Đông đảo bạn trẻ hào hứng tham gia các trò chơi bằng tiếng Anh tại ngày hội - Ảnh: Ngọc Hiển |
Các trò chơi, ca khúc, cuộc tranh luận đều được trình bày bằng tiếng Anh..., diễn giả trò chuyện cũng là tiếng Anh. Thế nhưng, tất cả mọi người đều hứng thú, các tràng vỗ tay không ngớt vang lên dành tặng cho nhau cùng những lời chúc tụng bằng Anh ngữ.
Đó là không gian “ngôn ngữ toàn cầu” của ngày hội Học sinh, sinh viên với ngoại ngữ - English Camp 2017, với chủ đề “Bay” vừa diễn ra tại TP.HCM hôm qua.
Bàn chuyện môi trường bằng tiếng Anh
Tại khu vực tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh, hàng trăm học sinh chăm chú theo dõi những người bạn đồng trang lứa đứng trên sân khấu, tự tin bàn luận lưu loát bằng tiếng Anh về ước mơ, hoạt động tình nguyện, vấn đề môi trường...
Liên tục nhận được sự cổ vũ của khán giả, nữ sinh Từ Phạm Thanh Vân (Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức) say sưa bộc bạch những suy nghĩ bản thân về thực trạng môi trường nước ta hiện nay.
Theo Vân, rất nhiều nhà máy xả chất thải công nghiệp, khí độc hoặc người dân sử dụng sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu. Đây chính là nguyên nhân gây ra những hệ lụy đối với môi trường sống của con người.
Do vậy, Vân đưa ra thông điệp mỗi người, bắt đầu từ mỗi học sinh, phải biết trân quý môi trường sống bằng từng hành động cụ thể như đi xe điện, sử dụng phương tiện công cộng, không xả rác bừa bãi...
Còn với nam sinh Dương Anh Kiệt (Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp), vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm được bạn khá quan tâm.Từ những con số thống kê về sự suy giảm số loài, số cá thể của các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam, Kiệt đưa ra các biện pháp để bảo vệ, phòng chống buôn bán động vật quý hiếm.
Phần tranh luận và những quan điểm của Kiệt được bạn bè tán thành rất nhiều. Kiệt cho biết đây là lần đầu tiên bạn tranh luận trước hàng trăm người về một vấn đề bằng ngoại ngữ, nên dù bảo vệ được những quan điểm của mình nhưng vẫn... run.
Với Kiệt, tiếng Anh là môn học yêu thích bởi bạn tiếp xúc từ năm mẫu giáo. Cho đến bây giờ Kiệt sử dụng ngôn ngữ này không kém gì người bản địa. Không chỉ thể hiện khả năng ăn nói trôi chảy, Kiệt còn tạo “cơn sốt” trong ngày hội khi biểu diễn đầy cảm xúc ca khúc tiếng Anh See you again.
“Gần nhà mình có hai người quen là người Anh và người Úc. Lúc nào rảnh mình lại chạy sang nói chuyện, riết bây giờ có thể nói chuyện 100% như người ta” - Kiệt kể.
Theo dõi những phần tranh luận của học sinh, cô giáo dạy tiếng Anh Nguyễn Thị Việt Hà (Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình) cho biết sự am tường kiến thức xã hội kết hợp với khả năng ngôn ngữ lưu loát đã tạo cho các bạn một phong thái tự tin khi trình bày.
Đặc biệt, các bạn đã thể hiện được bản lĩnh của mình khi sử dụng tiếng Anh không thua kém người bản xứ dù chỉ là học sinh THCS.
Tiếng Anh - tấm vé bước ra thế giới
Không ồn ào, náo nhiệt như những sân chơi trong ngày hội, khu vực hội trường của Nhà văn hóa Thanh niên thu hút hàng trăm bạn trẻ ngồi chăm chú lắng nghe diễn giả Nguyễn Phi Vân (tác giả cuốn sách Quảy gánh băng đồng ra thế giới) trò chuyện bằng tiếng Anh về chủ đề “Công dân toàn cầu”.
Theo chị Phi Vân, ngày nay tiếng Anh trở thành yếu tố không thể thiếu để đưa giới trẻ Việt Nam tiếp cận với nhiều nền văn hóa và cơ hội phát triển trên trường quốc tế. Người trẻ học ngoại ngữ không chỉ để có tấm bằng đi xin việc, mà đó là “tấm vé” để bước vào cả chân trời rộng mở đang chờ đón họ phía trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị cho biết việc nói tiếng Anh tốt, từ đó trang bị cho mình kiến thức về thế giới sẽ giúp bạn trẻ tìm kiếm cơ hội để sánh vai với bạn bè quốc tế, nhìn ra được điểm yếu và lợi thế của bản thân để lên kế hoạch hành động cụ thể.
“So với tôi ngày trước, giới trẻ hiện nay có khả năng ngoại ngữ tốt hơn, nhiều thông tin hơn và chủ động hơn trong việc tìm tòi. Tuy nhiên, họ vẫn thiếu tư duy về tầm nhìn quốc gia.
Khi biết được vị trí Việt Nam nằm đâu trên trường quốc tế, người trẻ sẽ biết bản thân mình cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh” - chị khẳng định.
Sau khi theo dõi buổi nói chuyện, nữ sinh Ngô Phương Thảo (ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM) cho biết gần như hoàn toàn thay đổi cách nhìn của mình về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh sau khi nghe các diễn giả trao đổi.
Vốn nghĩ ngoại ngữ chỉ là yếu tố cần thiết để đi xin việc và vẫn khá thụ động khi “đụng” đến tiếng Anh, Thảo nói mình chưa bao giờ nghĩ rằng khả năng ngoại ngữ tốt có thể giúp cô được làm việc ở các quốc gia khác, tiếp xúc với bạn bè quốc tế và đi nước ngoài như “đi chợ”...
Do đó, Thảo cho rằng bản thân phải thay đổi tư duy và nhận thức để xem tiếng Anh là điều bắt buộc của mỗi người trẻ, chứ không còn là “điểm cộng” trong đơn xin việc nữa...
Cầu nối cho các bạn trẻ đam mê tiếng Anh Đến với ngày hội, các bạn trẻ được tham gia kiểm tra tiếng Anh trên máy tính, tranh tài trong các sân chơi như: làm bạn với tiếng Anh, làm hướng dẫn viên du lịch, tìm hiểu các địa danh, món ăn, lễ hội... Liên hoan các CLB Anh ngữ toàn thành là dịp để những CLB Anh ngữ tại các trường THPT, CĐ, ĐH có cơ hội giao lưu với nhau. Đây là năm thứ hai Hội Sinh viên VN TP.HCM phối hợp cùng Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức. Anh Lê Hoàng Minh - phó chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM - cho biết các hoạt động của ngày hội là cầu nối để khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo trong việc học tiếng Anh của các bạn trẻ. Xa hơn nữa, mỗi bạn cần chuẩn bị cho mình hành trang về kỹ năng, kiến thức, nhất là ngôn ngữ để “tăng tốc”, “bay” lên trở thành những “công dân toàn cầu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận