Họa sĩ, nhà báo, giáo viên, bác sĩ, vũ công và khao khát được trở thành lính hải quân bảo vệ bờ cõi Tổ quốc là những gì mà các bạn học sinh THPT tham gia cuộc thi “Thực hiện ước mơ” đang từng ngày vun đắp và tự tìm lối đi để hiện thực hóa ước mơ cuộc đời.
Nghĩ khác, mơ lớn
Học bổng tối thiểu 75.000 đôla Úc Giải thưởng dành cho người chiến thắng ngoài hiện kim và hiện vật là suất học bổng trị giá 75.000 đôla Úc. Đây là suất học bổng tối thiểu, du học toàn phần tại ĐH Western Sydney (Úc) đúng ngành học mà thí sinh mơ ước. Gọi là tối thiểu vì nếu thí sinh chiến thắng với ngành học có học phí cao hơn, giá trị học bổng được cấp sẽ còn cao hơn. Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần 3, năm học 2014-2015 do Thành đoàn TP.HCM, Sở Giáo dục - đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, Viện đào tạo quốc tế (ĐH Kinh tế TP.HCM) và báo Tuổi Trẻ cùng phối hợp tổ chức. Gần 168.000 học sinh THPT của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đã tham dự cuộc thi năm nay. |
Nhớ lại cảm giác xót xa khi chứng kiến sự lạnh nhạt của một số bác sĩ, nhân viên y tế dành cho bà mình những ngày cuối đời, bạn Huỳnh Lê Hoàng Kim (TP.HCM) nói chưa bao giờ ước muốn làm bác sĩ lại trở thành khát khao mãnh liệt và nghiêm túc trong bạn đến thế.
Bởi trước đó khi chia sẻ ước mơ này với gia đình, Hoàng Kim đã nhận lại sự phản đối gay gắt của tất cả thành viên trong nhà.
“Mình đã vạch ra từng bước để đến gần ước mơ mỗi ngày. Mình còn muốn có một bệnh viện mà ở đó bác sĩ đúng là “lương y như từ mẫu”, đặt sức khỏe bệnh nhân trên mục đích thương mại” - Kim chia sẻ về ước mơ của bạn.
Bạn Lê Thị Hoài Phương (Bình Phước) kể hầu như ai cũng “cười ầm lên” khi cô bạn nói ước mơ trở thành nhà sử học vì “nghề gì mà xưa ơi là xưa, lại không có thu nhập cao”.
Nhưng bạn đã xác định rõ ràng nghề nghiệp tương lai vì “mọi điều xảy ra, cả con người cũng là “sản phẩm” của lịch sử nên con người không thể không biết và tôn trọng lịch sử nơi họ được sinh ra”.
Trong khi đó Nguyễn Thiên Kim (Bình Phước) lại mơ ước làm nhân viên xuất nhập khẩu bởi suy nghĩ “đất nước hội nhập với khu vực và thế giới, việc giao thương kinh tế của VN với các nước sẽ rất lớn và nếu ngành xuất nhập khẩu làm tốt thì đất nước sẽ phát triển”.
Một thí sinh khác cũng đến từ Bình Phước, bạn Nguyễn Hoàng Quân ước trở thành người lính hải quân. Chính câu chuyện “ngang ngược” của Trung Quốc khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển VN càng góp phần nung nấu cho giấc mơ của Quân thêm lớn hơn, mong “nhanh đến ngày được khoác áo bộ đội hải quân, cầm súng bảo vệ biển trời Tổ quốc”.
Khá hiếm hoi trong cả ngàn bài thi tự luận, bạn Nguyễn Hữu Chinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói mong trở thành một giám định viên pháp y xuất sắc.
“Những bằng chứng quan trọng để vạch mặt và bắt hung thủ phải cúi đầu nhận tội, giám định viên pháp y cũng gánh trọng trách cân bằng cán cân công lý cho xã hội. Và tôi muốn trở thành một người như vậy” - Chinh chia sẻ.
Khi ước mơ được tiếp sức
Không chỉ là lời cảm ơn cuộc thi đã tạo cơ hội để các bạn có thể chia sẻ, định hình rõ hơn giấc mơ nghề nghiệp tương lai, đi kèm với câu chuyện ước mơ là những hoạch định, hướng đi mà mỗi bạn tự phác thảo cho chính mình trên con đường hiện thực hóa ước mơ.
Con đường ấy không đơn độc, dẫu có khi bạn đang phải tìm lý do thuyết phục người khác tin vào “cơ sở hình thành ước mơ nghề nghiệp” của mình.
Con đường ấy ngoài việc học tốt để hoàn thành chương trình phổ thông còn là chiến lược “học siêu” các môn để vào được ngôi trường liên quan tới ngành nghề tương lai. Và đó còn là tìm tòi kiến thức từ bên ngoài, tìm hiểu và tự trang bị các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc sau này.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM cũng là trưởng ban tổ chức cuộc thi - anh Quách Hải Đạt - cho biết không chỉ là các lớp trang bị kỹ năng, hỗ trợ tối đa để các bạn thể hiện bản lĩnh qua từng vòng thi, ban tổ chức cuộc thi sẽ cố gắng kết nối để các bạn gặp được những nhân vật nổi tiếng, thành công của chính ngành nghề các bạn mơ ước.
Theo anh Đạt, được gặp những người thành công với nghề, tham gia làm quen, thực tập trong chính môi trường nghề nghiệp các bạn đang khát khao sẽ là cách tốt nhất để học hỏi kinh nghiệm và cũng là cơ hội tốt để ngọn lửa nghề đã được mỗi bạn tự thắp lên bùng cháy mãnh liệt hơn.
“Đam mê, khát khao nghề nghiệp đã sẵn có trong mỗi bạn rồi. Cuộc thi chỉ là cách chúng tôi đánh thức, tiếp sức, tạo thêm động lực để các bạn tự tin đi đến cùng, hiện thực hóa ước mơ của mình” - anh Đạt chia sẻ.
Từ gần 168.000 thí sinh thi trắc nghiệm, gần 9.800 bạn có kết quả cao đủ điều kiện tham dự vòng thi tự luận và 79 bạn nổi bật nhất đã được chọn vào bán kết. Để chuẩn bị tốt cho vòng thi này, các bạn đã được tập huấn một số kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, xây dựng tầm nhìn và lập kế hoạch thực hiện ước mơ, nói thuyết phục và ứng dụng công nghệ thông tin trong thuyết trình. Vòng bán kết sẽ diễn ra cuối tháng 1 này, chọn 30 thí sinh xuất sắc nhất vào chung kết để chọn ra năm thí sinh vào chung kết xếp hạng. Năm bạn này sẽ được thực tập, làm quen trong môi trường đúng với ngành nghề mình ước mơ trước khi bước vào trận chung kết cuối cùng để chọn ra người chiến thắng ở vị trí cao nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận