Trên xe máy của cán bộ kiểm lâm luôn thường trực nước uống, lương khô, đèn pin và chiếc máy thổi gió dùng để phòng, chống cháy rừng.
Vào rừng làm... tuyên truyền
Từ đầu buổi sáng, anh Nguyễn Văn Bình - kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) - đã vào rừng hướng dẫn người dân ở bản Lát xử lý thực bì, làm đường băng cản lửa.
Buổi tuyên truyền trực quan, sinh động, hướng dẫn người dân phòng, chống cháy rừng tại rừng giúp người dân dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Ông Vi Văn Thẩm - phó trưởng bản Lát, xã Tam Chung - cho biết những ngày nắng nóng này, cán bộ kiểm lâm của huyện thường xuyên xuống địa bàn để nắm bắt thông tin, hướng dẫn người dân phòng, chống cháy rừng.
Từ đó, ý thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ngày càng được nâng cao. Nhiều năm nay, trên địa bàn bản Lát không còn tình trạng người dân phá rừng, đốt nương làm rẫy.
Do vậy, hơn 1.000ha rừng cộng đồng do bản Lát quản lý đã và đang giữ được màu xanh. Mùa khô năm nay, diện tích rừng của bản chưa xảy ra cháy.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đặc thù ở huyện Mường Lát là vào mùa khô, nắng nóng kéo dài từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau.
Tổng diện tích có rừng hiện nay ở Mường Lát là 65.359ha, trong đó rừng tự nhiên 56.800ha, rừng trồng 8.500ha; diện tích rừng có nguy cơ cháy khoảng 40.000ha.
Phần lớn diện tích rừng ở Mường Lát nằm ở khu vực đồi núi cao, độ dốc lớn, đi lại hiểm trở, suối không có nước vào mùa khô, nên khi xảy ra cháy rừng, lực lượng di chuyển đến điểm cháy để chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Trong khi đó, nguyên nhân chính gây ra cháy rừng là do người dân đốt dọn nương rẫy, xử lý thực bì để trồng lúa rẫy, ngô, sắn sau Tết Nguyên đán hằng năm và do người dân đốt lửa lấy mật ong trong rừng, dẫn đến cháy lan.
Do vậy, những ngày nắng nóng này, 8 cán bộ kiểm lâm viên địa bàn của Hạt kiểm lâm Mường Lát túc trực ở 8 xã, thị trấn để hướng dẫn người dân phát dọn nương rẫy, xử lý thực bì phòng, chống cháy rừng.
Giáp mặt với "giặc lửa" ở độ cao trên 1.000m
Ngồi kể lại câu chuyện về cuộc chữa cháy rừng cách đây gần một tháng, ông Hoàng Lâm Tùng - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mường Lát - đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong chữa cháy rừng.
Là người gắn bó với công tác phòng, chống cháy rừng nhiều năm, ông Tùng luôn có quyết định hợp lý khi đối mặt với các vụ cháy rừng.
Theo ông Hoàng Lâm Tùng, khoảng 17h30 ngày 4-3, Hạt kiểm lâm Mường Lát nhận được tin báo vụ cháy rừng ở địa bàn khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát.
Vụ cháy rừng này xảy ra trên khu vực đồi núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Hạt kiểm lâm huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là 14 người, kết hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tén Tằn, công an huyện, cán bộ, người dân địa phương với tổng số 40 người.
Sau gần hai tiếng đồng hồ vượt đường đồi núi cao, dốc lớn, hiểm trở, suối không có nước vào mùa khô, lực lượng chữa cháy mới tiếp cận được điểm cháy rừng.
Cái khó khăn của chữa cháy rừng ở đồi núi cao là không có nước để dập lửa, mà chỉ dùng máy thổi gió, máy cắt cây và cành cây tươi để dập lửa trực tiếp.
Bên cạnh đó, khi chữa cháy rừng ở độ cao trên 1.000m, lực lượng trực tiếp giáp mặt với lửa, hít khói, độ nóng cao, mất nhiều sức nên luôn khát nước và mệt.
Đến ngày hôm sau, lực lượng chữa cháy đã khống chế được đám cháy rừng ở bản Đoàn Kết.
Vụ cháy rừng này gây thiệt hại trên diện tích 2,5ha rừng tự nhiên, trong đó chủ yếu cháy thảm thực bì, lá khô nỏ dưới tán rừng, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng.
"Những ngày nắng nóng này, đối với lực lượng kiểm lâm, phòng chống cháy rừng phải đến tận bản. Anh em kiểm lâm viên địa bàn luôn sẵn sàng xe máy đầy bình xăng, trong cốp xe có bình nước uống, lương khô, đèn pin để đi bản nắm bắt thông tin, trực tiếp hướng dẫn người dân phòng chống cháy rừng mới hiệu quả" - ông Hoàng Lâm Tùng chia sẻ.
Được biết, hiện nay Hạt kiểm lâm Mường Lát chỉ có 14 cán bộ, nhân viên, trong đó 8 kiểm lâm viên địa bàn, còn thiếu 2 người so với quy định của ngành.
"Một trong những biện pháp phòng, chống cháy rừng mà Hạt kiểm lâm Mường Lát đang thực hiện có hiệu quả là làm đường băng cản lửa kết hợp đốt cháy trước vật liệu dễ cháy có kiểm soát của lực lượng chức năng. Mỗi đường băng cản lửa rộng từ 15m đến 30m, tùy theo khu vực.
Đường băng này để ngăn cách, khống chế diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, đồng thời tạo thành đường để lực lượng chức năng đi kiểm tra, chữa cháy rừng được thuận lợi" - ông Hoàng Lâm Tùng cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận