"Tự tử xảy ra khắp nơi", một nhà văn người Hàn Youngha Kim đã phải thốt lên như vậy để mô tả xã hội Hàn Quốc hiện đại trong một bài viết thuộc chuyên mục ý kiến độc giả trên tờ The New York Times (Mỹ).
Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát đã thừa nhận hiện tượng gọi là "sự trừng phạt của Hàn Quốc". Đó là một hiện thực nghiệt ngã, nơi mà con người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, và giới tính đang lựa chọn cái chết, với tỉ lệ đặc biệt cao.
Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của xứ sở kim chi trong 60 năm sau Chiến tranh thế giới II đã kéo theo nhiều biến đổi xã hội lớn. Một trong số đó là tỉ lệ tự sát cao ở đủ thành phần dân số, bao gồm thanh thiếu niên và người già.
Tỉ lệ tự sát của Hàn Quốc, xuất phát từ một xã hội đầy áp lực, thường xuyên được xếp vào nhóm cao nhất thế giới.
Ở nước này, tự tử là nguyên nhân tử vong phổ biến thứ tư. Trung bình mỗi ngày có 40 người tự chấm dứt cuộc sống. Trong nhiều năm, các nhà khoa học xã hội đã trăn trở tìm lý do một quốc gia thịnh vượng về kinh tế lại có tỷ lệ tự tử cao đến vậy.
Bộ Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc ước tính 90% số người đã quyên sinh trong năm 2016 mắc bệnh tâm lý, như trầm cảm hoặc lo lắng quá độ - những bệnh lý do stress.
Môi trường giáo dục và công tác ở Hàn Quốc nổi tiếng là khắc nghiệt, áp lực cao. Tình trạng làm việc hoặc học hành nhiều giờ đến tận tối muộn là chuyện thường thức.
Một nguyên nhân dẫn tới guồng sống hối hả này là từ nỗi lo kinh tế. Năm 1997, hàng nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp sau một cơn khủng khoảng tài chính. Kể từ đó, ám ảnh về khả năng một cơn địa chấn kinh tế khác càng làm stress trong môi trường làm việc trở nên tồi tệ hơn.
Học sinh Hàn Quốc mệt mỏi chợp mắt trong một lớp học. Ảnh: ABC News Australia
Thanh thiếu niên và người già, vốn được coi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, phải đối mặt với nguy cơ tự tử lớn nhất. Hàn Quốc có tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 19 tìm đến cái chết cao nhất thế giới.
Đối với thanh thiếu niên, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hành vi tiêu cực này là căng thẳng vì học hành. Mỗi cấp lớp của trẻ em Hàn Quốc kéo dài 11 tháng. Các em thường phải dành hơn 16 giờ học tại trường và cho các chương trình học thêm.
Học sinh căng mình ra học vì một tương lai vinh danh bảng vàng của những trường đại học hàng đầu ở Hàn. Những trường này có tỷ lệ tuyển sinh cực thấp.
Vinh quang và tự hào của gia đình thường gắn chặt cùng địa vị trường đại học của con cái trong nhà. Rất nhiều thanh thiếu niên đã tự tử vì không vượt qua được áp lực.
Điều đáng nói là đa số người Hàn Quốc mắc bệnh tâm lý lại không đi khám bác sĩ vì căn bệnh này bị coi là đáng xấu hổ. Nếu bạn không thể xử lý được những áp lực mà ai cũng gặp, lỗi là do bạn quá yếu đuối.
Theo Bộ Sức khỏe và Phúc lợi, chỉ 15% số người tự tử thuộc nhóm mắc bệnh tâm lý từng được chữa trị. Còn lại, phần lớn họ tự xoay sở giải quyết vấn đề.
Phương thức tự chữa ở Hàn có nhiều hình thức. Người tập thể dục, người dùng mạng xã hội, người tham dự các buổi nói chuyện tôn giáo, và cũng có người tìm quên trong men say.
Trong số đó, lạm dụng chất cồn là phương pháp phổ biến nhất, và cũng nguy hiểm nhất.
Người Hàn Quốc thuộc diện tiêu thụ rượu mạnh nhiều nhất thế giới. Trung bình một người Hàn trưởng thành uống 14 cốc rượu một tuần, theo Berkeley Political Review.
Nhiều người biện minh cho việc uống nhiều rượu là để thư giãn do căng thẳng công việc. Khoảng 40% số người từng có hành vi tự tử đã quyên sinh trong cơn say. Dù nguy hiểm như vậy, lạm dụng chất cồn dường như lại được xã hội chấp nhận hơn so với việc đến gặp bác sĩ tâm lý.
Vấn nạn kết liễu cuộc đời khi còn trẻ cũng không xa lạ trong làng giải trí Hàn.
Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng thực hiện một số biện pháp cắt giảm tỷ lệ tự sát quá cao, nhưng có lẽ chưa biện pháp nào có hiệu quả thực sự.
Tháng 3-2017, cơ quan lập pháp đã điều chỉnh Luật Sức khỏe Tâm thần, nhưng chỉ thay đổi một số điều khoản quy định một người có thể bị cưỡng chế nhập viện.
Gần đây, Bộ Giới tính và Gia đình đã thành lập Trung tâm Chữa trị Thanh thiếu niên Quốc gia, chủ yếu cung cấp các chương trình tư vấn dành cho sinh viên.
Ngày 18-12, ngôi sao Kpop Jonghyun (ban nhạc SHINee) đã chấm dứt sinh mệnh bằng cách đốt than trong phòng kín. Sinh năm 1990, có gần 10 năm luôn thuộc top đầu làn sóng Hàn, hoạt động trong công ty giải trí lớn nhất nhì Hàn Quốc, dường như Jonghyun có một cuộc sống hoàn hảo và đáng ghen tị.
Chàng trai luôn nở nụ cười rạng rỡ trên sân khấu vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi 27, theo cách khiến người hâm mộ của anh cũng như cả xã hội Hàn Quốc chấn động, vì không ai hiểu nguồn cơn nào đã đưa đến quyết định tiêu cực đó.
Trong di thư, Jonghyun viết về nỗi đau khổ dai dẳng khi cố gắng vật lộn chống lại cơn trầm cảm. Anh đã tìm đến bạn bè, tìm đến trợ giúp y tế.
Có lẽ khi còn sống, anh từng gửi đi lời cầu cứu, qua âm nhạc, qua những bài phỏng vấn, qua chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng kết cục, anh vẫn lựa chọn buông tay, như rất nhiều ngôi sao trước đây của xứ sở kim chi như Choi Jin Sil, Jung Da Bin, Park Yong Ha...
Cái chết của Jonghyun một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn tự tử vì trầm cảm trong xã hội Hàn Quốc, đặc biệt ở người trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận