Đôi chân cha thoăn thoắt bước đi, dẫn chúng tôi leo lên 499 bậc đá hướng về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để lên đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng và lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, rồi đền Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Ở những nơi đó, chúng tôi đã kính cẩn thắp hương tưởng nhớ các vị vua Hùng - những người đã có công dựng nước. Khi đứng nghỉ chân dưới những tán cổ thụ xanh mướt, cha tôi đã kể cho tôi và mẹ tôi nghe những sự tích về các vua Hùng, với giọng nói hào sảng của một thầy giáo dạy văn và gương mặt rạng ngời lòng tự hào.
Trước đó, dù đã được học các câu chuyện về vua Hùng từ sách giáo khoa, trong tâm khảm tôi đã tin rằng đó chỉ là những câu chuyện truyền thuyết.
Ngày hôm đó, khi được đặt chân tới đền Hùng, được tận mắt chứng kiến những di tích lịch sử, trong hương thơm của những nén hương thành kính, tôi mới nhận ra rằng mình thật may mắn khi được sinh ra từ một đất nước mà nơi đó những người con biết hướng về tổ tiên và nguồn cội.
Trong gần ba mươi năm qua, nhất là trong những tháng ngày xa Tổ quốc, mỗi khi ngày giỗ Tổ Hùng Vương đến gần, tôi lại nôn nao nhớ về chuyến đi thăm đền Hùng đó của tôi và cha mẹ.
Tôi hiểu đó là chuyến đi mà cha tôi đã thực hiện để nhắc với tôi rằng càng ra với thế giới, tôi càng phải biết gìn giữ quê hương, nguồn cội trong sâu thẳm trái tim mình. Đối với những người Việt thường xa quê hương như tôi, quê hương và nguồn cội là những từ thiêng liêng nhất.
Chính vì lẽ đó, cuối tháng 3 vừa qua, trong chương trình diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 tại thủ đô Paris của Pháp do Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức mà tôi có vinh dự được tham gia, chúng tôi đã lắng nghe và thảo luận về phần trình bày của tiến sĩ Nguyễn Bích Yến - một trong những người sáng lập dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam - lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu.
Được tổ chức vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu là sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh lòng tự hào dân tộc, kết nối các cộng đồng người Việt trên thế giới, cùng tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể.
Diễn ra từ năm 2015 đến nay, dự án đã có được những thành quả nhất định: tổ chức lễ an vị tượng vua Hùng và lễ giỗ Tổ tại Đức, Nga, Czech, Ba Lan, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Canada, Ukraine, Hungary.
Đồng thời hằng năm kết nối trực tuyến lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu với sự tham gia của các đại biểu trí thức kiều bào trên cả năm châu lục.
Trong năm 2024, tiếp nối các hoạt động 9 năm về trước, chương trình Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề "Hòa bình - Di nguyện của tổ tiên" sẽ được tổ chức lúc 20h (giờ Việt Nam) ngày 10-3 âm lịch (tức ngày 18-4-2024) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của kiều bào từ gần 50 quốc gia.
Khi xem những hình ảnh của những Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã được tổ chức, tôi không khỏi ước ao Ngày Quốc Tổ Việt Nam sẽ được tổ chức rộng rãi ở tất cả các nước như một ngày Tết của những người Việt xa xứ hoặc những người gốc Việt.
Khác với những người Việt trong nước khi ngày giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày nghỉ lễ, nơi các gia đình có thể tụ họp với nhau, thắp nén nhang tưởng nhớ tổ tiên và tưởng nhớ các vua Hùng, những người xa quê hương như tôi cần phải ghi ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào lịch làm việc của mình.
Vào ngày đó, nếu không tham gia được Ngày Quốc Tổ toàn cầu, chúng tôi có thể kể cho con cháu của mình nghe những câu chuyện và các truyền thuyết về các vua Hùng để các thế hệ tiếp nối không quên nguồn cội của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận