03/10/2016 09:02 GMT+7

Giáo viên tiếng Anh 
phải cùng lúc dạy 2 trường

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Bắt đầu từ năm học này, 18 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học và THCS của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp phải dạy cùng lúc hai trường.

Giáo viên tiếng Anh huyện Tam Nông, Đồng Tháp phải “chạy sô” dạy ở cả hai trường. Trong ảnh: học sinh hào hứng trong tiết học tiếng Anh do cô Dương Thị Thùy Dung giảng dạy. Đây là tiết dạy của cô Dung ở trường thứ hai - Ảnh: N.TÀI
Giáo viên tiếng Anh huyện Tam Nông, Đồng Tháp phải “chạy sô” dạy ở cả hai trường. Trong ảnh: học sinh hào hứng trong tiết học tiếng Anh do cô Dương Thị Thùy Dung giảng dạy. Đây là tiết dạy của cô Dung ở trường thứ hai - Ảnh: N.TÀI

“Đây chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện thiếu giáo viên ở địa phương. Sắp tới phòng sẽ tính đến việc luân chuyển giáo viên, vừa đảm bảo cho các em học sinh có thể học tiếng Anh và giáo viên không phải “chạy sô” dạy nhiều trường như hiện nay

Thầy LÊ PHƯỚC HẬU (trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Đó là do tình trạng thiếu cân đối giáo viên tiếng Anh giữa các trường trên địa bàn. Bù lại, học trò khu vực vùng sâu vùng xa này lại được tiếp cận với môn học tiếng Anh từ năm lớp 3.

Đi dạy như “chạy sô”

Cơn mưa chưa tạnh hẳn nhưng cô Dương Thị Thùy Dung đã phải vội vã trùm áo mưa rời khỏi Trường tiểu học Phú Đức A, trở về Trường tiểu học Tràm Chim 1 cách đó vài cây số để tiếp tục dạy tiết 4, 5 môn tiếng Anh.

Chỉ có 45 phút để vừa di chuyển vừa chuẩn bị trang thiết bị, bài giảng cho giờ dạy kế tiếp, nên gần như cô Dung chẳng thể ngồi nghỉ mệt hay nhấp ngụm nước. “Vì nhiệm vụ và vì học trò nên mình chịu cực chút” - cô Dung nói vội với chúng tôi rồi nhanh chóng rời đi.

Theo kế hoạch giảng dạy vào thứ tư và thứ năm, cô Dung dạy tiết 1, 2 ở Trường Phú Đức A, sau đó di chuyển về điểm Trường Tràm Chim 1 dạy tiết 4, 5. Dù tuần này đã dạy hai trường nhưng cô vẫn chưa đủ tiết chuẩn theo quy định là 23 tiết/tuần.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Thúy cũng cùng lúc dạy tiếng Anh ở hai trường là Trường tiểu học Phú Cường A và Trường tiểu học Phú Cường C.

Trăn trở của cô Thúy trong việc phân công mới này là ngoài việc giáo viên phải cực hơn do phải chạy ngược chạy xuôi đi dạy, chất lượng giảng dạy sẽ giảm sút vì quỹ thời gian đầu tư cho giờ dạy rất hạn chế.

“Dạy trường này vừa xong lại chạy qua dạy trường khác, sao bằng chỉ chuyên tâm dạy một trường” - cô Thúy phân trần.

Ngoài ra, cô Thúy còn lo lắng khi dạy ở trường thứ hai, do cô không phải là biên chế chính thức nên vấn đề sinh hoạt, kiểm tra chất lượng giảng dạy chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại.

“Hiện giờ vẫn chưa biết là trường nào sẽ tiến hành dự giờ, quản lý chất lượng giảng dạy đối với các lớp mình dạy ở trường thứ hai” - cô Thúy cho biết.

Tuy nhiên, khác với sự mỏi mệt của giáo viên, học sinh lại rất háo hức với những tiết học tiếng Anh. Năm nay các học sinh Tam Nông được học tiếng Anh suốt năm nên em nào cũng phấn khởi.

Em Huy, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Phú Đức A, thường xuyên phát biểu tích cực trong giờ học tiếng Anh. Huy thích thú chia sẻ: “Em thích học môn tiếng Anh nhất”.

Đủ biên chế nhưng thiếu giáo viên tiếng Anh

Thầy Lê Nhơn Hòa, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Đức A, cho biết trường không có biên chế giáo viên tiếng Anh nên các năm học trước học sinh không được học tiếng Anh.

Riêng năm học 2015-2016, trường có hợp đồng giáo viên tiếng Anh bên ngoài để dạy thí điểm cho học sinh. Phần kinh phí hợp đồng với giáo viên, trường vận động phụ huynh đóng góp.

Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng bị phá sản sau một tháng triển khai vì phụ huynh phản đối gay gắt việc đóng tiền.

“Phụ huynh phân bì sao trường khác học sinh học tiếng Anh không tốn tiền mà trường này lại phải đóng tiền. Khó cho trường mà cũng bất công với phụ huynh nên trường không hợp đồng dạy tiếng Anh nữa. Năm nay có giáo viên trường khác đến dạy tiếng Anh, nhà trường, học sinh và phụ huynh rất mừng” - thầy Hòa kể.

Thầy Lê Phước Hậu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Nông, cho biết hiện tại toàn huyện có 15 trường trên tổng số 31 trường tiểu học không có giáo viên dạy môn tiếng Anh.

Điều này đồng nghĩa với việc có hàng ngàn học sinh không được học môn tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, những giáo viên tiếng Anh ở các trường tiểu học còn lại thì thiếu tiết dạy chuẩn là 23 tiết/tuần.

“Biên chế giáo viên tiểu học của huyện đã đủ nên phòng không thể tuyển mới. Do đó, năm học mới này giáo viên tiếng Anh trên địa bàn phải chịu cực, kiêm nhiệm dạy nhiều trường cùng lúc để giải quyết tình trạng tréo ngoe trên” - thầy Hậu phân trần.

Chất lượng giảng dạy không bảo đảm

Thầy Lê Phước Hậu cho biết việc bố trí giáo viên dạy nhiều trường có mặt tích cực là tất cả học sinh ở các trường đều được học tiếng Anh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tốt hơn ở các cấp học tiếp theo.

Tuy nhiên, phần hạn chế là chất lượng giảng dạy bộ môn sẽ không đảm bảo. “Giáo viên phải mất sức chạy tới chạy lui, soạn giảng nhiều hơn, việc đầu tư trang thiết bị học cho bộ môn ít nhiều cũng gặp khó khăn. Kế tiếp là chuyện dự giờ, thăm lớp của cán bộ quản lý cũng gặp nhiều khó khăn...” - thầy Hậu giải thích.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên