18/12/2015 12:10 GMT+7

Giáo viên sẽ không phải lo thanh tra

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Nhiều thầy cô giáo đã không ngần ngại chia sẻ nỗi ám ảnh mang tên “thanh tra”, khi một học kỳ có nhiều đợt thanh tra với các nội dung khác nhau.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT tại một điểm thi THPT - Ảnh: V.H.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT tại một điểm thi THPT - Ảnh: V.H.

“Thanh tra không làm thay công việc của hiệu trưởng, không can thiệp sâu vào hoạt động chuyên môn của các nhà trường” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo đổi mới công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tổ chức ngày 17-12.

Nhiều nơi làm sai

Thông thường, thanh tra về trường sẽ kiểm tra giáo án, sổ sách rồi dự giờ, đánh giá giáo viên qua giờ dạy. Và những đánh giá này của thanh tra có tác động trực tiếp đến đánh giá của hiệu trưởng đối với mỗi giáo viên.

Chính vì điều này mà mỗi khi có thông tin “thanh tra về”, nhiều giáo viên đã bỏ cả việc dạy để lo “hợp thức hóa” giáo án, sổ sách cho đúng mẫu quy định. Đa số giáo viên còn không muốn sáng tạo trong việc giảng dạy, vì sợ thanh tra “bút phê”. Không ít thầy cô cho rằng đối phó với thanh tra chuyên môn còn nan giải hơn đổi mới phương pháp dạy học.

Câu chuyện buồn nói trên đã được cải thiện sau một năm đổi mới hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, theo ông Tống Duy Hiến - phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, nhận thức về đổi mới hoạt động thanh tra chưa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ công chức, giáo viên. Nhiều nơi còn chưa tách bạch việc thanh tra vấn đề quản lý nhà nước với hoạt động chuyên môn, hoạt động sư phạm của nhà giáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng việc không tách bạch giữa hai nội dung trên là một trong những cản trở đáng kể cho việc đổi mới giáo dục theo hướng phát huy chủ động, sáng tạo của các nhà trường và của mỗi thầy cô giáo.

“Sau một năm đổi mới, nhiều địa phương đã làm tốt công tác thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Nhưng nhiều nơi vẫn chưa hiểu rõ, chưa làm đúng hướng” - ông Hiển nhận xét.

Theo ông Hiển, ở nhiều nơi thanh tra can thiệp quá sâu và cứng nhắc vào việc quản lý chuyên môn của các hiệu trưởng, công việc giảng dạy của giáo viên. Việc này gây khó khăn cho các nhà trường, giảm động cơ thực hiện đổi mới, sáng tạo, việc chủ động tự học, tự rèn luyện của giáo viên.

Trong một số hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học ở nhà trường phổ thông, ông Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh: “Nếu giáo viên đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng sáng tạo vào hoạt động giáo dục sau khi được hiệu trưởng chấp thuận mà thanh tra giáo dục vào can thiệp thì phải xử lý kỷ luật thanh tra”. Nhưng thực tế, việc này vẫn diễn ra.

Nhấn mạnh lại với Tuổi Trẻ, ông Hiển nói: “Thanh tra chỉ được quan sát, góp ý vào việc chỉ đạo chuyên môn của hiệu trưởng. Tuyệt đối không được can thiệp sâu vào chỉ đạo chuyên môn của hiệu trưởng và hoạt động giảng dạy của giáo viên”.

Thanh tra theo tinh thần đổi mới

Tại hội thảo trực tuyến với 63 điểm cầu của 63 sở GD-ĐT, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cũng đã báo cáo chi tiết tình hình thanh tra đột xuất theo phản ảnh của dư luận, về những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong nhà trường phổ thông, trong đó có vấn đề lạm thu.

Lãnh đạo sở GD-ĐT TP.HCM cho biết kết quả thanh tra tại gần 20 cơ sở giáo dục cho thấy: một số hiện tượng được phản ảnh là đúng, như việc thu các khoản ngoài quy định, không thực hiện quy định tách các khoản thu thành nhiều đợt để bớt gánh nặng cho phụ huynh.

Đặc biệt, việc thực hiện xã hội hóa không đúng quy trình, còn có hiện tượng ép buộc phụ huynh trong việc đóng góp các khoản thu phục vụ sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất của nhà trường... Đây cũng là sai sót được nhiều sở GD-ĐT thừa nhận trong quá trình thanh tra, kiểm tra vừa qua.

Nhắc nhở các sở GD-ĐT về việc này, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - cho rằng lãnh đạo và thanh tra của các sở GD-ĐT cần bàn về cách làm, không chỉ liệt kê kết quả thực hiện trong các tình huống cụ thể. “Cách làm theo tinh thần đổi mới hoạt động thanh tra của Bộ GD-ĐT là quan sát, góp ý, hướng dẫn để các cơ sở thực hiện đúng quy định trong việc quản lý, thực hiện, xử lý vi phạm tại các cơ sở giáo dục” - ông Bằng giải thích.

Với tinh thần này, ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định “sẽ chấm dứt tình trạng giáo viên phải cuống cuồng lo đối phó với thanh tra bằng việc chép bổ sung giáo án, ghi chép sổ sách theo mẫu, làm đẹp hồ sơ chuyên môn để tránh “tai bay vạ gió” trong các đợt thanh tra về trường”.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện có trên 300 cán bộ thanh tra chuyên trách và gần 22.500 cộng tác viên thanh tra thuộc 63 sở GD-ĐT. Trong gần một năm qua, thanh tra giáo dục đã thực hiện 612 cuộc thanh tra hành chính và 1.030 cuộc thanh tra chuyên ngành.

Nội dung thanh tra chuyên ngành chủ yếu tập trung vào tình trạng dạy thêm, học thêm, các khoản thu chi đầu năm học, việc thực hiện quy định mặc đồng phục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, công tác quản lý và kiểm tra của các phòng GD-ĐT...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên