Giàu - nghèo trong CPTPP 

DANH ĐỨC 17/03/2018 01:03 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã được ký kết hôm 8-3. Có rất nhiều cách nhìn về hiệp định này cùng những tác động của nó, trong đó có cái nhìn của Ngân hàng Thế giới (WB) từ góc người nghèo vốn là số đông.

Các hiệp định thương mại tự do giống như một trò đi dây phần thưởng cao. Ảnh: The Economist
Các hiệp định thương mại tự do giống như một trò đi dây phần thưởng cao. Ảnh: The Economist

 

Đàm phán từ cái khung TPP-12 (khi Mỹ chưa rút ra) cho tới khi trở thành TTP-11 (tức CPTPP) là một minh chứng nữa cho tính quyết liệt thương trường: nước nào cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình; và hưởng lợi thêm. Bên trong mỗi góc nhìn đó, có những cặp mắt lạc quan cũng như những cặp mắt tiên liệu.

Từ báo cáo của WB

Báo cáo “CPTPP mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp và thúc đẩy cải cách trong nước” của WB Việt Nam ước đoán:

(1) “Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”;

(2) “Dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động”;

(3) “Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Ở đây vấn đề là các ước đoán của WB là một kết quả tính toán theo các mô hình mà WB có liệt kê, còn chuyện tự phát triển như thế nào đó để thực sự tham gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu mới chỉ là một ước ao. Dẫu sao, WB cũng có gợi mở chút ít qua ý “khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa” vừa như kết quả của việc các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia, vừa là điều kiện của sự tham gia đó.

Lấy ví dụ, các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước sẽ tự chuyển biến như thế nào để có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ vẫn tiếp tục lắp ráp gia công, hay sẽ chuyển sang sản xuất? Để chuyển sang sản xuất sẽ cần đến nhiều đóng góp vượt bậc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng và phụ trợ, mà hiện mới chỉ loanh quanh đâu đó trên xe, như vỏ xe, bộ ghế...

Trong thời đại xe hơi ngày càng thông minh, liệu sẽ có một doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nào lao vào nghiên cứu các phần mềm điều khiển chân ga, hay hiển thị nhiên liệu và hơn thế nữa? Thành ra, WB có lý khi mới nói tới “có cơ hội tham gia”. Từ đó tới thực sự tham gia còn là một hành trình dài.

Trong một ví dụ khác, CPTPP không có yêu cầu cụ thể nào với các nước thành viên trong việc thay đổi luật và thông lệ với dược phẩm mới, gồm cả chế phẩm sinh học, nghĩa là từ nay việc sản xuất các thuốc generic (sao công thức của một biệt dược gốc đã hết bảo hộ bản quyền, giúp giá thuốc giảm mạnh) sẽ không gặp nhiều khó khăn như trước.

Đây chính là một cơ hội cho các doanh nghiệp dược phẩm trong nước, vốn chủ yếu loại nhỏ và vừa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua những tiêu chuẩn “thực hành sản xuất tốt” như GMP. Trên thế giới, từ lâu rồi một số quốc gia (như Ấn Độ) chuyên sản xuất thuốc generic đã ghi danh vào chuỗi tên tuổi khả nghi hơn là vào chuỗi giá trị toàn cầu, vì sản xuất thiếu trung thực.

Việt Nam cần tránh vết xe đổ đó nếu định đi con đường thuốc generic. Trên bình diện chung, sự đảm bảo chuẩn GMP trong sản xuất thuốc còn góp phần giải tỏa những băn khoăn sống còn của mấy chục triệu người dân, khi trị giá toa thuốc mà bệnh viện được cấp cứ giảm xuống theo năm tháng!

Thay đổi bắt buộc?

Một quan chức Bộ Công thương đã phân tích khác biệt giữa CPTPP và TPP: “Nội dung của CPTPP đã được điều chỉnh theo hướng thuận lợi hơn cho các nước tham gia trong bối cảnh Mỹ không tham gia. Cụ thể, Việt Nam sẽ có lộ trình dài hơn để thực thi một số nghĩa vụ khó, thậm chí một số nghĩa vụ khó còn tạm hoãn chưa phải thực thi cho đến khi có sự quay trở lại của Mỹ.

Về cơ bản, đó là những nghĩa vụ mà trước đây Mỹ đã đề nghị trong quá trình đàm phán, như những cam kết về sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn, cam kết về đầu tư...”.

Nhưng cũng có những cảnh báo: “Mặc dù đã có điều chỉnh nhưng tiêu chuẩn vẫn rất cao. Đặc biệt, những cam kết về mở cửa thị trường được giữ nguyên như hiệp định TPP”. Và ông khuyến cáo: “Cần một chương trình hành động hết sức cụ thể, rõ ràng để làm sao... giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân trong một số lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nâng cao khả năng cạnh tranh trong tình hình mới, vươn lên tận dụng được các cơ hội mà hiệp định này đem lại” (báo Đầu Tư 9-3-2018).

Phát biểu trên phần nào cho thấy phía Nhà nước đã thể hiện rõ sự tự ý thức về những bức bách thay đổi vì CPTPP; và nhận thức về yêu cầu “tăng trưởng dung nạp” (inclusive growth) được nhắc tới như một tuyên ngôn lặp đi lặp lại trong các văn bản cấp cao gần đây, tức tăng trưởng trong đó mọi thành phần, giai tầng đều có cơ hội, chứ không độc quyền cho một giai tầng nào.

Đã qua rồi cái thời kỳ gọi là thiên người giàu hay thiên người nghèo, mà phải làm sao cho mọi người đều ở trong - bởi thế mới gọi là “dung nạp”!

Tuy đã điều chỉnh, song CPTPP vẫn giữ những tiêu chuẩn rất cao. Bởi thế mới thêm tính từ “tiến bộ” và “toàn diện” vào tên gọi cũ TPP để thành CPTPP. Thế nhưng, “tiến bộ” là gì, nếu như không phải là rồi thì cũng sẽ tháo bỏ một vài “khoản treo” còn được du di cho một vài nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Thật vậy, tin CPTPP đã được ký kết vừa đăng, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington đã đăng ngay một bài nêu lại một trong những câu chuyện mà họ quan tâm:

“Trong quá trình đàm phán CPTPP, bốn vấn đề được để ngỏ và sẽ được thảo luận thêm, bao gồm danh sách các doanh nghiệp nhà nước của Malaysia, một điều chỉnh nhỏ đối với lịch trình của Brunei về than, quan tâm của Việt Nam về trừng phạt thương mại dựa trên luật lao động, và bảo vệ ngành công nghiệp truyền thông của Canada vì lý do văn hóa”.

Tờ The Asean Post hôm 26-1-2018, sau vòng đàm phán Tokyo, cho biết thêm chi tiết về vấn đề này: “Việt Nam, ban đầu đòi thêm thời gian để thực thi các luật lao động đúng khuôn khổ, sẽ hoàn thành điều này theo thời gian biểu của riêng họ”. Có thể thấy rõ vấn đề mà Việt Nam xin “khất lại” một thời gian, chính là vấn đề lao động, mà nếu giờ đưa ngay vào, dễ bị trừng phạt thương mại!

Thật ra, đây cũng chính vấn đề Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 (thực hiện năm 2016) do nhóm WB và Bộ Kế hoạch - đầu tư chủ trì, đã nói rõ ở trang 113 về nhu cầu của người lao động: “Họ đòi hỏi lớn hơn về “tiếng nói”, phải có đại diện độc lập của người lao động ở nơi làm việc”.

Website của Trung tâm WTO Việt Nam gần đây cũng nhận xét: “Các thỏa thuận về lao động nhằm bảo vệ và thực thi các quyền lao động, cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng sống, thắt chặt sự phối hợp trong các tranh chấp lao động... Và đây là lần đầu tiên, trong khuôn khổ CPTPP, các vấn đề về lao động được giải quyết qua cơ chế giải quyết tranh chấp, đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ giữa các công ty bản địa và nước ngoài với người lao động tại tất cả các nước thành viên.

Điều này giúp bảo đảm rằng không một nước thành viên nào thu được lợi thế cạnh tranh thương mại nhờ có luật lao động lỏng lẻo và không được thực thi nghiêm túc”.

Trong bối cảnh sức lao động hiện vẫn là ưu thế cạnh tranh thương mại của Việt Nam, việc giải quyết vấn đề này càng cấp bách và quan trọng: “Việt Nam cũng sẽ có một thị trường rộng lớn hơn cho xuất khẩu giày dép, hàng dệt may và các sản phẩm điện tử. Thông qua thỏa thuận này, Việt Nam sẽ có một chỗ đứng ở Canada, Mexico và Peru, mà hiện tại Việt Nam không có bất cứ quan hệ thương mại gì”.

Dự báo trên cũng là của các chuyên gia Việt Nam, đặc biệt là hai lĩnh vực dệt may và da giày: “Dệt may và da giày được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may và da giày sau khi CPTPP có hiệu lực dự báo tăng thêm 8,3-10,8%. Hàng dệt may và da giày hiện được bảo hộ khá cao ở châu Mỹ, nên sau khi cắt giảm thuế quan thông qua CPTPP, sức cạnh tranh của các sản phẩm này của Việt Nam sẽ nâng lên đáng kể” (báo Đầu Tư 12-3-2018).

Tất nhiên, khi nói tới lợi ích cho một nền kinh tế là nói tới lợi ích cho những bên tham gia có phần trong đó (stakeholders), từ nhà nước tới các doanh nghiệp và người lao động, cộng lại thành xã hội. Lý tưởng nhất là làm sao cho hài hòa các bên - có nước đặt tên cho lý tưởng này là “xã hội hài hòa”. Nhưng đồng thời, cũng đã qua rồi thời kỳ của tư duy “tổng bằng không” của “giá trị thặng dư” và “ai thụ hưởng” (hay bóc lột).

Như thế Việt Nam sẽ phải chọn lựa: Để duy trì lợi thế thương mại, chính sách với người lao động phải như thế nào? Thống kê lương tối thiểu trong ngành may mặc năm 2014 tại một số nước do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một đối tác lâu năm của Việt Nam, phần nào cho thấy hiện tình và hướng đi. ■

Mỹ trở lại?

Tin tức về việc ký kết CPTPP đi kèm một tin được giật tít thiệt lớn: “Ông Trump nay muốn quay lại TPP”, với một chú thích nhỏ, “song đòi điều đình lại”. Tuy là câu chuyện còn bỏ ngỏ, song với ông Trump, không gì là không thể.

Thông điệp của tổng thống Mỹ ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tháng 1 vừa rồi rất rõ: “Hoa Kỳ sẽ không còn làm ngơ trước các hành vi kinh tế không lương thiện, bao gồm việc trộm cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp các ngành nghề, và kế hoạch hóa kinh tế toàn diện do nhà nước lãnh đạo. Những hành vi này và các hành vi “bóc lột kinh khủng” khác làm méo mó thị trường toàn cầu và gây tổn hại cho doanh nghiệp cùng người lao động, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà trên toàn cầu... Chúng tôi sẽ thực thi Luật thương mại của chúng tôi và khôi phục lại toàn vẹn hệ thống thương mại”.

WB tiên đoán nếu có cả Mỹ tham gia, thì lợi ích, tăng trưởng sẽ lớn hơn nhiều. Song đó mới là một mặt của câu chuyện, mặt kia, tức vụ “điều đình lại” và đối phó tiêu chuẩn Mỹ, cũng sẽ nhiêu khê gấp bội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận