14/03/2015 07:57 GMT+7

​Giỗ đồng đội hi sinh ở Gạc Ma

KIM THỦY
KIM THỦY

TT - Chiều 14-3 tại sân vận động tỉnh Phú Yên diễn ra buổi gặp mặt những cựu binh Trường Sa ở Phú Yên và các tỉnh thành khác nhằm ôn lại sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Các sinh viên đến thắp hương bia tưởng niệm tại Khánh Hòa khắc tên 64 liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma - Ảnh: Văn Kỳ

Ngày 13-3, ông Đào Thái Thi - đại diện ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên - cho biết như vậy.

“Tại buổi gặp mặt, các cựu binh xem lại clip về sự kiện Gạc Ma 27 năm trước, gặp anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lanh - người kiên quyết giữ cờ trước vòng vây kẻ thù, nghe câu chuyện của những nhân chứng sống trong trận hải chiến năm ấy; tặng quà cho các mẹ của liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma” - ông Thi nói.

Sau buổi gặp mặt này, ngày 15-3 (tức 25 tháng giêng), ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên tổ chức giỗ lần thứ 27 cho liệt sĩ Trương Văn Thịnh, quê P.9, TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Tiếp đó, ngày 17-3 (27 tháng giêng), tổ chức giỗ cho liệt sĩ Phan Tấn Dư, quê xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Đây là hai liệt sĩ hi sinh trong trận chiến tại Gạc Ma. 

Lý giải vì sao hai liệt sĩ hi sinh cùng ngày nhưng tổ chức hai ngày giỗ, ông Thi nói: “Gia đình anh Thịnh lấy ngày anh lên đường làm nhiệm vụ làm ngày giỗ nên tổ chức giỗ ngày 25 tháng giêng, còn gia đình anh Dư giỗ vào ngày anh hi sinh tính theo âm lịch, nên có sự chênh lệch này.

Chi phí tổ chức giỗ hai anh do đồng đội đóng góp theo kiểu có gì góp nấy. Đây là năm thứ tám ban liên lạc tổ chức giỗ cho các anh”.

Trước ngày giỗ con, mẹ Nguyễn Thị Đảo (mẹ liệt sĩ Trương Văn Thịnh) nghẹn ngào: “Đồng đội thằng Thịnh sống tình nghĩa lắm, năm nào cũng sum họp về nhà mẹ để thắp hương tưởng nhớ thằng Thịnh. Mẹ rất mong đến ngày này để được gặp những đứa con của mẹ”.

Bạn đọc và Gạc Ma

Hỗ trợ xây nhà cho cựu binh Gạc Ma

Chiều 13-3, ông Nguyễn Xuân Ngọc - bí thư đoàn khối cơ sở Bộ Xây dựng (văn phòng tại TP.HCM) - cho biết sau khi đọc bài báo “Những người lính Gạc Ma bây giờ” (Tuổi Trẻ 13-3), đơn vị này đã quyết định hỗ trợ 50 triệu đồng giúp cựu binh Gạc Ma Nguyễn Bá Ngọc (ở thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) xây lại căn nhà mới.

Ngoài ra, đơn vị này còn cho biết sẽ cấp học bổng cho con gái út của anh Ngọc (đang học lớp 12) nếu đậu ĐH, CĐ trong kỳ thi sắp tới. Số tiền này được trích từ quỹ bán áo thun tuyên truyền biển đảo của đoàn viên Bộ Xây dựng.

Năm 2013, đơn vị này cũng đã phối hợp với báo Tuổi Trẻ xây một căn nhà (hơn 60 triệu đồng) tặng cựu binh Gạc Ma Trương Văn Hiền.

QUỐC NAM

Mong có ngôi trường mang tên Gạc Ma

Hiện nay ở Khánh Hòa chưa có ngôi trường nào mang tên Gạc Ma hay Cô Lin, Len Đao (các đảo trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Theo tôi, việc đặt tên trường là cách giáo dục, nhắc nhớ các em học sinh khắc ghi bao sự kiện lịch sử của đất nước, dân tộc, quê hương bởi tên trường sẽ được các học sinh cùng các bậc phụ huynh và quý thầy cô thường xuyên gọi tên, nhắc nhớ hằng ngày.

Những tên trường được đặt không chỉ nhắc nhớ với bao người không theo học nhưng nhìn thấy, đọc thấy, mà còn hiện diện cả trong các văn bản hành chính, công văn, giấy tờ chỉ đạo, thông tin ở nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan tới trường. 

Các thông tin, sự kiện lịch sử có liên quan đến danh nhân, tên trường còn được truyền nhau ôn lại vào các dịp khai giảng, kỷ niệm thành lập trường...

Như vậy, một trường học có hàng trăm, hàng ngàn học sinh theo học thì qua nhiều năm học sẽ có nhiều trăm, nhiều ngàn và cả hàng triệu học sinh dù đang học hay đã ra trường gọi tên, nhắc nhớ như vừa nêu. Đó cũng là một cách để các danh nhân, sự kiện sống trong lòng dân.

Viết những dòng này, tôi hi vọng sắp tới sẽ có các trường học mang tên Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin cùng các vùng biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc tại nhiều vùng quê trên đất liền của Khánh Hòa và trong cả nước.

SÔNG NGÂN (Nha Trang)

Lo cho con các chiến sĩ đã hi sinh

* Nếu có thể hãy lo cho con cái của các chiến sĩ đã hi sinh ở Gạc Ma để họ có một công việc mưu sinh, thay cha nuôi gia đình.

Nguyễn Yên Hưng

* Xây tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là việc nên làm nhưng theo tôi việc cấp bách cần làm ngay là hãy chăm lo, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho những người đã tham gia chiến đấu bảo vệ Gạc Ma nói riêng và Trường Sa, Hoàng Sa nói chung. Đây là việc mang tính nhân văn cần làm.

Văn Minh

 

KIM THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên