Phóng to |
Cô giáo Cao Thị Mỹ Hiền (người Rắk Lây) đang dạy học sinh lớp 4 |
Vượt khó bằng lòng yêu nghề
Từ đầu đến cuối xã Khánh Thành hiếm lắm mới có căn nhà xây hai tầng, còn chủ yếu là nhà cấp bốn lụp xụp. Người dân quanh năm độc canh mỗi cây mì (cây sắn), lúc nông nhàn chỉ biết ngồi ở nhà ngóng núi, kỹ thuật canh tác chẳng có gì, toàn xã có trên 90% đồng bào Rắk Lây. Vùng đất này hầu như biệt lập với các vùng khác bởi sự ngăn cách của núi rừng. Chúng tôi ghé thăm Trường tiểu học Khánh Thành khi mặt trời đã xế bóng. Như lâu lắm mới có khách lạ đến, hiệu trưởng Lê Thị Tiết vồn vã: “Anh thấy đấy, ở miền sơn cước này rất ít người lạ đến, nhất là báo chí. Giờ thì đỡ nhiều rồi chứ cách đây năm năm, đường vào Khánh Thành khổ lắm”.
Suốt hơn 20 năm bám lấy vùng sơn cước này để gieo chữ, hiệu trưởng Tiết không nhớ nổi bước chân mình đã đi qua bao nhiêu bản làng để vận động học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp. Cô Tiết kể: “Khi mới về nhận công tác ở vùng sâu này, khắp nơi đều là rừng rậm, chỉ có vài con đường mòn. Nhưng rồi lòng yêu nghề và nỗi ray rứt trước ánh mắt như muốn níu kéo của những đứa trẻ Rắk Lây đã giữ chân tôi ở lại. Thoắt đó mà đã hơn 20 năm rồi, bao lớp học trò đã trưởng thành”.
Nhớ lại những ngày đầu đến Khánh Thành, hiệu phó Nguyễn Tuấn Thành cũng bộc bạch: “Khi mới ra trường, tôi đã hăm hở xung phong đi miền núi công tác. Lúc chưa đặt chân lên đây trong đầu tôi cũng không thể hình dung được cuộc sống của người dân, rồi con em họ đến trường lại vất vả đến thế. Lúc đó cũng nản lắm nhưng rồi dần quen và thương yêu học sinh nên gắn bó đến giờ”. Sau bao nhiêu năm cắm bản gieo chữ, cô Tiết và đồng nghiệp chẳng khác nào người dân bản địa thực thụ. Họ đã thuộc làu từng con đường, từng thôn bản, từng nóc nhà của những bản làng.
Sáng học sinh nghỉ, tối giáo viên đến nhà
Một trong những khó khăn lớn nhất của giáo viên ở Khánh Thành là vận động học sinh đến lớp, bởi phần lớn gia đình người dân tộc Rắk Lây rất ít quan tâm đến việc học của con em mình. Khắc phục tình trạng này, trường phải áp dụng nhiều biện pháp cùng một lúc: Sáng học sinh nghỉ học thì tối giáo viên phải đến nhà hỏi thăm lý do và vận động đến lớp ngay. Với học sinh chưa đến lớp thì phân tích cho phụ huynh hiểu lợi ích của việc học để họ không ngăn cản con mình đến lớp. Học sinh yếu kém, chán học thì các giáo viên thường xuyên tổ chức dạy phụ đạo để các em vươn lên bằng bạn bè.
Khi mới về nhận làm chủ nhiệm lớp 1, ngày nào học sinh cũng trèo lên bàn ngồi chơi và đòi về nhà, giáo viên Đinh Thị Kim Trang đã suýt phát khóc và có ý muốn bỏ trường. Nhưng rồi được sự động viên kịp thời của đồng nghiệp, cô như được tiếp thêm đam mê nghề nghiệp, xem học sinh gần gũi như chính người nhà của mình. Cô cho biết: “Nếu mình chỉ cần lơ là không quan tâm sâu sát là các em bỏ học ngay, mà bỏ hai hôm là chán, rất khó vận động trở lại lớp. Cái khó ở Khánh Thành là hầu hết gia đình phụ huynh không có điện thoại nên muốn thông báo hay liên lạc gì phải đến tận nhà, nhiều khi phải đến mấy lần mới gặp được phụ huynh. Có người phải vận động cả buổi họ mới cho con đi học. Hầu hết học sinh, sau giờ lên lớp về nhà đều nói tiếng Rắk Lây nên vốn tiếng Việt các em học rất nhanh quên”.
Năm học 2011- 2012, Trường Rắk Lây còn lồng ghép phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cơn mưa nặng hạt ngớt dần, nhìn ra phía cánh rừng già bao bọc những bản làng Rắk Lây, từng tốp thiếu niên nheo nhóc túa ra nô đùa dưới mưa. Một giáo viên tâm sự: “Ký ức tuổi thơ của các em thiếu thốn nhiều lắm. đồ chơi chỉ là những thứ phế liệu người ta bỏ đi, ngoài thời gian học các em chỉ biết làm bạn với rừng, rẫy. Cứ nhìn đó thì thấy, ai cũng phải nao lòng”.
Khơi dậy những ước mơ
Khó khăn là thế, nhưng trong sâu thẳm tiềm thức của không ít học sinh ở Trường Rắk Lây, tôi biết vẫn luôn tồn tại một ước mơ vươn lên trong việc học. Em Pi Năng Thiêm, học sinh lớp 5, giãi bày: “Cháu muốn lớn lên sẽ làm thầy giáo của bản mình. Cháu còn ước mơ trẻ con ở những làng Rắk Lây này có đồ chơi đẹp giống các bạn ở phố”.
Hiệu trưởng Tiết cho biết thêm: “Vì gần gũi các em nên phát hiện em nào có năng khiếu gì, chúng tôi sẽ bồi dưỡng ngay. Các học sinh vươn lên học giỏi chúng tôi sẽ trao thưởng kịp thời để khích lệ các em và làm gương cho các em khác noi theo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn giảng giải cho các em nghe nhiều câu chuyện ý nghĩa về việc học trong các giờ ngoại khóa, qua đó ước mơ của các em như được tiếp sức”. Là một người dân tộc Rắk Lây chính gốc, giáo viên Cao Thị Mỹ Hiền xúc động nhớ lại: “Hồi đó tôi cũng học khá nhưng nếu không có các thầy cô động viên thì ước mơ thành cô giáo của tôi đã không thành hiện thực. Giờ quay về bản làng gieo chữ cho chính con em đồng bào mình cũng là ước vọng của tôi. Từng ngày đứng trên bục giảng tôi luôn khao khát tất cả những đứa trẻ học thật giỏi, để về làm giàu cho quê hương”.
Chính vì lòng nhiệt huyết không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên mà trong năm học 2011-2012, trường có 11% học sinh giỏi, trên 30% học sinh tiên tiến, 100% học sinh lớp 5 đều tốt nghiệp tiểu học. Trong năm học 2012-2013 này, Trường Rắk Lây đã vận động được gần 250 học sinh là con em đồng bào Rắk Lây đến lớp, 100% cán bộ giáo viên trong trường có phẩm chất đạo đức nhà giáo, có chuyên môn vững vàng. Tất cả giáo viên đã biết vận dụng linh hoạt các chương trình, soạn giảng cho nhóm đối tượng. Vì đồ dùng học tập hạn chế nên các giáo viên còn thi đua tăng cường tự làm đồ dùng dạy học và sử dụng có hiệu quả đồ dùng được cấp phát, để không ngừng nâng cao hiệu quả giờ dạy.
Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận