Gió, nước và người trong biển lửa Los Angeles

TRÚC ANH 22/01/2025 06:59 GMT+7

TTCT - Ở nơi nắng hạn, người ta chỉ mong một cơn mưa rào, chứ không phải một trận cuồng phong sẵn sàng thổi bùng mọi tia lửa, dù là nhỏ nhất, thành những đám cháy khổng lồ như ở Los Angeles (bang California, Mỹ).

Gió, nước và người trong biển lửa Los Angeles - Ảnh 1.

Gió thổi bùng đám cháy Palisades ở phía tây Los Angeles, California, ngày 7-1-2025. Ảnh: Reuters

"All the leaves are brown / And the sky is gray / I've been for a walk / On a winter's day / I'd be safe and warm / If I was in L.A." (Tạm dịch: Chỉ còn lá nâu, dưới bầu trời xám / Tôi bước lang thang, trong ngày đông lạnh / Ước mình yên ấm, nơi miền L.A.)

Thực tế trong ngày đông lạnh đầu năm 2025 hoàn toàn khác lời nhạc nhóm The Mamas & the Papas đã viết cho ca khúc California dreamin' những năm 1960. Bầu trời không xám mà đỏ rực, lá cây không nâu mà đã thành tro bụi, và chẳng có yên ấm cho người ở Los Angeles.

Chín đám cháy rừng lần lượt lan khắp các khu dân cư ở Los Angeles từ ngày 7-1 (giờ địa phương). Đến hết tuần rồi (12-1), sáu đám cháy đã được kiểm soát. Ba đám lớn nhất vẫn đang thiêu đốt Los Angeles, với tổng diện tích ảnh hưởng lên tới hơn 15.000ha, tương đương 21.000 sân bóng đá.

Gió và lửa

"Những cơn gió mạnh như bão kết hợp với điều kiện khô hạn bất thường đã dẫn đến sự bùng nổ chưa từng có của các đám cháy rừng trên toàn Los Angeles (…) Hơn nữa, điều kiện thời tiết khắc nghiệt này còn cản trở nỗ lực dập lửa, khi các đội bay không thể hoạt động vì gió giật quá mạnh" - Ned Kleiner, nhà khoa học khí quyển kiêm chuyên gia mô hình hóa thảm họa tại công ty đánh giá rủi ro Verisk, viết trên The Los Angeles Times.

Theo Kleiner, dù phía bắc California đã có mưa lớn, miền nam tiểu bang này vẫn khô cằn, với chỉ 0,76mm mưa tại sân bay LAX trong ba tháng cuối năm 2024, quá nhỏ so với mức trung bình hơn 88mm mưa trong cùng kỳ hằng năm. 

Kết quả là thảm thực vật lẽ ra sẽ 'no nước' giữa mùa đông thì nay lại khô cằn. Nhiên liệu khô thì dễ cháy và nhanh hơn, vì lửa không phải tiêu tốn năng lượng để làm bay hơi nước.

Giữa mùa khô hạn đó, Los Angeles lại không may bị kẹp giữa hai điều kiện khí hậu, "như quả bóng chày trong máy nén", theo cách so sánh của Kleiner: một bên là vùng áp suất cao, đặc trưng của gió Santa Ana với luồng gió khô nóng từ đông sang tây, một bên là vùng áp suất thấp hình thành trên vịnh California. 

Sức mạnh kết hợp của hai luồng áp suất này tạo ra những cơn gió giật với vận tốc 160km/h, một thứ quạt ba tiêu không dập lửa mà "cung cấp thêm oxy cho lửa", thổi chúng mạnh hơn và xa hơn.

Gió, nước và người trong biển lửa Los Angeles - Ảnh 2.

Nỗ lực dập lửa trong đám cháy Palisades. Ảnh: Reuters

Đó chỉ là phỏng đoán về nguyên nhân lửa bùng mạnh và lan xa, còn mồi lửa đầu tiên đến từ đâu thì vẫn chưa biết. Theo David Acuna, chỉ huy tiểu đoàn thuộc Sở Cứu hỏa California, khoảng 95% các vụ cháy rừng trong khu vực bắt nguồn từ con người, song các quan chức bang vẫn chưa đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến các đám cháy hiện tại.

Lửa muốn lặng mà gió chẳng dừng. Sang chủ nhật 12-1, tức ngày thứ 6 từ khi Palisades - đám cháy đầu tiên và lớn nhất xảy ra, lính cứu hỏa vẫn chật vật dập lửa khi gió tiếp tục mạnh dần, có thể khiến cháy lan rộng hơn, theo tường thuật của The New York Times.

Nước và người

Đất và gió đã chống lại Los Angeles, và đến nước cũng không đứng về phía lực lượng cứu hỏa, giữa lúc họ cần chúng nhất. Các đội chữa cháy liên tục gặp khó khăn vì áp lực nước yếu và các trụ cứu hỏa cạn khô hoặc chỉ chảy nhỏ giọt. 

Martin Adams, cựu giám đốc Sở điện nước Los Angeles, cho biết hệ thống cấp nước tại các khu dân cư vốn không được thiết kế để đối phó với những vụ cháy rừng quy mô lớn như vậy, cụ thể là không đủ khả năng cung cấp khối lượng nước lớn liên tục trong nhiều giờ.

"Hệ thống này chưa bao giờ được thiết kế để chữa cháy rừng lan vào cả cộng đồng" - Adams nói với The Los Angeles Times. Đơn cử, hệ thống cấp nước ở khu vực Palisades chỉ đủ để chữa một vụ cháy nhà hoặc một tòa nhà chung cư. "Nhưng khi một đám cháy khổng lồ lan ra cả cộng đồng, số đơn vị chữa cháy lấy nước từ hệ thống cùng lúc cao hơn tới mười lần" - ông nói.

Khi cháy rừng bùng lên, lực lượng cứu hỏa Los Angeles thường phải sử dụng trực thăng để dập lửa từ trên cao bằng nước và chất chống cháy. Nhưng trong hai ngày đầu xảy ra đại hỏa hoạn, việc chữa cháy bằng trực thăng phải tạm dừng vì gió Santa Ana quá mạnh. Lực lượng cứu hỏa lại phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước hạn chế dưới mặt đất.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Santa Ynez, một hồ trữ nước lớn ở Palisades với dung tích 440 triệu lít, trở nên vô dụng vì đã bị bỏ không từ tháng 2-2024 để sửa chữa phần mái che. Thống đốc California Gavin Newsom đã ra lệnh điều tra độc lập Sở điện nước Los Angeles để làm rõ nguyên nhân.

Gió, nước và người trong biển lửa Los Angeles - Ảnh 3.

Lính cứu hỏa cố gắng dập đám cháy Palisades. Ảnh: Reuters

Cuối cùng, con người ở đâu trong thảm họa? Không kể số nạn nhân mất nhà cửa, sản nghiệp đến giờ chưa thống kê được, con người lại hiện lên xấu xí, trong "trò chơi đổ lỗi" nhắm vào tất cả những ai có liên quan.

Theo tờ The San Francisco Chronicle, có người chỉ trích thị trưởng Los Angeles đã cắt giảm ngân sách Sở Cứu hỏa thành phố; người khác lại cho rằng sở này đã tuyển dụng sai người. Có ý kiến nói thành phố không chịu bổ sung nước vào các hồ chứa cung cấp cho trụ cứu hỏa. Lại có người khẳng định bang không gửi đủ nước từ bắc California để hỗ trợ dập lửa.

Chính quyền California cũng bị chỉ trích vì không làm hết trách nhiệm để cảnh báo người dân về các đám cháy, cũng như không chuẩn bị nhân lực vật lực sẵn sàng để ứng phó. Theo The New York Times, trong số những người chỉ trích California mạnh mẽ nhất có tổng thống đắc cử Donald Trump. 

Ông Trump từng công khai đổ tội cho thống đốc Newsom là không biết cách khống chế cháy rừng. Newsom và thị trưởng Los Angeles Karen Bass đều đã mời Trump tới thị sát tình hình nhưng ông chưa công khai đáp lời.

The San Francisco Chronicle cho rằng mặc dù thảm họa cháy rừng đã phơi bày nhiều thiếu sót của chính quyền, các chuyên gia truyền thông nhanh chóng chỉ ra rằng nhiều cáo buộc lan truyền trên mạng chỉ là "một nửa sự thật" hoặc hoàn toàn sai lệch. Trong và sau thảm họa luôn có khoảng trống thông tin, và giờ lại có thêm khoảng cách giữa lòng người.

"Nếu là 10 năm trước, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sự đồng cảm và quan tâm hơn. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời kỳ bị chia rẽ sâu sắc. Nhiều người xem thảm họa này như một ví dụ về sự bất lực và yếu kém của California. 

Chuyện này từng xuất hiện nhiều lần trước đây, tất cả đều nhằm công kích California. Nó không giúp ích gì cả" - Mindy Romero, nhà xã hội học chính trị và giám đốc Trung tâm dân chủ toàn diện tại Đại học Nam California, chia sẻ.

Bài học kinh nghiệm

Các nhà nghiên cứu cho biết hạn chế về cơ sở hạ tầng là đặc điểm chung của nhiều hệ thống cấp nước đô thị. "Hệ thống nước địa phương thường được thiết kế để ứng phó với các vụ cháy nhỏ, cục bộ trong thời gian ngắn [chứ không phải] các vụ cháy rừng lớn, kéo dài" - Kathryn Sorensen, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm chính sách nước Kyl của Đại học Arizona, giải thích.

Câu hỏi quan trọng hơn là: có thể giảm thiểu mức độ tàn phá của các vụ cháy rừng trong tương lai, hay những cơn bão lửa này là "hiện thực mới" trong thời kỳ của các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu? Khảo sát các báo cáo chính phủ cùng phỏng vấn với hơn một chục chuyên gia của CNN cho thấy câu trả lời là cả hai.

Gió, nước và người trong biển lửa Los Angeles - Ảnh 4.

Máy bay xả nước xuống đám cháy Palisades ở Pacific Palisades, Los Angeles. Ảnh: Brian van der Brug/Los Angeles Times

Trước mắt, con người vẫn có thể thực hiện một số bước để giảm thiểu tác động từ sự tàn phá của thiên nhiên. Quản lý thực bì thiếu nhất quán, cơ sở hạ tầng và nhà cửa xuống cấp, cùng với sự thiếu hụt quy hoạch là những nguyên nhân góp phần vào các đám cháy biến nhiều vùng ở Los Angeles thành "hỏa ngục", theo CNN.

Thị trưởng Bass hứa sẽ điều tra toàn diện để "xác định cái gì hiệu quả và cái gì không, từ đó sửa đổi, hoặc truy cứu trách nhiệm với bất kỳ ai, bộ phận hay cá nhân nào". 

Có thể mũi dùi cuối cùng sẽ hướng về biến đổi khí hậu. Một nguyên nhân rõ là do con người, nhưng không mấy ai nhận hay chịu trách nhiệm.

Viễn cảnh cháy rừng quanh năm

Mặc dù gió mạnh và thiếu mưa là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy rừng, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đang thay đổi điều kiện nền và làm gia tăng khả năng xảy ra các vụ cháy như vậy.

"Biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng cao, hạn hán kéo dài và bầu khí quyển khô khốc, là yếu tố chủ chốt làm gia tăng nguy cơ và phạm vi cháy rừng ở miền tây nước Mỹ" - BBC dẫn thông cáo từ Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho biết.

Mùa cháy rừng ở miền nam California thường được cho là kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, nhưng thống đốc Newsom từng thừa nhận: "Không còn mùa cháy rừng nữa; phải gọi là năm cháy rừng".

Trả lời phỏng vấn BBC, Acuna, vị chỉ huy từ Sở Cứu hỏa California, nói vụ cháy Palisades mới là lần thứ ba trong 30 năm qua có cháy lớn vào tháng 1. Tháng 12-2011, một trận cuồng phong cũng quét qua Pasadena, đông bắc Los Angeles. Nhưng nhờ tháng 11 trước đó mưa nhiều, không có vụ cháy rừng đáng kể nào xảy ra.

Nhắc lại để thấy thảm họa hiện tại rõ ràng là kết hợp của nhiều yếu tố không may đến cùng một lúc, mà ít nhiều đều liên quan tới biến đổi khí hậu.

Nếu xu hướng này không được đảo ngược nhanh chóng, những trận cháy rừng bất thường sẽ sớm thành "bình thường", và ngày càng kinh hoàng hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận