hướng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng tỉ lệ sinh non, trong đó đáng nói có lý do tuổi mang thai của phụ nữ ngày càng tăng. Phụ nữ ngày càng có con trễ là yếu tố tăng nguy cơ sinh non.
Sinh non không chỉ gây nên nhiều biến chứng cho trẻ sơ sinh mà còn là gánh nặng về kinh tế cho việc chăm sóc một trẻ sơ sinh non tháng. Chưa kể trẻ sinh non còn đối diện với các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết, bệnh não thiếu oxy, các vấn đề về thị giác và thính giác...
Người trẻ sợ "đóng khung"
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui - giảng viên khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ có nhiều nguyên do để người trẻ sợ yêu, ngại kết hôn. Nhưng điều đầu tiên phải nói đây là xu hướng chung chứ không riêng tại Việt Nam, vì ngay cả các nước đã phát triển cũng gặp tình cảnh này.
Có thể thấy người trẻ hiện có nhiều cơ hội, được lựa chọn nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức trong cuộc sống, kinh tế, cơ hội nghề nghiệp... "Việc du nhập của những tư tưởng nên đâu đó khiến các bạn trẻ cảm thấy sợ bị "đóng khung", rủi ro, sợ phải tự bỏ mình vào một cái nhà tù nào đó khi yêu hay kết hôn" - bà Vui nói.
Thêm nữa, việc nuôi dạy một đứa con trước đây và bây giờ, theo thạc sĩ Ngọc Vui, không hề giống nhau. Trước đây có thể nuôi con theo bản năng, chi phí cũng không cao, còn bây giờ thực sự không dễ. Chưa kể tỉ lệ ly hôn cao và ngày càng tăng hiện nay cũng là lý do ảnh hưởng tới tâm lý sợ kết hôn ở người trẻ.
Có thể nói phần nào niềm tin của người trẻ bị lung lay khi quá dễ bắt gặp những vụ việc ly hôn hiện nay. Đặc biệt, thạc sĩ Ngọc Vui cho rằng đây là thời đại của stress, áp lực đồng trang lứa... Những điều này vô hình trung khiến xã hội như đang sắp xếp lại những tiêu chuẩn, thứ tự ưu tiên về kinh tế, giá trị bản thân hơn những giá trị yêu đương.
Từ các phân tích trên, bà Vui cho rằng tình trạng người trẻ ngại kết hôn, sinh con sẽ còn tăng. Nhất là khi chúng ta có tư duy sống khác đi, sự định hướng bản thân về tương lai khác thì việc xem trọng "đời mình phải yêu, yêu là phải cưới hoặc cưới là phải có con" sẽ giảm dần.
Mặt khác, thủ tục xin nhận con nuôi hiện cũng không quá khó khăn nên càng thuận tiện cho những ai sợ mang nặng đẻ đau, sợ khổ khi làm mẹ bỉm sữa. Đó là chưa kể việc xã hội đang có xu hướng dần thừa nhận, chấp nhận những mối quan hệ hôn nhân đồng tính.
"Do đó việc yêu là phải cưới hay cưới là phải có con sẽ không còn là quy luật nữa mà có khi chỉ là hiện tượng" - bà Vui nói.
Nam giới lớn tuổi có con cũng tăng nguy cơ
TS Bùi Chí Thương - trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - cho biết đối với phụ nữ trên 35 tuổi khi mang thai thì nguy cơ thai nhi mắc phải dị tật bẩm sinh sẽ cao hơn.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy không chỉ riêng phụ nữ, nam giới trên 45 tuổi cũng góp phần gia tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
TS Thương nói nghiên cứu chỉ ra lứa tuổi trung bình sinh đẻ tốt nhất của phụ nữ là 25 tuổi. Do đó việc mang thai dưới 30 tuổi là thời điểm thích hợp nhất.
"Nhưng có thể vì một số lý do nào đó như cần ổn định sự nghiệp, hoàn cảnh riêng nên nếu có điều kiện một chút hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp trữ trứng" - TS Thương khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận