Thẩm phán Vương Văn Nghĩa trong một phiên tòa |
Không riêng gì những thiếu niên nhỏ tuổi, chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm của việc trả thù bằng cách tung clip, hình ảnh riêng tư của người khác lên mạng là vi phạm pháp luật thì nhiều người trưởng thành, thậm chí là lớn tuổi - dù biết rõ việc đó vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm.
Theo quy định của pháp luật, việc lợi dụng mạng xã hội xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm, vu khống người khác nhằm làm mất danh dự, uy tín của họ thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc nếu nghiêm trọng thì phải bị xử lý hình sự.
Nếu trường hợp một người lợi dụng việc có những hình ảnh lộ thân thể, clip quan hệ riêng tư của người khác để đe dọa, ép buộc nạn nhân phải thực hiện theo những yêu cầu về tiền bạc của mình thì hành vi đó đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo điều 135 Bộ luật hình sự thì với việc phạm tội này, người phạm tội có thể bị xử phạt từ 1-5 năm tù, trường hợp chiếm đoạt số tiền lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù.
Thời gian vừa qua, ngành tòa án nhân dân TP.HCM cũng như tòa án các địa phương khác đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ cưỡng đoạt tài sản với thủ đoạn dùng clip, ảnh nóng để đe dọa, ép buộc nạn nhân đưa tiền (có khi hàng tỉ đồng).
Tình huống khác nữa thường xảy ra là việc các clip, ảnh nóng của nạn nhân bị tung lên mạng vì mục đích để hạ nhục, làm mất danh dự uy tín của nạn nhân để trả thù, ghen tức, mâu thuẫn hoặc có thể sau khi buộc nạn nhân đưa tiền mà không được.
Trong trường hợp này thì hành vi tung clip, ảnh nóng, ảnh sex của nạn nhân lên mạng đã cấu thành tội làm nhục người khác, có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tù đến 2 năm.
Có thể thấy hình phạt tối đa của tội làm nhục người khác 2 năm như trên so với hậu quả mà nạn nhân bị tung clip, ảnh nóng thì quá nhẹ.
Nhiều nạn nhân đã không thể có cuộc sống bình thường, không thể vượt qua mặc cảm khi những hình ảnh, hành vi riêng tư của họ bị công khai trên Internet để hàng triệu người có thể vào xem.
Nhiều nạn nhân đã đau khổ cùng cực bởi họ không chỉ mất danh dự, uy tín mà cả công việc, hạnh phúc gia đình cũng không còn do việc bị tung clip sex.
Trong khi đó, mức án cao nhất theo khung hình phạt mà Bộ luật hình sự (điều 121) quy định đối với người cố tình tung clip sex để làm nhục người khác chỉ là 2 năm tù xem ra còn quá nhẹ. Chưa kể nhiều vụ án, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì mức án thực tế áp dụng sẽ còn nhẹ nhàng hơn, có người còn không phải chịu hình phạt tù, có người được hưởng án treo…
Vì vậy, trong khi chưa thể sửa luật để tăng nặng hình phạt đối với tội danh này thì trong quá trình xét xử những vụ án này, thiết nghĩ hội đồng xét xử cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc và xử phạt bổ sung (phạt tiền) thật nặng người phạm tội để phòng ngừa chung đối với các vi phạm này đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Đối với những trường hợp làm nhục người khác khiến nạn nhân phải tìm đến cái chết để giải thoát vì không chịu nổi áp lực dư luận, xấu hổ thì cơ quan tố tụng cần xem xét xử lý người vi phạm về tội bức tử (theo điều 100 Bộ luật hình sự).
Phải xử lý thật nghiêm thì may ra tình trạng mới giảm được.
Cơ quan công an cần nhanh chóng vào cuộc Pháp luật đã quy định đầy đủ các chế tài (từ hành chính đến hình sự) đối với hành vi xúc phạm danh dự, làm nhục người khác, kiểu “giết người” thông qua các mạng Internet như hiện nay.
Đối với các vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự thì đã có các nghị định về xử phạt hành chính như nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Ngoài việc xử phạt thì người có hành vi vi phạm, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại (về vật chất, tinh thần) cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, có thể thấy các quy định về xử lý đối với những hành vi xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác hiện vẫn còn thiếu hướng dẫn nên việc xử lý của cơ quan chức năng trong nhiều trường hợp gặp vướng mắc. Vì vậy, bên cạnh việc cần bổ sung các hướng dẫn rõ hơn thế nào là xâm phạm bí mật đời tư, người cung cấp mạng xã hội và các nhà quản lý cũng cần có những biện pháp quản lý người sử dụng Internet, kiểm tra và ngăn chặn những nội dung đưa lên trang web của mình. Căn cứ các quy định của pháp luật, trong các trường hợp bí mật đời tư của cá nhân bị xâm phạm như việc bị tung clip nóng, cơ quan chức năng - mà cụ thể là cơ quan công an, cần tích cực điều tra để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích của người tung clip để nhanh chóng có kết luận. Nếu có đầy đủ các dấu hiệu pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu chưa đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng cần xử phạt hành chính thật nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật. Ngoài những chế tài pháp lý nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng phải có những động thái tích cực hơn trong việc quản lý các mạng xã hội, nhanh chóng can thiệp khi phát hiện những hành vi không lành mạnh của những người sử dụng mạng xã hội với mục đích vô đạo đức, trái thuần phong mỹ tục... Và vấn đề còn lại là người dân cũng phải biết tự bảo vệ mình là chính, có những quan hệ trong sáng để không bị lợi dụng và phải nhanh chóng hợp tác với các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi của người đe dọa tung clip. Đã có nhiều quan điểm khác nhau khi đưa ra các giải pháp đối phó với “Vấn nạn sử dụng mạng xã hội như một thứ công cụ để chà đạp người khác”, nhưng biện pháp hữu hiệu nhất và đơn giản nhất là phải biết bảo vệ lấy chính mình, đừng để là mục tiêu của kẻ xấu! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận