Mỗi năm, ngân sách nhà nước đều cấp từ 2.500 đến 3.000 tỉ đồng bảo trì duy tu đường sắt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nội dung này được Bộ Giao thông vận tải báo cáo gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc triển khai làm đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, việc ký hợp đồng bảo trì đường sắt trong năm 2021 chưa thực hiện được bởi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không thực hiện các chỉ đạo, chưa cho phép người đại diện phần vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp bảo trì ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt Việt Nam.
Cũng liên quan đến vấn đề giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hay Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Tư pháp cho rằng việc Bộ Giao thông vận tải giao vốn này để tổ chức thực hiện là không trái với quy định, đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định việc giao vốn là không phù hợp với quy định Luật ngân sách nhà nước. Từ tháng 7-2019 đến cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã có tới 6 văn bản giữ quan điểm này và nhấn mạnh: việc đặt hàng bảo trì đường sắt phải thực hiện theo quy định nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công...
Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính rằng việc giao vốn bảo trì phải thực hiện theo quy định về sử dụng ngân sách nhà nước, và nếu năm 2021 giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì tiếp tục phải có sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Về cơ chế đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia, Bộ Giao thông vận tải cho rằng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không thể tiến hành đặt hàng với các nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp và các bộ quản lý chuyên ngành cũng như việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện công tác bảo trì đường sắt năm 2021.
Bộ kiến nghị Thủ tướng tổ chức họp thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành và xem xét các tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên, đồng thời quyết định phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư làm căn cứ để triển khai, thực hiện.
Cần phải tiến tới đặt hàng đấu thầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia giao thông cho rằng trước đây ngân sách nhà nước đều cấp từ 2.500 đến 3.000 tỉ đồng/năm để bảo trì đường sắt. Nguồn vốn hằng năm này đều giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng với 20 doanh nghiệp đường sắt (tổng công ty nắm trên 50% vốn điều lệ).
Theo Luật đường sắt 2017, doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (hiện là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) sẽ được giao vốn bảo trì. Tuy nhiên, Luật đường sắt chỉ là luật chuyên ngành, còn vấn đề về sử dụng vốn ngân sách thì phải tuân thủ Luật ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, hiện nay vốn bảo trì đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa... đều được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổng cục, cục thuộc Bộ Giao thông vận tải để tiến hành đấu thầu, đặt hàng đảm bảo khách quan thì không có lý gì vốn bảo trì đường sắt lại giao cho doanh nghiệp.
"Vốn bảo trì Nhà nước cấp cho đường sắt phải được giao cho cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đặt hàng để tránh trình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Tương lai, cần phải tổ chức lại mô hình đường sắt để tiến hành đấu thầu thu hút tư nhân tham gia, vừa cạnh tranh thúc đẩy đường sắt phát triển vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn nhà nước", vị này cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận