Một giờ học sinh động ở lớp 1/4 của cô Đoàn Thị Mỹ Ngon - Ảnh: Lư Thế Nhã |
Học sinh kém trí, cá biệt, không tập trung, chậm tiếp thu trong học tập là nỗi lo cho mỗi nhà trường, nhưng với giải pháp “giờ học sinh động”, những kiến thức “khó nuốt” đã đi vào trí não các em một cách dễ dàng.
Giờ học sinh động tạo sinh khí học tập cho học sinh, ngoài việc giúp các em học sinh khuyết tật, kém trí, mau quên dễ tiếp thu bài còn giúp các em phát huy năng lực, rèn luyện kỹ năng sống qua thảo luận, trình bày kiến thức của mình và giúp đỡ bạn |
Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung (hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Thành B) |
Bước vào lớp 1/4 Trường tiểu học Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre của cô giáo Đoàn Thị Mỹ Ngon, cảm nhận đầu tiên của tôi là không khí thân thiện giữa thầy và trò, giữa các bạn cùng học với nhau.
Lớp được trang trí rất sinh động, bàn học được xếp theo nhóm, trên tường có các bảng treo, dán các chữ màu xanh, đỏ, vàng..: Đố bạn chữ gì? Vườn hoa điểm tốt, Lớp chúng mình (có ảnh chân dung học sinh kèm ngày tháng sinh nhật từng bạn)...
Lớp được bố trí bàn học xếp theo năm nhóm, mỗi em học yếu được xếp ngồi theo một nhóm và từng nhóm thi đua học với nhau. Giải pháp học nhóm đã ngầm khuyến khích các em giúp bạn yếu vươn lên, tự bản thân mỗi em đã mang tinh thần thi đua tập thể, tất cả đều phấn đấu để tổ mình được khen thưởng nên các bạn tập trung giúp đỡ bạn học yếu một cách tự nhiên.
Các bạn trong lớp thường đến bảng treo “Đố bạn chữ gì?” đối với các bạn đọc chưa xuôi. Câu đố bạn này đã giúp các em phải tập trung ghi vào trí nhớ của mình, cố gắng đọc xuôi chữ, xuôi câu. Nhóm nào đọc tốt được cô tặng hoa, mỗi nhóm có chỗ cắm hoa trên tường. Cuối tuần, hoa của các nhóm được cô giáo đổi thành kẹo khen thưởng. Nhóm nhiều hoa được thưởng nhiều kẹo.
Đầu năm học 2014-2015, trong 29 học sinh của lớp 1/4 do cô Ngon dạy có bốn em học sinh đọc không xuôi, trong đó có một em kém trí. Đến đầu tháng 11, bốn học sinh này đã tiến bộ nhiều.
Giờ học sinh động là sáng kiến “nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, giúp giáo viên tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học” của thầy Phan Thanh Diệu, hiệu phó trưởng Trường tiểu học Vĩnh Thành B. Sáng kiến của thầy Diệu được hội đồng khoa học tỉnh công nhận và thầy được bầu là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2013.
Thầy Diệu “bật” lên sáng kiến này vì nhận thấy những năm học trước đó chất lượng dạy và học hiệu quả không cao. Giải quyết công việc giảng dạy lúc bấy giờ chưa quan tâm mấy đến việc tổ chức lớp học thành các nhóm thân thiện, giáo viên chưa quan tâm nhiều đến việc trang trí lớp học, chưa thấy được mối quan hệ và hiệu quả của việc tổ chức nhóm, hay nói cách khác chưa phát huy tính tích cực của các thành viên trong tổ chuyên môn.
Với giải pháp này, giáo viên các lớp gặp những trường hợp học sinh chậm hiểu, nhút nhát, cá biệt... thì trình bày cho tổ trưởng để trong sinh hoạt các thành viên của tổ bàn bạc, đưa ra giải pháp thực hiện và giáo viên áp dụng cho thực tế ở lớp mình.
Tuy vậy, không một giải pháp nào dành cho học sinh cá biệt có thể thực hiện lâu dài vì mỗi ngày học, mỗi kỳ học lại có những học sinh “chậm tiêu” khác nhau, tổ chuyên môn phải tìm ra giải pháp mới phù hợp để áp dụng và đúc kết kinh nghiệm mới có thể áp dụng lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận