Cựu lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont tại Brussels (Bỉ) ngày 31-10 - Ảnh: REUTERS
Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã triệu tập lãnh đạo bị sa thải của Catalonia - ông Carles Puigdemont - cùng 13 thành viên khác trong chính quyền của ông này. Giờ đây, ông Puigdemont có nguy cơ ngồi tù nếu bị kết tội phản loạn.
Cửa dưới
Yêu cầu triệu tập đối với ông Puigdemont được đưa ra không lâu sau khi xuất hiện thông tin xác nhận việc chính trị gia này đã đến Bỉ. Trong một tuyên bố ngày 31-10 tại Brussels, ông Puigdemont nói rằng mình không hề có ý định tị nạn chính trị, mà vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu vì một Catalonia độc lập.
Vị cựu lãnh đạo Catalonia khẳng định sẽ chấp nhận cuộc bầu cử vùng mà chính quyền trung ương ấn định ngày 21-12 tới. Tuy nhiên, ông đòi hỏi phải được đảm bảo về một "phiên tòa công bằng" khi trở về Tây Ban Nha, nơi ông có thể ngồi tù vì nhiều cáo buộc khác nhau. Chưa kể, khi là người châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ly khai, ông Puigdemont đã là cái gai trong mắt chính quyền và khó tránh tội "kích động nổi loạn".
Báo chí quốc tế nhận định rằng ông Puigdemont đã cảm nhận được sức ép khi gió đổi chiều. Từ chỗ trở thành gương mặt thu hút dư luận quốc tế và "chiến thắng" trong cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia, nay ông Puigdemont đang nằm cửa dưới so với ông Rajoy - người trước đây bị chỉ trích vì cách tiếp cận quá mềm mỏng với khu vực Catalonia.
Dư luận quốc tế, bao gồm quan trọng nhất là Liên minh châu Âu (EU), đều không đứng về phía Catalonia, thậm chí cũng không mặn mà gì với vai trò trung gian - vốn là điểm mấu chốt giúp ông Puigdemont có thể an toàn, không bị "xử" kín.
Người Catalonia lãnh đủ?
Sau một biến cố chính trị, những gì người Catalonia thấy trước mắt chỉ là sự chia rẽ và một viễn cảnh u tối của nền kinh tế tại đây.
Khi EU cũng tỏ rõ quan điểm rằng người Tây Ban Nha hãy tự giải quyết nội bộ với nhau, câu hỏi giờ đây là liệu người Catalonia có tự quyết định tương lai của mình hay không. Một khảo sát hôm
31-10 cho thấy 40% vẫn ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha. Nhưng khảo sát trước đó một ngày cho thấy 76% người được hỏi nói rằng Catalonia nên ít ra được cho phép trưng cầu chính thức về đòi quyền độc lập, như kiểu Scotland vào tháng 9-2014 vậy. Tháng 10 qua, chỉ hơn 2 triệu cử tri ở Catalonia đi bỏ phiếu, trong khi dân số ở đây là 7,5 triệu người. Sự chia rẽ giữa luồng ý kiến muốn ly khai với những người đòi hỏi một cuộc sống yên ổn là điều không khó hiểu.
Sự phản kháng của nhóm "chống độc lập" có lý do chính không gì khác ngoài kinh tế. Khi Catalonia không được quốc tế công nhận, họ sẽ rất khó khăn để duy trì nền kinh tế trị giá 250 tỉ USD của mình. Bloomberg Business Week ngày 1-11 dẫn ước tính của Phòng thương mại Barcelona cho thấy tăng trưởng của vùng Catalonia sẽ rơi xuống 2,5% năm sau, từ mốc 2,7% hiện nay. Du lịch trong khi đó sẽ rớt 20%, theo tính toán của Aecoc - nhóm doanh nghiệp đại diện cho 28.000 công ty.
Thế mạnh đáng kể nhất của Catalonia là dịch vụ và du lịch, nên việc làm trái ý EU cũng như các nước lớn khác sẽ kéo theo ngành khách sạn, bất động sản, ngân hàng... đồng loạt tụt dốc thê thảm ít nhất trong ngắn hạn.
Có thể ở tù 30 năm
Tòa án tối cao Tây Ban Nha yêu cầu ông Puigdemont phải có mặt trong phiên tòa vào ngày 2 và 3-11. Cựu lãnh đạo Catalonia đối diện ít nhất ba tội danh gồm nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ. Carmen Lamela, thẩm phán chịu trách nhiệm giám sát phiên tòa này, cho biết chính quyền của ông Puigdemont cũng bị buộc nộp lại số tiền 6,2 triệu euro được cho gây quỹ để tài trợ cuộc trưng cầu đòi tuyên bố độc lập ngày 1-10. Trong khi đó, tội nổi loạn có thể mang án tù lên tới 30 năm, theo báo Tây Ban Nha El Pais.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận