Ông Hoàng Quốc Quyền, giám đốc dự án Trường Hy Vọng (Hope School), kể lại về những ngày đầu như vậy khi được hỏi tại sao chọn Đà Nẵng làm nơi đặt Trường Hy Vọng. Trường đang chăm sóc, nuôi dưỡng 200 trẻ mồ côi vì đại dịch COVID-19 đến từ 41 tỉnh thành trong cả nước.
Nề nếp
* Hơn một năm trước chúng ta gặp nhau ở đây và hôm nay cũng chính tại nơi này, các em ở Trường Hy Vọng đã có sự chuyển biến như thế nào, thưa ông?
- Bạn tưởng tượng một ngôi nhà đến từ mấy trăm ngôi nhà khác. Một ngôi nhà đến từ 41 tỉnh thành, có nơi nóng, nơi lạnh... về ở với nhau. Ngôi nhà có mọi lứa tuổi, từ lớp 1 đến lớp 11, 12. Mỗi bạn đến đây có một nếp khác. Chúng tôi có một bức tranh đa sắc màu.
Muốn thay đổi, muốn làm được thì đầu tiên các bạn ấy phải giống nhau. Tất cả phải thuộc 10 lời thề, tất cả đều thuộc slogan của Hope trung thực - kỷ luật và đoàn kết. Cùng nhau dậy tập thể dục lúc 5h sáng, cùng chạy, cùng chơi, cùng làm vườn, cùng ăn và đi ngủ cùng giờ...
Năm đầu tiên là bình tĩnh về nề nếp. Bắt đầu xây dựng ngôi nhà, ngôi trường phải có móng: nề nếp. Sau khi có nề nếp sẽ phát triển nâng cao các điểm mạnh của mỗi cá nhân. Như kỳ vừa rồi, có những bạn hồ sơ đến đây chỉ học trung bình nhưng sau một năm đã thi đoạt giải của thành phố và nhiều giải thưởng khác. Có một tuyển đi thi robot.
Và đội tuyển của Hope cũng khác tất cả các đội khác, 6 em đến từ 5 tỉnh, 3 dân tộc. Tất cả các em chưa biết robot, chưa biết lập trình nhưng về đây các em được thầy cô dạy và tự tin đi thi, đứng thứ 50/200...
Đó chỉ là một vài ví dụ. Sau một năm, từ những đứa trẻ đồ đạc lộn tùng phèo, nay phòng ốc, chăn mền, áo quần sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
* Đến với Trường Hy Vọng, các em được trang bị những gì?
- Các bạn được sống với nhau như anh em. Học văn hóa, kỹ năng, huấn luyện, làm việc, học tự phục vụ bản thân, giúp đỡ người khác. Mỗi một phòng có bốn bạn, có anh lớn, em nhỏ. Các hoạt động theo cấu trúc tiểu đội, trung đội, anh lớn quản em nhỏ. Các em được dạy, được đào tạo các kỹ năng sinh tồn, ăn ngủ rừng, bơi lội, đạp xe...
Tất cả những bài tập, phương pháp của thầy, cô chỉ mong các bạn hòa đồng với thiên nhiên, yêu và lớn lên cùng thiên nhiên, giúp các bạn vững vàng hơn, mạnh khỏe hơn và đi tốt hơn.
* Những ngày tháng đã qua, điều gì là khó khăn nhất với các em, các thầy, cô và ông?
- Khó nhất là thời gian. Các em ở đây đang được ươm mầm. Một cái cây muốn lên được là phải chăm hằng ngày. Chúng ta có thể thấy một bạn trẻ đi thi đạt năm, sáu huy chương vàng. Đó là bề mặt. Nhưng để có huy chương đó là hành trình có đau ốm, vất vả...
Bố mẹ các em đã mất trong đại dịch. Hope như nhận phần trách nhiệm của bố mẹ và niềm vinh hạnh được trao cho thầy, cô. Ai cũng có quyền hy vọng. Phải gieo nó, chăm nó bằng thời gian, công sức.
Thầy, cô cũng phải học
* Ông có chia sẻ trên Facebook nhiều câu chuyện, rằng chính các thầy, cô cũng phải học. Tại sao vậy?
- Các thầy, cô đến đây cũng lớn lên cùng tụi nhỏ. Nhiều thầy, cô chưa lập gia đình, chưa một lần sinh con. Tôi mới nói là tập làm bố mẹ trước khi sinh con. Rất khó! Khi anh đã có con, chúng ốm đau gì anh cũng biết, vì anh đã trải qua. Còn các thầy, cô ở đây chưa một lần. Chưa kể là rất nhiều các em là nhiều hoàn cảnh, nhiều vùng miền, nhiều tính cách.
Đến đây để sống cùng nhau, hiểu nhau, hành động được với nhau phải có giá trị, có lời thề, có quy định, có huấn luyện, đào tạo, vui chơi.
Và chính thầy, cô cũng phải học để cùng lớn lên với các em. Tôi nghĩ chỉ thầy, cô của Hope chưa đủ mà cần hơn nữa sự tham gia của mọi người, ví như những người giỏi tiếng Anh, lập trình, nghệ thuật, thể thao... đều có thể đến chia sẻ với các bạn nhỏ.
* Như vậy Hope luôn rộng cửa đón những người bạn mới, từ nghệ sĩ, bác sĩ, nhà văn, người bán phở... Điều đó hẳn là rất có ý nghĩa với các em?
- Anh Bình dặn chúng tôi ai đến nhà cũng quý. Từ khách quốc tế, giáo sư trong và ngoài nước, chủ doanh nghiệp, nhà văn, bác sĩ..., mỗi người đến với Hope mang đến một câu chuyện về cuộc đời họ.
Để làm gì? Để những đứa trẻ được học qua chính sự trải nghiệm cuộc đời của những "người bạn", chứ không phải là sự bi thương hay thương hại. Đó là cách học của Hope, học qua trải nghiệm.
* Đó cũng là một trong những cách để bù đắp những mất mát của các em?
- Không! Tôi nghĩ đó là cách những đứa trẻ của Hy Vọng học trở thành những "chiến binh". Đó là một cách học, học qua trải nghiệm. Để ý nghĩa hơn và có động lực bước tiếp, cần nhiều câu chuyện hơn.
Có những học sinh học giỏi, ba lần huy chương vàng quốc gia đến đây và chia sẻ về chuyện học. Họ đến đây cùng chơi, làm vườn, đá bóng, kể các câu chuyện với các em. Mỗi người góp một tay, dạy cho các bạn ấy. Có một đứa trẻ tốt, cần cả một ngôi làng.
* Ông mong ước gì với Trường Hy Vọng?
- Nó đang mang tên là Hy Vọng và chúng tôi hay đùa rằng trường chẳng có gì ngoài hy vọng. Hy vọng những đứa trẻ bình an, tốt lên, thêm nhiều kết nối, hy vọng các em được đi khắp muôn nơi...
* Ông HOÀNG QUỐC QUYỀN:
Lớn lên cùng các em
Nhiều đứa trẻ buổi chiều mới ra Đà Nẵng, nhớ nhà da diết, nhớ bố nhớ mẹ, nỗi nhớ không gọi được bằng tên. COVID-19 đột ngột quá. Có nhiều em mang theo chiếc gối của bố khi bố đã mất, mang theo đôi dép mà mẹ đã tặng. Mang theo để nuôi tiếp hy vọng, gieo nỗi nhớ để có sợi dây gắn kết. Tôi yêu quý điều đó.
Các bạn có 1-2 đứa con, nhưng ở đây chúng tôi có rất nhiều, nếu không học cách lớn lên cùng các em, làm sao chúng ta biết được. Phải ngồi xuống nói chuyện với chúng. Một trong những cách để các bạn đi qua khó khăn là phải đương đầu, không lẩn tránh...
Các em cũng sẽ lớn lên, sẽ mọc mụn, dậy thì... chúng tôi phải chuẩn bị. Phải dạy hết cho các em. Trường học học văn hóa là một phần. Còn cuộc sống, trường đời. Một đứa trẻ lớn lên, hoàn thiện, biết yêu quý, trân trọng mọi điều, ngoài nhà trường, gia đình quyết định phần lớn.
Thế giới bên ngoài có xâm lấn điều xấu không? Có chứ. Tụi mình dạy cách chúng đi qua, nhưng không phải ngày một ngày hai, mà cả quá trình, để tự phòng vệ. Bài học hằng ngày là những "vắc xin" để các em tự phòng vệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận