Giới trẻ Nhật - Hàn và chuyện vượt qua quá khứ

TRÚC ANH 18/09/2024 06:32 GMT+7

TTCT - Thanh niên Hàn Quốc ngày nay có mối quan hệ với láng giềng Nhật Bản tốt đẹp hơn nhiều so với cha mẹ hoặc ông bà.

Giới trẻ Nhật - Hàn và chuyện vượt qua quá khứ - Ảnh 1.

Du khách mặc trang phục Nhật chụp hình trước quán trọ theo phong cách Nhật Bản ở Gyeongju, Hàn Quốc. Ảnh: Takuya Suzuki/The Asahi Shimbun

Ngày Quốc khánh đánh dấu sự độc lập của Hàn Quốc khỏi ách đô hộ thực dân Nhật Bản mà lại đến bar say sưa cùng rượu Nhật. Điều khó hiểu, nếu không nói là không chấp nhận được với thế hệ lớn tuổi Hàn Quốc, lại là thực tế đang xảy ra.

Theo The Economist, đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc, Quốc khánh 15-8 chỉ là dịp để thư giãn, như bao ngày nghỉ khác. Năm nay, nhiều người trẻ trong độ tuổi 20 đã đến một quán bar ở thủ đô Seoul để dự tiệc với đồ uống từ khắp nơi trên thế giới, có cả rượu sake Nhật Bản. 

"Tôi biết hôm nay là Ngày giải phóng, nhưng chúng tôi đã quyết định làm điều gì đó vui vẻ cùng nhau" - Min Young-ji, 28 tuổi, nói. Cô Min đi cùng em gái 27 tuổi Min Gyoung-im. Cả hai nhớ rằng khi còn nhỏ thường cùng bố mẹ treo cờ vào ngày lễ nhưng giờ thì "ngày càng ít cờ được treo hơn".

Ở tầm quốc gia, quan hệ ngoại giao Hàn Quốc và Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể trong vài năm qua, một phần nhờ chính sách cải thiện quan hệ với Nhật của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và cả thay đổi về ý thức hệ.

Thanh niên Hàn Quốc ngày nay có mối quan hệ với láng giềng Nhật Bản tốt đẹp hơn nhiều so với cha mẹ hoặc ông bà. Trong khi chỉ có hơn 20% người Hàn Quốc trên 50 tuổi có ấn tượng tốt về Nhật Bản, hơn 45% thanh niên từ 18 đến 29 tuổi có cái nhìn tích cực, theo Tổ chức tư vấn Genron NPO (Nhật) và Viện Đông Á (Hàn). Với người Nhật, hơn 45% thanh niên từ 18 đến 29 tuổi có cái nhìn tích cực về Hàn Quốc, so với 35% ở những người trên 50 tuổi.

Đã gần 80 năm từ khi Nhật đầu hàng đồng minh sau Thế chiến 2 năm 1945. Thời gian quả là làm giảm mức độ của những ký ức cay đắng. "Lịch sử vẫn còn sống động đối với thế hệ của tôi nhưng không phải đối với thế hệ trẻ" - Oh Gun-suk, người có ông nội từng bị giam giữ tại nhà tù Seodaemun khét tiếng vì tham gia phong trào kháng Nhật năm 1919, vừa nói vừa thở dài.

Lớn lên trong một quốc gia giàu mạnh, người trẻ Hàn Quốc không có cảm giác tự ti và tự hào hơn về di sản của mình so với ông bà. Thanh niên hai nước giờ yêu thích văn hóa lẫn nhau - Hàn Quốc có cộng đồng mê anime, còn Nhật không thiếu người hâm mộ K-pop. Giới trẻ hai nước cũng có nhiều trải nghiệm trực tiếp về quốc gia của nhau hơn thông qua du lịch và du học.

Cũng như việc uống sake trong ngày Quốc khánh, những nhận định kiểu "Nhật Bản có một nét hấp dẫn nhất định" - mà Gyoung-im dè dặt nói với The Economist - có thể khiến người lớn tuổi cau mày, nhưng đó là sự thật. "Người trẻ Nhật và Hàn đã vượt qua quá khứ" - báo The Asahi Shimbun viết năm 2023.

Tờ báo Nhật dẫn lời một sinh viên năm 2 tại Đại học Meiji (Tokyo): "Tôi biết Nhật Bản và Hàn Quốc không cùng quan điểm về cách nhìn nhận lịch sử chung giữa hai nước, song tình yêu của tôi đối với Hàn Quốc là chuyện khác". Cô gái 20 tuổi này là fan cuồng của nhóm nhạc nữ K-pop Twice, thành thạo tiếng Hàn từ cấp II, sẵn sàng du học Hàn Quốc. 

Tình cảm này là ví dụ cho thấy "giới trẻ ở hai nước đã xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây, bất chấp quan hệ căng thẳng kéo dài giữa Tokyo và Seoul", The Asahi Shimbun nhận định.

Giới trẻ Nhật - Hàn và chuyện vượt qua quá khứ - Ảnh 2.

Một góc "phố Hàn Quốc" ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dưới những nồng ấm bề mặt đó là những vấn đề dai dẳng ở cả hai phía. Người trẻ Nhật rành âm nhạc và chương trình Hàn Quốc nhưng thường thiếu hiểu biết về những chương đen tối trong lịch sử chung của hai nước. 

Suzuki Dai, 18 tuổi, nói thẳng với The Economist: "Tôi có thấy mọi người nói về những thứ này trên tin tức nhưng thật sự tôi không chú ý nhiều. Đó không phải là điều tôi quan tâm".

Theo Lee Won-deog, giáo sư quan hệ Hàn - Nhật tại Đại học Kookmin (Seoul), cho rằng cách người dân Nhật Bản và Hàn Quốc nhìn nhận lẫn nhau sẽ khác nhau tùy theo thế hệ. 

"Những người trung niên hoặc lớn tuổi có xu hướng giữ lập trường cứng rắn đối với các vấn đề lịch sử vì họ mang nặng mặc cảm tự ti do Nhật Bản từng là một cường quốc trong thế hệ của họ. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay coi Nhật Bản như một đối tác bình đẳng. Tôi tin rằng người Nhật cũng có thái độ tương tự" - ông nói với The Asahi Shimbun.

Phải mất bao lâu để ký ức của một thế hệ trôi vào dĩ vãng? Báo The Japan Times đặt câu hỏi và tự trả lời: có thể từ 70-80 năm. Nói chung, mỗi thế hệ đều đang làm việc họ phải làm. Và những băn khoăn này chắc chắn không chỉ có ở người Nhật và Hàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận