22/06/2019 11:38 GMT+7

Giật mình với tuổi 30 không... thể thao

PHẠM VĂN TRUNG
PHẠM VĂN TRUNG

TTO - Thời sinh viên, tôi chơi 3 môn thể thao là bóng đá, bóng chuyền và cầu lông. Nhưng từ khi đi làm (năm 2010) thì tôi ngừng hẳn vì lý do…quá bận!


Giật mình với tuổi 30 không... thể thao - Ảnh 1.

Từ năm 2015, tôi (bìa trái) đã bắt đầu tập luyện thể thao trở lại

Hồi ấy, nhà trọ của tôi có đông sinh viên nên chiều nào cũng chia làm hai đội vào Trường đại học Cần Thơ đá bóng. Mỗi sáng, tôi và mấy đứa bạn nam lẫn nữ thức dậy chạy thể dục chừng 10km. 

Lúc đó, tôi tích cực tập thể dục, thể thao vì trong chương trình học có môn giáo dục thể chất cũng như sẵn sàng tham gia các hội thao ở trường. Tôi chơi thể thao không giỏi nhưng tập luyện thường xuyên. Nhờ vậy, mấy năm đại học tôi rất ít bệnh vặt.

Sau giờ làm là giờ nhậu

Khi đi làm, tôi bước vào môi trường khác và nhiều mối quan hệ mới. Sau giờ làm việc, bạn bè "ới" một tiếng là tôi đi nhậu đến 22h mới về, trước khi nhà trọ đóng cửa lúc 22h30. Nhiều hôm tôi nhậu say quá  về chỉ kịp đóng cửa phòng rồi ngủ đến sáng. Những chiều không đi nhậu thì tôi ở trong phòng "lướt" mạng xã hội, đọc báo, nhắn tin với bạn bè. 

Mấy đứa bạn ở chung nhà trọ rủ đi chơi thể thao tôi đều lắc đầu, than thở: "Hôm nay, tao mệt! Thời gian nghỉ ngơi còn không có, thì giờ đâu đi đá bóng". Dần dần không ai rủ tôi đi nữa. Tôi cũng không quan tâm chuyện thể dục, thể thao.

Năm 2010, tôi khá gầy (nặng 57kg) nhưng 5 năm sau tôi tăng thêm 30kg. Bạn bè lâu ngày gặp tôi đều quở: "Sao mày mập dữ vậy? Chơi thể thao đi Trung". Tôi biện minh: "Tại đi làm bận quá nên không có thời gian tập luyện". 

Tôi bắt đầu mệt mỏi khi cơ thể tăng cân. Nhiều lúc tôi đang ngồi rồi đứng lên thì bị choáng. Có năm Ban Chấp hành Chi đoàn cơ quan cử tôi tham gia giải việt dã chào mừng Ngày thành lập Đoàn (26-3), tôi chạy chừng 100m đã thở hỗn hển, tuột lại tuốt phía sau, nhiều người cười chọc quê. 

Nhưng tôi luôn nghĩ ai đi làm cũng mập vì hết lo lắng chuyện học hành, thi cử, tiền ăn như thời sinh viên. Tôi không thay đổi lối sống.

40km đường và những cơn đau thức tỉnh

Có lần, tôi đi công tác cách chỗ làm khoảng 40km. Khi tôi trở về thì thấy bụng nhói đau, cảm giác mắc tiểu. Tôi ghé vào nhà vệ sinh của UBND một phường nhưng tôi không tiểu được. Cơn đau âm ỉ làm đầu tôi choáng váng, mấy lần suýt ngã xe. 

Hôm đó, tôi đã ghé tổng cộng 3 nhà vệ sinh nhưng không thể nào tiểu được. Về đến nhà, tôi chạy vô bệnh viện siêu âm thì bác sĩ cho biết thận của tôi có sỏi. Và viên sỏi đang trên đường ra ngoài nên đường tiết niệu của tôi bị bí. Một trong những nguyên nhân là tôi ít vận động. Bác sĩ kê cho mấy viên thuốc và khuyên tôi về uống nhiều nước, kiếm môn thể thao nào đó để chơi.

Những cơn đau hành hạ tôi thêm hai tuần. Mấy ngày đó, tôi không tập trung làm việc được vì thỉnh thoảng bị đau bụng, đầu óc lúc nào cũng mệt mỏi. Hằng ngày, vợ tôi phải nấu mấy loại nước mát kích tiểu để tôi uống cho viên sỏi mòn, dễ ra ngoài. 

Ở quê, mẹ tôi nghe con bệnh thì rất lo lắng, ngày nào cũng gọi điện lên hỏi thăm. Mẹ cũng kiếm mấy bài thuốc nam để gởi lên cho tôi uống. Đó là giữa năm 2015.

Khi cơn đau vì sỏi thận vừa qua thì tôi lại bị chứng bệnh khác: suy giãn tĩnh mạch ở chân. Hai bàn chân của tôi thường xuyên bị tê buốt, có khi đau đớn không đi được. Mỗi tối, tôi nằm ngủ đều đặt chân lên gối cao cho máu lưu thông dễ dàng. Như vậy tôi mới bớt đau. Bác sĩ nói một trong những nguyên nhân là tôi ngồi quá nhiều, chân ít vận động. 

Gia đình tôi lo sốt vó khi nghe chân bị suy giãn tĩnh mạch nặng có thể hoại tử. Mọi người trong nhà lại cuống cuồng hỏi thăm những bác sĩ giỏi trị bệnh này và những bài thuốc dân gian cho tôi uống.

Tôi nghĩ những bệnh bản thân mắc phải đều có nguyên nhân là tôi lười vận động. Vì vậy, tôi quyết định chơi thể thao để tăng cường sức khỏe. Tôi xin vô đội bóng của cơ quan. Hằng tuần, tôi tham gia tập luyện với bạn bè 3 buổi, thời gian từ 17h30-19h. 

Những lúc đi công tác về muộn, tôi tranh thủ ra sân dù chỉ chơi vài mươi phút. Có khi đi làm về mệt, tôi cũng lười ra sân bóng. Nhưng nhớ về những cơn đau khi bị sỏi thận tôi lại thấy có động lực. Tôi cũng bỏ hẳn thói quen đi nhậu sau giờ làm. Chính vì chơi thể thao thường xuyên nên tôi đã tập luyện cho mình thói quen muốn đi đá bóng vào buổi chiều hơn là rủ bạn bè "làm vài ve".

Nhờ tập luyện thể thao nên hiện tại tôi không còn đau chân. 4 năm qua, tôi cũng giảm được 15kg. Bây giờ, tôi bận rộn hơn vì vợ mới sinh con nhỏ. Nhưng tôi vẫn duy trì thói quen chơi đá bóng 1 buổi/tuần. 

Tôi cũng tập thói quen vận động nhiều hơn thông qua công việc hằng ngày, như: không dùng thang máy ở chỗ làm, đi bộ ở những khoảng cách gần, tìm những trò chơi để vừa giữ con trai vừa vận động cùng con…

Thể lệ cuộc thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình"

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

Độ dài tối đa: 1.000 chữ.

Tiêu chí: câu chuyện có thật, có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng.

Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn) với mức nhuận bút hấp dẫn.

Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả chỉ được gửi 1 bài dự thi.

Giải thưởng:

Nhất: 20 triệu đồng.

Nhì: 10 triệu đồng.

2 giải ba: mỗi giải 5 triệu đồng.

10 giải khuyến khích: mỗi giải 1 triệu đồng.

Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động: 17-6

Kết thúc và trao thưởng trong tháng 9-2019.

Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected]

Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip nếu có) gửi qua email, xin ghi Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình" .

Giật mình với tuổi 30 không... thể thao - Ảnh 3.
PHẠM VĂN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên