02/04/2023 23:15 GMT+7

Giếng cổ giải khát cho 8.000 dân trên xã đảo

Xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nằm tách rời trên một hòn đảo nổi. Người dân ở đây tới nay bao đời vẫn lưu giữ và sử dụng hai giếng cổ sâu chừng 10 mét nhưng là tài sản vô giá.

Giếng cổ giải khát cho 8.000 dân trên xã đảo - Ảnh 1.

Giếng cổ nằm ở hướng bắc đảo Tam Hải - Ảnh: B.D.

Từ trung tâm xã đảo Tam Hải đi theo tuyến đường bê tông hướng lên thôn Thuận An ở mũi Bàn Than và hỏi hai giếng cổ thì sẽ được người dân chỉ đường tới nơi.

Trên một khoảng đất được dọn dẹp sạch sẽ, một chiếc giếng miệng tròn, thành giếng xây bằng bê tông, nước sâu hun hút và trong vắt. Đây là một trong hai giếng cổ được giữ hàng trăm năm qua và được bà con xã đảo sử dụng.

Nhìn bên ngoài, giếng nước cổ này không có sự khác biệt nào. Vật liệu được xây bằng gạch, hình miệng giếng khoét tròn, được người dân bỏ công sức ra tu bổ qua một số lần, mỗi lần cách nhau hàng chục năm. 

Người dân ở Tam Hải cho biết khác với các giếng thông thường, phần đáy giếng có một hang sâu ăn ngang lòng đất.

Ông Đỗ Phụng - người dân thôn Thuận An, xã Tam Hải - nói rằng từ lâu ông được bà con giao nhiệm vụ xuống "khảo" (kiểm tra, nạo vét) lớp bùn dưới đáy giếng. Lần đầu tiên xuống, ông khá kinh ngạc khi thấy một đường hầm khoét sâu, đi ngang theo mạch nước, dài nhiều mét.

Theo các bậc cao niên, từ xa xưa người Tam Hải đã thấy hai giếng nước này tồn tại. Giếng cấp nước sạch cho người dân dùng quanh năm, dù đỉnh điểm mùa hạn nguồn nước có lúc bị cạn.

Giếng cổ giải khát cho 8.000 dân trên xã đảo - Ảnh 2.

Giếng cổ ở hướng nam nằm cách giếng hướng bắc một quãng không xa - Ảnh: B.D.

Ngoài giếng ở hướng bắc còn có một giếng khác nhỏ hơn nằm ở hướng đối diện, cách một quả đồi với khoảng cách hai bên chừng 200 mét, người dân gọi là giếng Bắc và giếng Nam.

Người dân ở đây nhiều thế hệ giữ gìn và sử dụng hai giếng cổ này, nhưng chưa ai biết chính xác giếng có tự bao giờ.

Xã đảo chưa có nước máy từ đất liền cấp ra, bà con phải mua nước bình hoặc tự đào giếng nhưng tất cả giếng tự đào đều bị nhiễm phèn, mặn. Nguồn từ hai giếng cổ vẫn là nước chủ yếu "giải khát" cho hơn 8.000 dân xã đảo.


Giếng cổ giải khát cho 8.000 dân trên xã đảo - Ảnh 3.

Nước lấy từ giếng cổ có thể uống trực tiếp - Ảnh: B.D.

Để quản lý tốt tài sản vô giá này, người dân xã đảo Tam Hải tự thỏa thuận và cắt cử nhau coi sóc giếng, phân phối nguồn nước.

Những hộ dân quanh khu vực giếng được dùng miễn phí, người ở xa tới thì đóng góp 1.000 đồng cho mỗi lần lấy nước. Số tiền góp được sẽ dùng để tu bổ, sửa sang lại giếng theo từng năm.

Toàn xã đảo Tam Hải có 2.500 hộ dân với khoảng 8.000 người. Tam Hải không còn là làng biển đơn thuần mà càng ngày có thêm nhiều khách du lịch lui tới để khám phá giếng cổ, các thắng cảnh như Bàn Than, rừng dừa tự nhiên…

Đến đây du khách thích thú nhất là các ngôi làng nằm san sát nhau với từng lối đi nhỏ dẫn vào từng khu dân cư, sinh hoạt của người dân vẫn giữ được sự mộc mạc, bình yên.

Xã đảo Tam Hải tan hoang sau lốc dữXã đảo Tam Hải tan hoang sau lốc dữ

TTO - Sau năm ngày cơn lốc xoáy kinh hoàng quét qua làng biển xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, nơi đây giờ chỉ còn cảnh tượng hoang tàn, buồn đau bao trùm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên