Mục tiêu hướng đến là khai thác thủy sản bền vững, vì vậy chúng ta phải có kế hoạch, chiến lược dài hạn rõ ràng. Cứ nhìn các nước xung quanh có biển giống như mình thì thấy rằng mình đã rất lạc hậu. Họ đã hiện đại hóa, có kế hoạch đánh bắt một cách chuyên nghiệp, bài bản, còn chúng ta thì khai thác ồ ạt, thích bắt con gì trên biển cứ bắt.
Thực tế lâu nay chúng ta cũng đã nói nhiều đến phát triển, khai thác biển bền vững nhưng thực tế chưa đi đôi với lời nói. Chúng ta chưa có cơ quan dự báo về ngư trường để có định hướng khai thác hợp lý nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Biển của chúng ta nhưng chúng ta lại chưa rõ trong lòng biển có gì, tôm cá nào, sinh sản mùa nào... Còn ngư dân thì không ít người khai thác theo cách tận diệt. Hậu quả là vùng biển gần bờ gần như cạn kiệt tôm cá.
Ngư dân khi đầu tư tàu đánh bắt, để đạt được hiệu quả vững chắc, vay trả sòng phẳng, có của ăn của để thì con tàu đó phải được đánh bắt trên ngư trường phù hợp. Hay nói khác đi là xác định ngư trường, vùng đánh bắt sẽ dễ dàng xác định được chất liệu con tàu phù hợp cho ngư dân. Vì vậy, đòi hỏi cấp bách là làm sao sớm quy hoạch ngư trường, dự báo nguồn lợi thủy sản để xác định cơ cấu ngành nghề đánh bắt phù hợp cho ngư dân từng vùng. Nhà nước phải giúp ngư dân có được những thông tin về ngư trường, số lượng bao nhiêu, loại tàu nào được khai thác, thời gian được phép khai thác, cấm khai thác... Còn cứ kiểu đánh bắt tận diệt thì cho dù ngư dân có chọn loại tàu nào đi chăng nữa cũng không thể duy trì mãi tính hiệu quả.
Ngoài ra, trong chiến lược khai thác nên chú ý đầu tư hậu cần nghề cá để ngư dân không thấy khó khăn, lạc lõng hoặc bị chủ vựa ép giá khi bán sản phẩm. Đừng để ngư dân bị cột chặt vào chủ vựa, chủ vựa thì giàu lên mà ngư dân thì bấp bênh. Ngư dân bây giờ ra biển không sợ sóng gió, không sợ tàu Trung Quốc đâm va mà sợ lúc vào bờ bị ép giá, cá bán không được, lỗ vốn phải nằm bờ.
Chúng ta đang ở thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo sức đột phá mới cho ngành khai thác thủy hải sản nói riêng và kinh tế biển nói chung. Nhưng chỉ sự nhiệt tình, tinh thần kiên trì bám biển của ngư dân thì chưa đủ. Nhà nước phải có vai trò lớn hơn để giúp ngư dân bám biển. Đúng là “tàu gì để cho ngư dân tự lựa chọn, tự quyết” nhưng bên cạnh kinh nghiệm được tích lũy qua bao đời, họ phải được trang bị kiến thức, cơ sở khoa học để lựa chọn chứ không thể “tự bơi mãi trên biển” như thời gian qua. Hàng ngàn tỉ đồng sẽ được đầu tư vào các con tàu để ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tham gia chương trình này, ngư dân phải sống được, thậm chí làm giàu từ biển. Không ai cho phép sau chương trình này là những gánh nặng, khoản nợ mà ngư dân phải gánh chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận