23/01/2019 09:34 GMT+7

Giáo viên vui vì bớt sổ sách

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Qua kiểm tra của Bộ 
GD-ĐT, nhiều trường quy định cả chục loại sổ sách khác nhau cho giáo viên.

Giáo viên vui vì bớt sổ sách - Ảnh 1.

Tiết dạy bằng giáo án điện tử của một giáo viên ở TP.HCM - Ảnh: H.H.G

Việc Bộ GD-ĐT ra chỉ thị chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ nhằm giải tỏa áp lực đè nặng lên thực sự là một tin vui cho nhà giáo. Bởi chuyện sổ sách tưởng là chuyện nhỏ, nhưng ai trải qua mới thấm thía nỗi khổ.

"Nghe tin Bộ GD-ĐT có chỉ thị yêu cầu các trường không được lạm dụng quá nhiều hồ sơ, sổ sách mà làm khổ giáo viên, chúng tôi mừng lắm" - cô Th., giáo viên môn toán một trường THCS ở TP.HCM, cho biết.

"Sáng kiến" tách sổ "hành" giáo viên

Qua phản ảnh từ các nhà trường và kiểm tra của Bộ GD-ĐT, tình trạng phổ biến ở nhiều nhà trường là quy định cả chục loại sổ sách khác nhau cho giáo viên.

Một cuốn sổ theo quy định ghi kế hoạch giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn và dự giờ nhưng ở nhiều nhà trường, giáo viên được yêu cầu tách làm ba loại sổ khác nhau. Nhiều loại sổ phải mua mẫu sẵn hoặc ghi, soạn theo mẫu. Giáo viên làm sai mẫu, vào đợt kiểm tra sẽ bị phê bình, trừ điểm thi đua.

Cô Hồng Hạnh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội, kể giáo viên tiểu học phải có mặt từ sáng đến chiều để quản học sinh nên việc ghi sổ sách, hoàn thành hồ sơ theo dõi, đánh giá học sinh chỉ có thể làm vào giờ trẻ ngủ trưa hoặc thức đêm làm.

Một loạt sổ sách như sổ ghi kế hoạch công tác cá nhân, sổ dự giờ, sổ sinh hoạt lớp, sổ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, sổ chủ nhiệm...

Khi Bộ GD-ĐT thực hiện thông tư 30 đổi mới đánh giá học sinh, mặc dù theo hướng dẫn thì giáo viên được chủ động ghi chép theo cách của mình để theo sát quá trình học tập của học sinh nhưng với các quy định con của nhiều nhà trường, giáo viên còn khổ gấp nhiều lần do phải ghi nhận xét học sinh "theo đúng mẫu".

Tất cả đều phải viết tay như sổ nhận xét, đánh giá học sinh, sổ đội viên, sổ bàn giao học sinh, sổ theo dõi học sinh yếu kém, sổ theo dõi bán trú, sổ theo dõi hoạt động ngoại khóa...

"Tôi không sợ dạy học, mà chỉ sợ hợp thức hóa hồ sơ sổ sách mỗi khi sắp có đoàn kiểm tra. Đã có lần phải thức trắng đêm để chép lại giáo án cho đúng mẫu quy định" - một giáo viên ở Hải Phòng nói.

Vừa ứng dụng CNTT vừa... chép tay

Cô Th. kể: "Mỗi năm học, tôi phải làm hơn 10 loại sổ khác nhau cho cả nhiệm vụ giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm. Trong đó ức chế nhất là quy định phải làm giáo án viết tay của nhà trường. Bởi hiệu trưởng trường tôi cho rằng: "Nếu để cho các thầy cô làm giáo án điện tử thì chỉ toàn sao chép của nhau".

Trong cuộc họp hội đồng sư phạm của trường, một anh đồng nghiệp của tôi đã đứng lên tranh luận rằng: "Nếu muốn sao chép thì giáo án viết tay vẫn sao chép được".

Anh ấy cho rằng: "Ngành GD-ĐT đang kêu gọi giáo viên ứng dụng CNTT trong dạy học thì nhà trường hãy giảm bớt các loại hồ sơ, sổ sách viết tay. Giáo án đã soạn trên máy vi tính rồi, bây giờ bắt viết tay lại thì mất rất nhiều thời gian và không cần thiết. Vả lại, ban giám hiệu nhà trường cũng nên có quan niệm thoáng hơn về việc chia sẻ giáo án của giáo viên.

Một giáo án hay cần được chia sẻ cho các đồng nghiệp cùng vận dụng. Vấn đề quan trọng là người giáo viên sao chép cái gì, vận dụng ra sao cho phù hợp với đối tượng học trò của mình". Buồn thay là hiệu trưởng vẫn giữ nguyên quan điểm cũ".

Ngoài sổ sách ghi chép, giáo viên phổ thông phải hoàn thành một khối lượng công việc khác là báo cáo, cập nhật hồ sơ. Các báo cáo, hồ sơ cũng theo mẫu bắt buộc mà sai sót, chậm trễ sẽ trừ thi đua.

Giáo viên đi tập huấn, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường... cũng phải viết "báo cáo thu hoạch". Việc này sẽ đơn giản nếu làm trên máy tính, nhưng nhiều nhà trường yêu cầu giáo viên phải viết tay.

Các bậc học càng thấp thì hồ sơ sổ sách càng nặng, vì ngoài quy định chung ở cấp sở còn có quy định riêng của phòng GD-ĐT, trường... Sổ sách nhiều thì kiểm tra lại càng khắt khe và cứng nhắc đến vô lý. Ví dụ như các loại sổ sách đều phải viết sạch sẽ, không được gạch xóa. Nếu lỡ viết sai, gạch xóa phải xé bỏ viết lại.

"Nỗi sợ đoàn kiểm tra"

Tại Hà Nội có những trường đã "vượt rào" ứng dụng CNTT vào việc áp dụng, quản lý sổ sách. Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Tây Hồ cho biết lãnh đạo trường cho giáo viên áp dụng mở sổ sách trên máy tính từ lâu. Dĩ nhiên cũng "va" với các quy định, nhưng người đứng đầu trường phải biết thuyết phục.

Ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng nên để hiệu trưởng có quyền chủ động trong việc áp dụng cách quản lý như thế nào tốt nhất cho mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục, chứ không nên quy định cứng và trong thời đại 4.0, tin học hóa việc quản trị, quản lý chuyên môn, thực hiện kế hoạch cá nhân của giáo viên là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, không phải trường học nào, nhà trường nào cũng có tư tưởng tiến bộ và thoát khỏi lối quản trị cũ kỹ, lạc hậu, nhất là khi "nỗi sợ đoàn kiểm tra" đè nặng khiến cấp dưới sợ cấp trên, trong đó giáo viên là đối tượng bị áp lực ở tầng sau cùng.

Bộ GD-ĐT yêu cầu trường không "đẻ" thêm sổ sách cho giáo viên

TTO - Bộ GD-ĐT vừa ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường để giảm áp lực không cần thiết cho giáo viên.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên