Mỗi dịp Noel về, các phong trào thiện nguyện của người trẻ lại rộn ràng. Một bạn trẻ hóa trang thành ông già Noel phát kẹo cho trẻ em trên đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Hải Thi |
Cũng chưa bao giờ những chương trình, dự án, cuộc thi kêu gọi lối sống tốt, sống tử tế... xuất hiện và được triển khai rầm rộ.
Tử tế đang là một cơn sóng có thể cuốn đi ít nhiều những bất công, khổ sở trong xã hội, hay chỉ cuộn lên rồi mất dấu như nhiều cơn sóng khác?
Phát sinh từ những bức xúc
Nhiều năm làm việc cho các tổ chức, dự án liên quan đến người trẻ, Thiện Trí nhìn thấy sự chuyển dịch trong xu hướng quan tâm: khoảng những năm 2010-2011 giới trẻ quan tâm nhất đến các vấn đề môi trường, hiến máu nhân đạo, sau đó nổi bật lên vấn đề công bằng và tiếng nói cho cộng đồng đồng tính chuyển giới. Ở thời điểm hiện tại, người trẻ sâu sát nhất với những vấn đề tử tế trong hành vi. Anh nhận định: sống tử tế, trung thực đang là một trào lưu thật sự. Nhưng con sóng có cuốn đi những tiêu cực đang tồn tại hay chỉ dậy lên rồi lướt qua vô vọng như những con sóng khác là câu chuyện cách làm. Và quan trọng hơn: nỗ lực của cộng đồng, cụ thể là người trẻ, tới đâu. |
“Quá đủ rồi!”, có một lúc Nguyễn Khánh Hưng (22 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phải thốt lên như vậy khi lật báo ra, mở mạng lên là cứ thông tin đen kịt, từ “hôi bia” đến “ném đá”, hành xử gian trá. Phản ứng của Khánh Hưng là phản ứng chung của những người trẻ ôm ấp lý tưởng được sống trong một môi trường tốt đẹp hơn. Họ sục sôi thôi thúc “phải làm gì đó”.
Với trường hợp của Hưng, anh đứng ra phụ trách khu vực miền Nam trong chiến dịch toàn quốc mang tên “Tử Tế Là”.
Khánh Hưng và đồng sự truyền đi những chiếc vòng có dòng chữ “Tôi chọn tử tế”, khuyến khích người nhận vòng thực hiện tối thiểu một việc tốt trong bốn ngày, chia sẻ câu chuyện của họ trên trang web của chiến dịch rồi trao vòng cho người khác. Nhóm thực hiện theo dõi hành trình của những chiếc vòng, khích lệ những câu chuyện đẹp được kể.
Trong khi đó, đầu tàu “Tử Tế Là” miền Bắc, anh bạn 24 tuổi Hoàng Đức Minh, sáng lập viên Tổ chức “Hành động vì tương lai”, chia sẻ trăn trở: “Dường như sự cảm thông ngày càng ít trong mối quan hệ giữa người với người. Bạn làm điều tốt theo công thức và “ném đá” cũng... theo công thức. Ít ai đặt mình vào hoàn cảnh người khác để làm điều đúng”.
Minh dẫn dụ: nghe đâu đó bão lũ, người ta ùn ùn cứu trợ mì gói, quần áo nhưng không mấy ai nhớ ra nước sạch, muối. Gặp người nghèo người ta vô thức đưa tiền. Nghe ai đó hát dở mà vô tư đăng clip lên mạng, người ta mặc sức chửi bới... Hình ảnh một xã hội khan hiếm sự thấu hiểu rõ dần trong mắt Minh, trong khi định nghĩa tử tế mỗi lúc một mờ nhạt.
Động lực để Lê Thiện Trí (cán bộ dự án thanh niên, Tổ chức Hướng tới minh bạch) nghĩ ra cuộc thi “Integrity Me - Sống liêm chính” khi nhận ra sự mâu thuẫn trong cách nghĩ và cách làm của thanh niên. Họ cần nhiều động lực hơn để làm điều đúng, thay vì chỉ muốn làm điều đúng.
Động lực đó cần sự hỗ trợ của truyền thông, và “Integrity Me - Sống liêm chính” được khởi xướng với hi vọng tập hợp được những ý tưởng truyền thông tốt nhất cổ động lối sống ngay thẳng, đàng hoàng.
Gần đây, rất nhiều nhóm thiện nguyện trẻ được tập hợp và hoạt động cần mẫn quanh năm. Họ trao quà cho trẻ em vùng cao, phát cháo, chăn mền cho người vô gia cư sống bên lề phố thị. Họ làm nên những cái tết ấm hơn và làm ngắn hơn những con đường đến trường.
Tất cả việc làm đó đang “vô tình hoặc cố gắng tạo ra một đối trọng, cân bằng lại hai cán cân tốt - xấu trong xã hội khi những cái xấu trông có vẻ nhiều hơn”, theo cách nói của Trần Văn Thuận (27 tuổi, hội trưởng Từ thiện Group).
Cũng theo Thuận, những hành động tốt không thể chỉ dừng lại ở hành động mà cần phải ăn sâu thành lối sống nhưng “hành động” có trở thành “lối sống” hay không thì còn phải chờ.
Đông tay vỗ nên kêu
Với sự trợ giúp của phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, việc kêu gọi cổ vũ lối sống đẹp, sống tốt càng trở nên dễ dàng. Ngày hôm trước, đội trưởng một nhóm thiện nguyện đăng thông báo “Cần gấp 20 tình nguyện viên cho chuyến phát quà chủ nhật này”, ngay hôm sau đã đủ số lượng người đăng ký.
Những hình ảnh chụp lại từ chuyến đi, khoảnh khắc đẹp nụ cười em thơ, giọt nước mắt người tình nguyện đăng tải sau đó càng lan truyền câu chuyện các bạn muốn kể. Tuy nhiên, với những thông tin xấu, mạng xã hội cũng làm điều tương tự, thậm chí làm tốt hơn.
Khánh Hưng còn nhớ khoảng thời gian Facebook của anh ngập tràn bài báo, bài viết phản ánh các hiện tượng tiêu cực do Hưng dẫn link về Facebook để lên án. Cho đến lúc nhìn vào màn hình máy tính không còn thấy điều gì tốt đẹp, anh nhận ra: dường như mình đang tiếp tay “phổ cập” cái xấu.
“Thật ra điều tốt vẫn tồn tại song song điều chưa tốt. Nhưng xu hướng thích chú ý vào các hiện tượng tiêu cực của phần đông người trẻ, trong đó có mình, đã vô tình làm nên khung cảnh cái xấu nổi trội hơn. Người ta mất niềm tin vào nhau thì cũng không còn đất sống cho sự tử tế” - Minh chiêm nghiệm.
Niềm tin là điều quan trọng với những người trẻ chọn con đường gieo mầm sống đẹp.
Theo Võ Ngọc Tú (24 tuổi, phó chủ nhiệm CLB Chuông gió), mặc dù trong số những bạn trẻ tham gia hoạt động thiện nguyện vẫn có một số chỉ tính đi cho vui, hoặc để lấy điểm công tác xã hội về nộp trường, hoặc do “ai cũng làm, mình không làm không giống ai”, nhưng phần đông các bạn hành động với tâm niệm cho đi không cần nhận lại.
Và tham vọng của những người khởi xướng như Ngọc Tú, Thuận hay Khánh Hưng, đó là tạo nên một cộng đồng những người trẻ tử tế trong cách nghĩ, lối sống.
Tú nói cụ thể: “Không phải bạn đi thiện nguyện thì nhiệt tình, nhưng về công ty, làm việc với đồng nghiệp, bạn lại có cách thể hiện kém tử tế”.
Không ai định nghĩa được tử tế một cách chính xác, nhưng các bạn chỉ ra sự tử tế từ những việc nhỏ nhặt nhất: lời cảm ơn người phục vụ bàn, thái độ vui vẻ nấu cơm cho gia đình, dừng xe đèn đỏ dù đang lưu thông trên đường lúc 3g sáng.
Nét đẹp ở người trẻ Chiều chủ nhật vừa rồi, khi kết thúc buổi nói chuyện chuyên đề tại tiền sảnh Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, phần đông khách đến dự đứng dậy ra về, nhưng vẫn còn khá nhiều bạn trẻ nán lại giúp ban tổ chức xếp gọn hàng trăm chiếc ghế nhựa trước đó dùng để ngồi. Trong số ấy có rất nhiều bạn nữ. Họ làm một cách tự nhiên, vô tư như một phản xạ có điều kiện. Nhìn họ thể hiện, tôi hiểu đây không phải lần đầu tiên. Những chồng ghế được chất ngay ngắn không chỉ giúp bộ phận phục vụ đỡ vất vả, mà còn là thông điệp từ các bạn trẻ rằng thanh niên ngày nay vừa biết sống hiện đại, sống đẹp, sống có ích. Tôi cũng thừa nhận vẫn còn một số “con sâu làm rầu nồi canh”, có những bạn trẻ thản nhiên thả cần câu xuống khu vực “cấm câu cá”, hay đùa nghịch trên thảm cỏ xanh mượt dù đã có tấm bảng “không giẫm đạp trên cỏ”. Thế nhưng hình ảnh tiêu cực ấy mỗi ngày một ít đi, nhường chỗ cho những nghĩa cử cao đẹp mang tên người trẻ. Câu chuyện văn hóa ở Nhà văn hóa Thanh niên vừa qua mới chỉ là một trong nhiều minh chứng. Nếu ai đó bi quan rằng lớp trẻ bây giờ chỉ biết sành điệu, vùi đầu trong “thế giới phẳng” thì nên nghĩ lại. Họ chính là những bạn trẻ ở Hà Nội tự động đến các hồ nước mang theo tấm bảng “thả cá, không thả túi nilông”. Họ cũng là ba chàng “ngự lâm” của thiện nguyện ở Quảng Ngãi, với ba nghề nghiệp khác nhau (Tuổi Trẻ ngày 30-11), song cùng chung lý tưởng sống “mình vì mọi người”. Sự “lột xác” trong nhận thức của thế hệ 8X, 9X không phải ở lý thuyết giáo điều mà từ những hành động thiết thực nhất. Tôi tin rằng họ đã thành “nhân” trước khi thành “tài”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận