Hai giấy chứng nhận tiêm chủng giả trong một vụ án do tòa án quận Mỹ ở bang California cung cấp - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AP ngày 9-8, giảng viên và sinh viên hàng chục trường tại Mỹ cho biết họ đang lo ngại vấn nạn học sinh sinh viên dùng giấy chứng nhận tiêm chủng giả để được đến trường.
Theo AP, một tài khoản có tên "vaccinationcards" trên mạng xã hội Instagram đã bán giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 với giá 25 USD/tờ cho những người từ chối tiêm vắc xin. Một người dùng trên Telegram cũng rao bán giấy chứng nhận COVID-19 giả với giá 200 USD.
Ngày càng nhiều người rao bán lẫn tìm mua giấy chứng nhận giả trên mạng xã hội, trong đó có những người muốn có giấy chứng nhận để được đến trường học.
Một người dùng trên diễn đàn Reddit bình luận trong một chủ đề về giấy chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19 giả: "Tôi cũng cần một cái cho trường học. Tôi từ chối trở thành chuột thí nghiệm".
Trên Twitter, một người dùng chia sẻ: "Con gái tôi đã mua 2 chứng minh thư giả (ID) trên mạng với giá 50 USD khi đang học đại học. Vận chuyển từ Trung Quốc. Có ai biết đường dẫn (link) mua giấy chứng nhận vắc xin không?". Đã có hơn 70.000 lượt chia sẻ bài đăng của người dùng nói trên.
Cho tới nay, theo AP, có ít nhất 675 trường đại học và cao đẳng ở Mỹ yêu cầu giấy chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19. Thủ tục ở nhiều trường rất đơn giản, chỉ yêu cầu sinh viên đăng hình giấy chứng nhận lên cổng thông tin dành cho sinh viên.
Tại thành phố Nashville, bang Tennessee, ĐH Vanderbilt sẽ giữ lại đơn đăng ký khóa học của sinh viên cho đến khi họ có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc được miễn trừ do vấn đề sức khỏe hay tôn giáo.
Trong khi đó, ĐH Michigan cho biết trường có hệ thống xác nhận việc tiêm chủng của nhân viên và sinh viên. Một phát ngôn viên của trường cho biết đến nay họ không gặp vấn đề gì với việc buộc sinh viên trình giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, ông Benjamin Mason Meier, giáo sư chính sách sức khỏe toàn cầu tại ĐH North Carolina (UNC) ở đồi Chapel, nghi vấn cách các trường xác nhận các giấy chứng nhận COVID-19.
"Mỹ, không giống như hầu hết các quốc gia có hệ thống điện tử khác, đang phải dựa vào một tờ giấy mỏng manh để chứng nhận tiêm chủng" - ông Meier nói.
Ông Meier cho biết ông đã trò chuyện với nhiều sinh viên đang lo lắng về giấy chứng nhận giả và họ nói với ông rằng họ biết một sinh viên đã nộp giấy giả cho trường UNC.
Theo giáo sư Meier, phải có chính sách để đảm bảo mọi sinh viên đều hành động vì lợi ích chung của trường học. UNC cho biết đang tiến hành xác minh các giấy chứng nhận và có thể kỷ luật sinh viên vi phạm.
Bà Rebecca William, làm việc tại Trung tâm Ung thư toàn diện Lineberger của UNC, cho biết bà lo ngại nhưng không ngạc nhiên trước vấn nạn giấy chứng nhận giả.
"Đây là lý do vì sao tôi nghĩ việc phát triển một ứng dụng hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số quốc gia đáng tin cậy là rất quan trọng" - bà William nói.
Tháng 3-2021, lo ngại về giấy chứng nhận COVID-19 giả đã thúc đẩy Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ ban hành tuyên bố chung với Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh (DHHS) Mỹ kêu gọi mọi người không mua, làm hay bán giấy chứng nhận vắc xin giả.
Đến tháng 4, một liên minh lưỡng đảng gồm tổng chưởng lý của 47 bang đã gửi một lá thư tới các CEO của Twitter, Shopify và eBay yêu cầu gỡ các quảng cáo hay đường dẫn (link) bán giấy chứng nhận giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận