25/02/2019 11:34 GMT+7

Giới trẻ Hồi giáo Indonesia bị cực đoan hơn do mạng Internet

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nghiên cứu của trường ĐH Quốc gia Indonesia cho thấy những người Hồi giáo trẻ tuổi của nước này sử dụng Internet thường có xu hướng cực đoan và ít lòng khoan dung hơn những người cùng trang lứa ít lên mạng.

Giới trẻ Hồi giáo Indonesia bị cực đoan hơn do mạng Internet - Ảnh 1.

Giới trẻ Hồi giáo Indonesia thường lên mạng để tìm hiểu tôn giáo từ những nhà thuyết giáo có tư tưởng cực đoan - Ảnh: Straits Times

Báo Jakarta Post cho biết nghiên cứu trên, kết hợp giữa ĐH Quốc gia Hồi giáo Syarif Hidayatullah tại Indonesia và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), bắt đầu từ cuối năm 2017.

Kết quả nghiên cứu, công bố ngày 24-2, cho thấy 88,55% trong số 1.859 người được hỏi tin rằng chính phủ nên cấm việc tụ tập của các nhóm thiểu số Hồi giáo.

Thêm vào đó, 49% người tham gia nghiên cứu trên, gồm có các học sinh và sinh viên từ hàng trăm trường trung học và đại học khắp Indonesia, không đồng tình với việc bảo vệ các nhóm thiểu số Hồi giáo như Ahmadiyah và dòng Shiite.

Nghiên cứu cho biết gần 85% số này thường truy cập Internet.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Jamhari Makruf của ĐH Quốc gia Hồi giáo Syarif Hidayatullah, giải thích rằng có sự tương quan rõ ràng giữa việc sử dụng Internet trong giới trẻ Hồi giáo và cách họ nhận thức về sự khác nhau của tôn giáo.

"Chúng tôi nhận thấy các trang web tôn giáo bị chi phối bởi các quan điểm về độc chiếm và không dung thứ" - giáo sư Jamhari bình luận.

Nghiên cứu tiết lộ thêm là các nhà thuyết giáo nổi tiếng trong giới trẻ Hồi giáo bao gồm những người thường kể những câu chuyện cực đoan như nhà truyền giáo Zakir Naik của Ấn Độ và Khalid Basalamah của Indonesia.

Ngược lại, các nhân vật Hồi giáo nổi tiếng có quan điểm ôn hòa và dung thứ như nhà truyền giáo Quraish Syihab, Ahmad Syafii Maarif lại không quan tâm đến giới trẻ.

Một nghiên cứu khác của ĐH Quốc gia Hồi giáo Syarif Hidayatullah cũng cho thấy việc tìm hiểu từ Internet khiến cho giới trẻ có cái nhìn thiếu thấu đáo về Hồi giáo.

Nghiên cứu nhận thấy giới trẻ Hồi giáo đang dần rời xa các nhà thờ vì thích nghiên cứu tôn giáo qua mạng xã hội và việc nghiên cứu như vậy là không đầy đủ.

Giáo sư Jamhari kêu gọi các tổ chức Hồi giáo lớn như Nahdlatul Ulama và Muahammadiyah nên thúc đẩy các giá trị đạo đức và tạo ra thêm nhiều nội dung tôn giáo thân thiện với giới trẻ hơn trên các nền tảng xã hội như YouTube và Instagram.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0