25/10/2017 10:30 GMT+7

Giờ là lúc Trung Quốc 'bình thiên hạ'?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nếu Mao Trạch Đông là cha đẻ của Trung Quốc độc lập, Đặng Tiểu Bình là kỹ sư trưởng của Trung Quốc hiện đại, thì Tập Cận Bình mong muốn là người đưa Trung Quốc lên tầm toàn cầu.

Giờ là lúc Trung Quốc bình thiên hạ? - Ảnh 1.

Chân dung ông Tập Cận Bình (trái) và cố lãnh đạo Mao Trạch Đông tại một cửa hàng lưu niệm ở Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS

"Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới", kể từ Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ đường hoàng xuất hiện trong điều lệ Đảng, đứng ngang với các tư tưởng mang tên ông Mao, ông Đặng.

Nó vốn dĩ không phải là điều quá bất ngờ đối với giới quan sát. Ông Tập và những ảnh hưởng của ông sẽ còn hiện diện tại Trung Quốc ít nhất vài mươi năm nữa.

"Thế giới phải học Trung Quốc"

5 năm sau Đại hội 18, nhiều chuyên gia đánh giá Chủ tịch Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực đến mức độ chưa từng có. 

Truyền thống "lãnh đạo tập thể" - định hướng đã được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra, dường như đã bị phủ nhận hoàn toàn bởi ý chí cá nhân mạnh mẽ của ông Tập.

Phát động chiến dịch chống tham nhũng toàn diện và triệt để, ông Tập đã mang lại hình ảnh mới cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Tính chính danh của Đảng, đi kèm với đó là uy tín của ông Tập, ngày càng cao trong mắt người dân Trung Quốc.

"Tập hoàng đế", cách gọi ví von của giáo sư Willy Lam (Đại học Hong Kong) lại nói đúng phần nào thực tế đó. 

Sau một loạt các văn kiện xác lập vị trí lãnh đạo hạt nhân trong đảng, ông Tập đã xác lập một vị thế mới: người đứng đầu của một Trung Quốc ôm tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong tình hình giảm sút uy tín của Mỹ.

Ông Tập, khi tuyên bố "Trung Quốc nên trở thành trung tâm trong chính trường thế giới", đã không quên gợi ý rằng mô hình xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc "là một lựa chọn mới cho các nước khác".

Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, trong một chuyến thị sát xuống Quảng Đông, đã nói: "Học tập từ thế giới, và đặc biệt là học tập Singapore rồi làm tốt hơn họ". 

Đó là vào năm 1992, ông Đặng hẳn vẫn nhớ như in những hình ảnh về một quốc đảo nhỏ bé vừa độc lập khi ông đến thăm năm 1978.

Trung Quốc, năm 2017, sau hàng thập kỷ "ẩn mình chờ thời" theo kiểu ông Đặng, dưới thời ông Tập, đã tự tin tuyên bố sẵn sàng chia sẻ mô hình phát triển với thế giới. Tuyên bố đó xuất phát từ nội lực thực sự của một đất nước đã khiến người ta đi từ bất ngờ đến lo sợ.

Dấu ấn di sản

Giờ là lúc Trung Quốc bình thiên hạ? - Ảnh 2.

Chủ tịch, Tổng bí thư Tập Cận Bình giữa hai người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (trái) và Giang Trạch Dân (phải) - Ảnh: REUTERS

Ông Tập là cốt lõi của thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc tính từ năm 1949. Ông đứng đầu một chính phủ có tiêu chuẩn về năng lực cao ở mọi cấp độ.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu

"Cả bốn lãnh đạo tối cao trước đó đều để lại những dấu ấn riêng. Với Mao Trạch Đông, đó là những cuộc cách mạng liên miên. Với Đặng Tiểu Bình, đó là cải cách và mở cửa. Với Giang Trạch Dân, đó là củng cố và phát triển. Và với Hồ Cẩm Đào, đó là xã hội hài hòa - cụ thể hơn, rút ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Còn ông Tập sẽ để lại di sản gì?"

Hẳn cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người từng gặp ông Tập vào năm 2007, đã có câu trả lời.

Đó là "Một vành đai, một con đường". Thật ra, nói cho chính xác hơn, là sáng kiến mà mọi con đường đều dẫn về Trung Quốc; là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - thứ đối đầu với những định chế tài chính do phương tây kiểm soát; là Tân Hùng - siêu thành phố ngầm, thủ đô không chính thức tương lai của Trung Quốc,…

Nhưng tất cả những điều đó chỉ là "di sản" của 5 năm cầm quyền đầu tiên. Ông Tập sẽ cầm quyền đến năm 2022, nhưng tầm nhìn của ông sẽ không dừng lại ở đó. 

Đích đến cuối cùng, như ông Tập đã vạch ra - năm 2050 - thời khắc 100 năm Trung Hoa hiện đại, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc về chủ nghĩa xã hội hiện đại hàng đầu thế giới.

Những gì gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình đã thể hiện qua báo cáo chính trị dày 68 trang của chính ông đọc trong phiên khai mạc Đại hội Đảng vào ngày 18-10. 

Đó sẽ là một Trung Quốc thịnh vượng, phát triển; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn; ô nhiễm bị loại bỏ và một quân đội tinh nhuệ hàng đầu thế giới.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Người Trung Quốc có câu "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nếu nhìn theo cách nghĩ đó thì "kỷ nguyên mới" của ông Tập, hẳn là vế cuối cùng. 

Thế giới nên chuẩn bị sẵn sàng cho một Trung Quốc ngày càng can dự sâu vào các vấn đề quốc tế trong vị thế của một nước lớn.

Vậy có nên lo lắng về sự tự tin ngày càng tăng đó? Câu trả lời đã được Bắc Kinh khéo léo nêu trên tờ báo mang tính phát ngôn chính thống Hoàn Cầu Thời báo.

"Chúng tôi đang tạo ra một quốc gia hùng mạnh nhưng luôn thân thiện với nước khác. Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc chia sẻ lợi ích thu được từ phát triển, một điều chưa từng xuất hiện trong xã hội loài người".

Còn Trung Quốc sẽ làm như thế nào thì là chuyện phải chờ xem.

"Cách nhanh nhất để biết mức độ ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình là nhìn vào danh sách Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc", đó là lời khuyên của một học giả quốc tế.

Bảy gương mặt quyền lực nhất Trung Quốc - những người sẽ nắm giữ vận mệnh của hơn 1,4 tỉ người trong vòng 5 năm tới, cuối cùng đã xuất hiện ngày 25-10.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên