Trong vòng 30 năm trở lại đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng đột biến các trường hợp được gọi là ung thư “khởi phát sớm” ở độ tuổi dưới 50.
Hiện tượng gia tăng rõ rệt đến mức các nhà dịch tễ học hàng đầu cho rằng nó nên được gọi là dịch bệnh.
Ung thư tăng ở người trẻ, giảm ở người già
Qua phân tích dữ liệu từ Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại Trường Y thuộc Đại học Washington (Mỹ) trong 3 thập kỷ qua, báo Financial Times ghi nhận ở nhóm các quốc gia công nghiệp hóa G20, tỉ lệ ung thư đã tăng nhanh hơn trong những người từ 25-29 tuổi so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Nhóm tuổi trên tăng 22% trong giai đoạn 1990-2019, mức cao nhất trong 30 năm.
Ngược lại, ở nhóm tuổi trên 75, ung thư đã giảm so với mức cao nhất hồi năm 2005.
Các nhà nghiên cứu hiện không đưa ra được giải thích rõ ràng về nguyên nhân của hiện tượng này. Nhưng đã xuất hiện một vài nhận định ban đầu về loại ung thư tác động trực tiếp đến giới trẻ: trong khoảng thời gian từ 1999-2019, các trường hợp ung thư đại trực tràng đã tăng đột biến 70% ở nhóm tuổi 15-29 tại các quốc gia G20.
Bà Michelle Mitchell, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu ung thư Anh (CRUK), cho rằng tuổi tác vẫn là yếu tố dự báo nguy cơ ung thư lớn nhất, với khoảng 90% các loại ung thư ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi và một nửa ảnh hưởng đến những người trên 75 tuổi.
Tuy nhiên, bà cảnh báo sự gia tăng ung thư ở các nhóm tuổi trẻ hơn là “một thay đổi quan trọng, và chúng ta cần hiểu sự thay đổi đó".
Xu hướng trẻ hóa này có ý nghĩa kinh tế, lâm sàng và xã hội. Bà Shahnawaz Rasheed, bác sĩ phẫu thuật tại Royal Marsden, một bệnh viện ung thư nổi tiếng ở London, nói: “Đây là những người nên tiếp tục cuộc sống của họ. Họ đang xây dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái”.
Do sự biến đổi của hệ vi sinh vật?
Các nhà khoa học đang tìm kiếm những hiểu biết chuyên sâu, và ngày càng tin rằng những thay đổi về dinh dưỡng và lối sống bắt đầu từ giữa thế kỷ trước là một phần nguyên nhân.
Tiến sĩ Frank Sinicrope, bác sĩ chuyên khoa ung thư và chuyên khoa tiêu hóa tại Phòng khám Mayo ở Mỹ, đặc biệt quan tâm đến ung thư đại trực tràng khởi phát sớm.
Ông thông tin: tỉ lệ mắc bệnh đáng báo động ở những người sinh trong và sau thập niên 1960, phần nhiều có thể do chế độ ăn uống và lối sống mà họ tiếp xúc trong giai đoạn đầu đời.
Những người sinh vào những năm 1960 thuộc thế hệ đầu tiên tiếp xúc với chế độ ăn uống hiện đại hóa, lối sống công nghiệp và những thay đổi môi trường sống từ khi còn nhỏ.
Ung thư ở người trẻ tuổi hiện tập trung ở đường tiêu hóa: đại trực tràng , thực quản, dạ dày, tuyến tụy, ống mật, gan và túi mật. Hiện tượng này củng cố nhận định về liên hệ với chế độ ăn uống.
Trên cơ sở đó, sự biến đổi của hệ vi sinh vật bên trong cơ thể đang là một hướng tham khảo quan trọng. Có vẻ những biến đổi này đang làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Thật vậy, hệ vi sinh vật từ lâu đã được biết đến với tư cách là tác nhân quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, bao gồm tiêu hóa và điều hòa hệ thống miễn dịch, cũng như bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh và hỗ trợ sản xuất các vitamin quan trọng. Bình thường mỗi người có khoảng 100.000 tỉ vi khuẩn sống bên trong, chủ yếu là trong ruột.
Giáo sư Shuji Ogino, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Harvard, bổ sung thêm: "Một số loại ung thư khác ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi, như ung thư vú, thận và nội mạc tử cung, cộng với ung thư máu, u tủy, có thể bị ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi của hệ vi sinh vật, cũng như thể trạng béo phì".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận