TTCT - Xã hội hiện đại cũng dẫn đến nhiều kiểu quan hệ khác nhau thay cho hôn nhân truyền thống mà chúng ta hay nghe: “sống thử”. Pinterest Lại có kiểu “hẹn hò cho vui” (casual dating), mà ở đó hai bên có thể quan hệ tình dục thường xuyên nhưng không ai đòi hỏi phải “nâng tầm quan hệ” hay thề non hẹn biển gì cho mai sau. The Atlantic dẫn kết quả từ khảo sát Allstate/National Journal Heartland Monitor cho rằng giới trẻ Mỹ “ngày càng ít hứng thú với hôn nhân”. Theo đó, nhiều người trẻ ở Mỹ nhiệt thành ủng hộ các kiểu quan hệ ngoài hôn nhân và vì thế, xung đột quan điểm với ông bà và cha mẹ của họ. The Guardian cũng cho rằng sống thử đang được xem như “một hình thức hôn nhân mới” ở Anh, Na Uy và Thụy Điển. Báo này trích lời giáo sư Janeen Baxter (Đại học Queensland, Úc) cho rằng do ít bị áp lực phải kết hôn hơn thế hệ trước, hôn nhân với nhiều người trẻ hiện nay đơn giản chỉ là “để ăn mừng tình yêu”. “Hôn nhân không còn là viên đá đầu tiên đánh dấu tuổi trưởng thành, để từ đó ta có thể hướng đến những thành tựu khác, mà trái lại, là viên đá cuối cùng khi ta đã đạt được tất cả, từ việc chọn đúng nửa kia, có con cho đến an cư, lạc nghiệp” - GS Baxter nhận định. Phương Tây vẫn luôn cởi mở là thế, còn châu Á thì sao? Với Nhật Bản, câu trả lời là hôn nhân và cả tình dục, hiện được xem là “ưu tiên thấp” với người trẻ, theo The Japan Times. Chẳng hạn, cậu sinh viên kinh tế 18 tuổi Nakaruma tuyên bố sẽ không bao giờ hẹn hò, bởi khi đó “tôi cứ phải quan tâm hôm nay phải ăn mặc thế nào và tốn thời gian suy nghĩ nên dẫn cô ấy đi đâu, quá phiền phức”. Với Nakaruma và nhiều người cùng lứa, sống độc thân và chơi điện tử thú vị hơn hẹn hò, còn nói gì đến hôn nhân. The Japan Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng nguyên nhân đằng sau quan niệm này là sự bùng nổ của Internet, sự bấp bênh về kinh tế của phái nam trong khi nữ giới ngày càng có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Tương tự, hơn 50% giới trẻ Hàn Quốc xem hôn nhân là “không cần thiết”, theo dữ liệu của Viện Sức khỏe và xã hội Hàn Quốc. Khảo sát của viện này cho thấy 52,6% thanh niên Hàn Quốc (62,4% là nữ) cho rằng độc thân chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Một nghiên cứu khác của cơ quan thống kê Hàn Quốc hồi năm 2014 cho rằng có 38,9% người trên 13 tuổi và 50,7% người trên 30 cho rằng hôn nhân nên “để tự nhiên”, tức “có thì tốt nhưng không có cũng không sao”. The Straits Times hồi tháng 3 dẫn kết quả khảo sát hộ gia đình ở Singapore năm 2015 cho thấy 70% dân số trong độ tuổi 25-29 chưa kết hôn, so với chỉ 50% hồi năm 2000. Giới trẻ nước này đặt sự nghiệp lên hàng đầu bởi áp lực phải thể hiện mình trong công việc là rất lớn. “Nếu làm việc tốt bạn sẽ được khen thưởng, còn nếu bỏ thời gian đi tìm “nửa kia”, thì chẳng ai khen thưởng bạn cả” - nhà xã hội học Paulin Straughan nói với The Straits Times. Có nhiều lý do để ngại kết hôn. Kinh tế suy thoái khiến các cặp đôi lo lắng về chi phí, trong khi phụ nữ cảm thấy không cần phải kết hôn vội bởi cơ hội học hành, việc làm của họ rộng mở hơn trước rất nhiều. Các biến đổi về văn hóa, xã hội cũng có tác động. Ngoài việc “sống thử”, việc chủ động trì hoãn sinh con được nhiều nước chấp nhận cũng là một yếu tố. Với các nước châu Á, đó là sự mất cân bằng giới tính và lễ giáo, khiến hôn nhân đồng nghĩa với gánh nặng làm dâu của phụ nữ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù tỏ ra không hứng thú với việc kết hôn như thế hệ đi trước, những người trẻ không hề coi nhẹ tầm quan trọng của việc cưới xin. Nhà văn chuyên viết về nữ quyền Rebecca Traister khẳng định với Đài NPR (Mỹ): “Lựa chọn không kết hôn không có nghĩa là cố tình chối bỏ hôn nhân. Chỉ là phụ nữ có thể chọn sống độc thân trong khi cuộc hôn nhân mà họ mong đợi chưa đến”. Một nghiên cứu được Viện Gallup công bố năm ngoái cũng cho rằng “lười kết hôn” không có nghĩa là người trẻ thay hẳn hôn nhân bằng việc “sống thử”. Thật ra, họ chỉ đơn giản muốn sống độc thân lâu “vì không muốn phải đặt ra những cam kết nghiêm túc cho việc dọn về chung sống với nhau hơn” - Gallup viết. ■ Trong báo cáo US Wedding Forecast công bố năm ngoái, Công ty dự báo thị trường Demographic Intelligence cho rằng tỉ lệ kết hôn ở Mỹ trong năm 2016 chỉ ở mức 6,7/1.000 người, thấp nhất trong lịch sử. Tại Hàn Quốc, hơn 50% đàn ông và 30% phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn, theo số liệu năm 2010 do The Korea Herald công bố. The Japan Times dẫn số liệu năm 2015 của Công ty tư vấn hôn nhân O-net cho rằng 74,3% người Nhật trên 20 tuổi “không có mối quan hệ hẹn hò nào”, so với 50% ghi nhận năm 1996. Tags: Nghĩ gì về hôn nhân
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.