Số sinh viên Trường đại học Lao động, thương binh và xã hội cơ sở 2 - TP.HCM giơ tay chọn không kết hôn - Ảnh: X.MAI
Khảo sát này được thực hiện trong buổi giao lưu - tọa đàm về "Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con tại vùng mức sinh thấp" tại Trường đại học Lao động, thương binh và xã hội (cơ sở 2 - TP.HCM) do Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tổ chức vừa qua.
Đây cũng là thực trạng chung ở các địa phương khu vực phía Nam, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao tại Việt Nam. Giới chức ngành dân số cho hay xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao là những nguyên nhân tác động đến mức sinh thấp và chênh lệch giữa các vùng miền.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) - cho biết hiện có 21 tỉnh thành có mức sinh thấp, tập trung ở các địa phương khu vực phía Nam, có điều kiện kinh tế phát triển, đô thị hóa cao.
Riêng TP.HCM có mức sinh thấp tiếp tục giảm và giảm sâu: 1,68 con/bà mẹ (năm 2013), xuống còn 1,39 con/bà mẹ (năm 2019), có năm xuống rất thấp 1,24 con/bà mẹ (năm 2016).
Thế nhưng ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chưa phát triển như vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ lại có mức sinh cao với 33 tỉnh thành, trong đó có đến 16/33 tỉnh mức sinh rất cao (trên 2,5 con/bà mẹ).
Ông Nguyễn Đình Cử - chủ tịch hội đồng khoa học Viện Dân số, gia đình và trẻ em cho rằng áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ tác động lớn đến mức sinh thấp.
Giới chức ngành dân số lo ngại mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gia tăng sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư...
Trước thực trạng này, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình vận động mỗi cặp vợ chồng, gia đình nên sinh hai con tại vùng có mức sinh thấp. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận