Sau khi quan sát và nghiên cứu những dữ liệu, hình ảnh vệ tinh của Công ty Maxar Technologies (Mỹ) chụp lại, các nhà phân tích Ukraine nhận định quân đội Nga đã ít sử dụng cầu Crimea (hay cầu Kerch) - nơi quân đội Ukraine đã nhiều lần tấn công, nên Kiev không cần phải chú ý đến cây cầu này thêm.
Hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) đưa tin hôm 7-5, giới quan sát Ukraine nói rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đã không vận chuyển hàng hóa quân sự qua cầu Crimea trong vòng ba tháng qua.
Họ cũng đoán phía Matxcơva hạn chế vận chuyển hàng hóa, khí tài qua cầu Crimea kể từ ngày 17-7-2023, tức thời điểm quân đội Ukraine tấn công cây cầu này bằng thiết bị nổ.
Ông Vasyl Malyuk, giám đốc Cục An ninh Ukraine (SSU) - cơ quan tình báo, thực thi pháp luật và an ninh chính của Ukraine, nói rằng trước đây Nga từng vận chuyển hơn 40 lượt hàng hóa, vũ khí mỗi ngày qua cầu Crimea.
Thế nhưng hiện nay, lưu lượng giao thông đã giảm còn khoảng bốn chuyến hàng vận chuyển bằng đường bộ và một chuyến hàng vận chuyển bằng đường thủy mỗi ngày.
Trái lại, số lượng xe vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường vận chuyển qua khu vực Taman, thuộc vùng Krasnodar, cách cầu Crimea không xa, lại tăng lên rõ rệt.
Do đó, thay vì tập trung vào cầu Crimea, quân đội Ukraine nên dồn sức cho tuyến đường Melitopol, Berdyansk và Mariupol, nơi Nga đang xây dựng các tuyến đường sắt mới, để kết nối khu vực do Nga kiểm soát với bán đảo Crimea và cuối cùng là dẫn về đất liền của Nga.
Giới quan sát Ukraine dự đoán tuyến đường sắt chạy từ làng Yakymivka của thành phố Melitopol đến hai thành phố Berdyansk và Mariupol có thể sẽ được quân đội Nga khai thác và sử dụng trong đợt tấn công mùa hè sắp tới.
Theo Hãng thông tấn Ukrinform, tuyến đường sắt trên bao gồm 63km được xây dựng mới hoàn toàn và 140km được khôi phục từ hệ thống đường sắt có sẵn. Các quan chức Ukraine nói rằng Nga đang cố gắng xây dựng mạng lưới đường sắt ở miền nam Ukraine, nhằm kết nối với nhiều khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Donetsk hơn.
Cây cầu chiến lược
Cầu Crimea có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nhiên liệu, thực phẩm… cho bán đảo Crimea, lãnh thổ Ukraine nhưng bị Nga sáp nhập vào năm 2014.
Cây cầu này cũng là tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022.
Vì vị trí chiến lược, cây cầu duy nhất nối bán đảo Crimea và lãnh thổ Nga đã trở thành mục tiêu của quân đội Ukraine và đã trải qua hai cuộc tấn công lớn. Đầu tiên là tháng 10-2022. Các quan chức Nga xác nhận quân đội Ukraine cài thuốc nổ vào một chiếc xe tải và cho xe phát nổ khi đi qua cầu khiến ba người thiệt mạng.
Đến ngày 17-7-2023, cầu Crimea một lần nữa bị tấn công và hư hại một phần, khiến hai người thiệt mạng, một trẻ em bị thương.
Những ngày qua, sau khi Ukraine được Mỹ viện trợ tên lửa tầm xa ATACMS có tầm bắn 300km, nhiều người cho rằng cầu Crimea sẽ là mục tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận