12/03/2014 04:45 GMT+7

Giới đạo diễn cần một điểm tựa

LÊ QUÝ DƯƠNG
LÊ QUÝ DƯƠNG

TT - LTS: Bài báo Nhiều câu hỏi quanh bộ tranh “Đại lễ phục thời Nguyễn” (Tuổi Trẻ ngày 11-3) đã gợi ra nhiều vấn đề đáng quan tâm trong việc tìm hiểu thấu đáo phục trang của một thời đại. Ở góc độ tổng đạo diễn những lễ hội Đêm hoàng cung của Festival Huế, đạo diễn Lê Quý Dương vừa gửi đến Tuổi Trẻ một ý kiến.

Q6YiQzT2.jpg
Chương trình Đêm hoàng cung tại Festival Huế, trong đó có tái dựng đời sống cung nữ ở tam cung lục viện - Ảnh: Thái Lộc

Là một đạo diễn đã gắn bó với Festival Huế suốt 10 năm qua, với năm kỳ festival từ năm 2006, 2008, 2010, 2012 và 2014, cá nhân tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm những trang phục đúng chuẩn của cung đình Huế để phục vụ các chương trình do mình dàn dựng, đặc biệt là chương trình Đêm hoàng cung, một chương trình được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu mến, trở thành thương hiệu văn hóa uy tín được đăng ký bản quyền của Festival Huế.

Khi công trình Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn được xuất bản, trong buổi ra mắt giới thiệu ấn phẩm mới này tại TP.HCM, tôi đã cảm thấy hết sức phấn khởi vì những lúng túng của mình trong việc tìm hiểu và sử dụng lễ phục của các triều đại nhà Nguyễn trong các chương trình tôi dàn dựng về Huế dường như sẽ được giải quyết. Thế nên, các ý kiến phản biện khác nhau của các nhà nghiên cứu xung quanh công trình mới ra mắt của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thật sự thú vị. Những cuộc trao đổi thế này thật ra nên có sớm và nhiều hơn.

Phục dựng quá khứ, đặc biệt là quá khứ với một trữ lượng di sản văn hóa đồ sộ như Huế với chín đời chúa, 13 đời vua và một lịch sử nhiều biến cố, thăng trầm và đổi thay, một cách thuyết phục quả thật là một việc rất khó. Có thể nói bấy lâu nay trang phục được sử dụng trong các chương trình được dàn dựng về cung đình Huế còn nhiều sai sót, thậm chí tắc trách và tùy tiện. Những người từng thật sự mặc những trang phục ấy thì đã thực sự về với thiên cổ, chẳng ai còn. Chỉ còn lại những người đang sống hôm nay khát khao muốn tìm lại một thời đã mất trên những nguồn tư liệu mong manh ít ỏi.

Cũng bởi vậy, tôi rất mong muốn cuộc tranh luận của các học giả và các nhà nghiên cứu xung quanh chủ đề này sẽ sớm đi đến một sự thống nhất, dù chỉ dừng lại ở một sự thống nhất tạm thời mang tính tương đối, để các đạo diễn chúng tôi có một điểm tựa, tạo nên những căn cứ khoa học về phục trang (và mở rộng hơn là cả đạo cụ) cho các chương trình của chúng tôi, trong tất cả các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu biểu diễn, điện ảnh, video và truyền hình.

LÊ QUÝ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên