Thầy Nguyễn Mạc Tư Khoa sửa chữa điện cơ tại nhà - Ảnh: NVCC
Nghỉ dạy ở lớp, nhưng nhiều giáo viên chúng tôi vẫn quan tâm sát học sinh của mình, vẫn giúp các em còn yếu môn nào đó học tốt hơn để theo kịp bạn bè.
Thầy Nguyễn Xuân Thiệu
Thầy cô đi làm "Hai lúa"
"Lẽ ra những ngày này tôi đang cho học sinh của mình làm bài kiểm tra giữa kỳ rồi, chứ đâu ngờ suốt ngày lặn lội ngoài ruộng thế này. Nhớ học trò, nhớ trường lớp lắm", thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Nguyên, huyện Đức Huệ, Long An, chùng giọng tâm sự.
Trường của thầy ở vùng quê hẻo lánh nhưng cũng phải đóng cửa vì dịch bệnh. Suốt 2 tháng qua, thầy Thiệu tranh thủ đọc sách và tài liệu chuyên môn để chuẩn bị tốt cho ngày trở lại trường.
"Nhưng tình hình này thì chẳng biết bao giờ mới được cầm phấn trở lại. Mình cũng phải tự xoay thêm việc để làm, chứ không thể ngồi mãi ở nhà được", thầy giáo này kể thêm khi đi dạy, chuyện ruộng vườn là nghề tay trái nhưng giờ nó lại biến thành nghề tay phải.
Tranh thủ nhà có mẫu đất, thầy hết làm lúa lại xoay sang trồng ớt, rau màu và cây ăn trái quanh nhà. Thầy cũng tranh thủ vỗ béo thêm mấy con bò mà hồi còn dạy học bình thường không có nhiều thời gian để chăm chút. "Phải làm việc gì đó, lao động tay chân cũng tốt để thêm thu nhập vừa giữ gìn sức khỏe, chứ cứ ngồi mãi chắc tâm bệnh lẫn thân bệnh vì lo lắng".
Trong khi đó, hơn một tháng qua, cô N.N.T. (giáo viên một trường cấp III tại Đồng Tháp) lại bận rộn với việc chăm sóc, thu hoạch và giao măng tây cho khách hàng. Tờ mờ sáng, cô T. đã có mặt tại ruộng măng tây của gia đình để cày xới đất, bón phân, bật chế độ tưới tự động cho toàn bộ mảnh vườn. Sau đó cô kỹ lưỡng lựa chọn từng cây măng, cẩn thận thu hoạch, đóng gói và giao cho khách.
Cầm những cây măng tây non xanh mơn mởn, cô T. khoe: "Hôm nay thu hoạch được hơn 2kg, hôm qua cũng hơn 1,5kg. Tí nữa tui đi giao cho khách ở Tháp Mười, Cao Lãnh. Phải nghỉ dạy, có ruộng măng tây này làm đỡ buồn lại thêm thu nhập cho gia đình".
Cô T. chỉ thật sự gắn bó với ruộng măng tây khi dịch bệnh hoành hành. Vườn gia đình cần người chăm sóc, lại đang rảnh nên cô bắt tay ngay vào việc. Thấy cô giáo tối ngày "chân lấm tay bùn" ngoài vườn, hàng xóm ai cũng bất ngờ.
Nhiều giáo viên tại trường cô T. cũng tận dụng "kỳ nghỉ dài ngày" để trồng rau, cây kiểng, nuôi cá kiếm thêm thu nhập, đồng thời vận động tránh chây ì cơ thể do nghỉ quá dài. Chỉ là nghề phụ làm thêm khi nhàn rỗi nhưng cũng tạm giúp họ giảm căng thẳng, buồn nhớ học trò.
Ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp, thầy T.T.H. cho biết mới vừa lên liếp đất, xuống giống được gần 1.000 cây mít Thái. Thời gian tới, thầy dự định trồng xen sầu riêng vào giữa vườn để tăng thêm thu nhập. "Thường lúc cuối tuần tui mới rảnh đi mần vườn được. Nay thì nghỉ do dịch, sẵn có mảnh đất còn trống nên lên vườn luôn. Ngoài ra, tui cũng có thêm thời gian chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa và nghiên cứu thêm chuyên môn dạy học", thầy H. cho biết.
Cũng theo thầy H., do sinh sống, công tác ở quê nên nhiều giáo viên có đất vườn. Ngoài dạy học là chính, nhiều người cũng làm kinh tế phụ như trồng lúa, hoa kiểng để phụ thêm cho kinh tế gia đình. Câu chuyện giáo viên nuôi thêm đàn vịt, thả thêm đàn cá xuống ao không phải là chuyện lạ vùng nông thôn, nay càng trở nên phổ biến giữa thời điểm dịch hoành hành.
"Dịch COVID-19 làm đảo lộn nhiều thứ với giáo viên, nhưng nếu biết cách tận dụng hợp lý thời gian nghỉ dạy làm thêm chuyện này chuyện nọ thì cũng không đến nỗi quá buồn" - thầy H. chia sẻ.
Ngoài ra, một số giáo viên nông thôn cũng chuyển sang bán online các mặt hàng đồng quê như mật ong, xoài, cam, quýt... Tận dụng khoảng thời gian nghỉ để kiếm thêm thu nhập, đồng thời "giải cứu" vườn trái cây của họ hàng, gia đình thời dịch bệnh. "Nhà cha mẹ bên cồn có vườn xoài cát tới thời điểm cắt rồi mà giá rẻ quá, trái chín đầy vườn, thương lái không đoái hoài. Tui cũng đang rảnh nên rao bán online, phụ giúp cha mẹ lúc khó khăn", cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên ở huyện Cao Lãnh, chia sẻ.
Mảnh đất được thầy H. (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) lên liếp trồng mít - Ảnh: NVCC
Tranh thủ nâng cao kiến thức
Thầy Nguyễn Minh Nhựt - hiệu trưởng một trường tiểu học tại Đồng Tháp - cho biết trong thời gian dịch bệnh này, thầy cô vẫn vệ sinh lớp theo lịch, nghiên cứu bài để giao cho học sinh hằng tuần. Ngoài ra, thầy cô cũng tận dụng nghiên cứu chương trình sách giáo khoa lớp 1. "Các hoạt động chuyên môn vẫn diễn ra bình thường, chỉ là không có học sinh trực tiếp ở lớp. Giáo viên tận dụng thời gian này để tập trung nghiên cứu, nâng cao tay nghề", thầy Nhựt chia sẻ.
Học sinh nghỉ học, nhiều giáo viên mầm non ở TP Sa Đéc cũng dành nhiều thời gian hơn để học các chương trình giáo dục trên máy tính, thiết kế trò chơi, vật dụng học tập để áp dụng cho năm học bắt đầu lại.
"Cũng định làm này làm nọ nhưng nghĩ cũng chỉ được thời gian cho đến khi học sinh nhập học lại nên thôi. Dành thời gian này nâng cao nghiệp vụ, tay nghề để dạy mấy đứa nhỏ tốt hơn", cô Nguyễn Thị Mai Thúy, giáo viên mầm non tại TP Sa Đéc, tâm sự.
Theo cô Thúy, giáo viên mầm non có giảm một số khoản phụ cấp trong thời gian nghỉ dịch. Tận dụng thời gian này, một số giáo viên tranh thủ bán hàng online nhưng chỉ có thể bán đến lúc học sinh nhập học trở lại. "Trường mầm non thường có quy định giáo viên không được sử dụng điện thoại trong giờ chăm các cháu nên đây chỉ là công việc thời vụ ngắn hạn", cô Thúy chia sẻ.
Theo thầy Lê Trung Nghĩa - Trường THPT Lấp Vò 2, được sự đồng ý của học sinh, thời gian qua thầy tổ chức dạy online để cập nhật kiến thức cho học sinh. Riêng bản thân thầy hệ thống lại chương trình bài giảng, cập nhật lại chương trình để sẵn sàng dạy khi học sinh trở lại học. "Coi như mình tu bổ thêm kiến thức cho bản thân, tìm các phương pháp dạy học mới lạ, dễ hiểu để áp dụng vào thực tế giảng dạy", thầy Nghĩa chia sẻ.
Vốn có kiến thức về điện cơ, thời gian này thầy Nguyễn Mạc Tư Khoa (giáo viên Trường THCS Tân Hòa, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) nhận sửa chữa thêm máy móc. Nghề "tay trái" được phát huy mùa dịch từ khách hàng xóm giềng, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. "Mình có thêm nhiều thời gian để chăm sóc gia đình và làm việc phụ vợ con. Thu nhập kiếm thêm chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tận dụng được thời gian nhàn rỗi", thầy Khoa chia sẻ.
Việc sửa chữa máy móc giúp thầy Khoa "vận động" đầu óc, nhưng quan trọng là nó không chiếm nhiều thời gian. Thầy vẫn có thể tập trung đọc tài liệu, tu bổ thêm kiến thức giáo dục cho ngày trở lại với các học trò yêu thương của mình.
Đâu phải chỉ có nỗi buồn
"Bình thường thì việc buôn bán hàng do ba má tôi lo, còn tôi chỉ tập trung dạy học. Nhưng dịch dã làm trường lớp phải đóng cửa, tôi ở nhà nên phụ chạy xe chở hàng cho gia đình. Công việc không vất vả lắm mà giúp đỡ được ba má làm mình vơi đi nỗi buồn thất nghiệp tạm thời", thầy N.V.H. ở Long An chia sẻ.
Thầy H. tâm sự thêm, nếu tạm quên đi nỗi lo dịch bệnh, nỗi nhớ học trò, thì những ngày nghỉ dạy này cũng là dịp để giáo viên củng cố được nhiều thứ. Chẳng hạn, họ có thể phụ giúp gia đình nhiều hơn, củng cố thêm chuyên môn giáo dục, thậm chí lao động chân tay cũng là cách giúp giáo viên vốn ít vận động thể chất được mạnh khỏe hơn.
Tạm rời xa trẻ ở trường, nhiều giáo viên mầm non tư thục trở thành người trông trẻ, chăm người bệnh bất đắc dĩ...
Kỳ tới: Đi làm “vú em”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận