07/06/2013 16:20 GMT+7

Giấy khai sinh "đăng ký quá hạn": bao giờ đến hạn sửa chữa?

dinhthang
dinhthang

TTO - Bốn chữ "đăng ký quá hạn" trên giấy khai sinh đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc. Bạn đọc tiếp tục đặt ra những câu hỏi bao giờ quy định bất hợp lý này được chỉnh sửa, các cơ quan thực thi có nghĩ đến tương lai con trẻ khi ban hành, thực hiện quy định này?

J8SvrZzY.jpgPhóng to
Những giấy khai sinh bị ghi chú “đăng ký quá hạn”

TTO xin trích đăng:

Sửa ngay nếu thấy không hợp lý

+ Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp không hợp lý. Theo thông tư số 08.a/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp, cán bộ hộ tịch cần phải ghi vào mục ghi chú các loại việc thực hiện như: đăng ký đúng hạn, đăng ký quá hạn, đăng ký lại, cấp lại bản chính... Nhưng hướng dẫn này tôi cho là không hợp lý. Vì chỉ có thể ghi chú: đăng ký lại, cấp lại bản chính chứ không nên ghi chú đăng ký đúng hạn, đăng ký quá hạn. Việc đăng ký quá hạn đã được xử phạt và nếu cần, ghi chú trong sổ hộ tịch.

Trên giấy khai sinh cũng như các loại giấy tờ khác, ghi chú này là không hợp lý và rất phản cảm. Hướng dẫn này thể hiện cách làm rập khuôn, máy móc của cơ quan ban hành văn bản (Bộ Tư pháp). Việc ghi chú quá hạn vào giấy khai sinh cũng thể hiện cách làm rập khuôn, máy móc của cơ quan cấp dưới. Thấy không hợp lý mà không đề xuất thay đổi, chỉ biết làm đúng theo quy định.

Mặt khác, nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn này thì tất cả các giấy khai sinh (cũng như các mẫu biểu khác cùng được ban hành trong thông tư này) được khai đúng hạn cũng phải được ghi chú là "Đăng ký khai sinh đúng hạn".

buratono@...

+ Đã phạt bằng tiền còn phạt thêm trên giấy? Mức nộp phạt của người đăng ký chậm trễ đã nói lên trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật của họ rồi. Việc ghi trên giấy khai sinh là không cần thiết, nó sẽ mang nội dung đó trong suốt cuộc đời khi cần sử dụng đến giấy khai sinh của đứa bé. Theo tôi, chỉ cần ghi theo dõi trong sổ sách của cán bộ hộ tịch là đủ.

bangtam@..

+ Tôi không hiểu việc quy định ghi chú "quá hạn" lên giấy khai sinh, giấy chứng tử như hiện nay với mục đích gì? Cơ quan chức năng muốn răn đe người dân chăng, hay để phân loại? Nếu nói răn đe thì người dân đã đóng phạt, nếu nói để phân loại thì phân loại làm gì? Còn muốn phân biệt quá hạn hay không chỉ cần dựa vào ngày cấp giấy và ngày tháng năm sinh cũng đã biết.

nst1201@...

+ Việc lập thủ tục hay phân loại hồ sơ là công việc của ngành tư pháp, không hề liên quan đến giấy khai sinh gốc của các cháu. Nếu ghi hẳn vào đó là "chậm đăng ký" thì đây là việc làm sai trái của cả ngành tư pháp. Cần sửa ngay!

Quang Hà (lehahn200@...)

+ Những quy định do chúng ta đặt ra, thấy không còn phù hợp hay phản cảm thì nên thay đổi ngay. Có thể sau này đứa trẻ sẽ phiền lòng cha mẹ vì dòng chữ này. Khi ra văn bản gì cũng cần suy nghĩ kỹ, bảo đảm tính nhân văn, vì quyền con người.

ahd1957@...

+ Có cần thiết hay không? Các nhà làm luật có suy nghĩ thấu đáo hay chưa? Nếu thấy sai, không hợp lý thì nên thay đổi giấy mới gấp cho người ta.

Hausongtra@...

+ Con tôi khai sinh trễ hạn 10 ngày cũng bị như thế này! Lúc cầm tờ khai sinh của con, tôi thực sự rất sốc, dù sao đây cũng là giấy tờ quan trọng đầu đời của con tôi! Chỉ có thể nói là ngành tư pháp VN làm việc quá vô cảm! Phạt thì đã nộp phạt rồi, tại sao còn ghi lên tờ giấy khai sinh những dòng chữ vô cảm như thế?

Khi các bé lớn lên, chúng sẽ nghĩ gì?

Hồng Chi (tthchi@...)

Việc địa phương ghi chú “đăng ký quá hạn” lên giấy khai sinh khi đi khai sinh quá hạn là đúng theo hướng dẫn tại thông tư số 08.a/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

Trước đây có một phụ nữ Pháp đã hỏi tôi tại sao giấy khai sinh của con nuôi bà lại có dòng chữ “đăng ký quá hạn”. Cá nhân tôi cũng cho rằng không nên ghi chú như vậy lên giấy khai sinh của trẻ. Tuy nhiên tôi chưa thấy địa phương nào phản ánh lên Bộ Tư pháp về điều này.

Tôi khẳng định dù có dòng chữ này hay không thì giá trị pháp lý của giấy khai sinh không thay đổi. Việc bảo đảm quyền đăng ký khai sinh đúng hạn cho trẻ em là trách nhiệm của người lớn và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu quy định, áp đặt việc này để thuận tiện cho cơ quan nhà nước thì chưa đủ tính thuyết phục.

Dư luận đã có ý kiến thế này thì chắc chắn cục chúng tôi với tư cách là đơn vị tham mưu sẽ báo cáo lên Bộ Tư pháp để bộ xem xét có nên tiếp tục ghi chú quá hạn lên giấy khai sinh hay không, hoặc phải sửa đổi thông tư. Ví dụ có thể ghi chú việc khai sinh quá hạn vào sổ hộ tịch, hoặc xử phạt bố mẹ nếu khai sinh muộn... chứ không cần thiết phải ghi trên giấy khai sinh, vì việc này giống như bắt trẻ phải mang án phạt suốt đời, sẽ gây phản cảm cho đứa trẻ khi lớn lên.

Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch chứng thực, Bộ Tư pháp)

dinhthang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên