21/10/2006 05:48 GMT+7

Giáo viên sau bão Xangsane: Khốn đốn vì mất nhà!

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TT - Cơn bão Xangsane đã làm hàng trăm thầy cô giáo trở nên trắng tay và chồng chất nợ nần, bởi tài sản gom góp cả bao năm dạy học là căn nhà đã bị sụp đổ tan tành. Những ngày này các thầy cô vẫn phải sống trong cảnh sơ tán, cơ nhỡ để tiếp tục lên lớp...

9AreV7bZ.jpgPhóng to
Căn nhà của cô Đoàn Thị Thủy, giáo viên Trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng, chỉ còn một đống gạch đổ nát - Ảnh: Việt Hùng
TT - Cơn bão Xangsane đã làm hàng trăm thầy cô giáo trở nên trắng tay và chồng chất nợ nần, bởi tài sản gom góp cả bao năm dạy học là căn nhà đã bị sụp đổ tan tành. Những ngày này các thầy cô vẫn phải sống trong cảnh sơ tán, cơ nhỡ để tiếp tục lên lớp...

Phút chốc lang thang, cơ nhỡ

Cơn bão đã đi qua hơn nửa tháng rồi mà khó khăn của gia đình cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên môn sử Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), vẫn chưa khắc phục được. Căn nhà cấp 4 (55m2) không số sau chợ Mai (phường Thọ Quang, Sơn Trà) mà hai năm trước cô đã vay tín chấp ngân hàng, vay mượn bà con xây nên giờ đây tan hoang như bị trúng bom.

Hết bão, vợ phải đến trường lo khắc phục trường sở và lên lớp ngay. Chồng (anh Lê Quý Long - bộ đội hải quân vùng 3) phải thực thi nhiệm vụ của đơn vị nên nhờ người chú từ Quảng Bình vào thu dọn đống đổ nát để gây dựng lại cuộc sống. Khốn khổ thay, người chú lại bị tai nạn phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Những ngày qua, cô đã kiệt sức với đống đổ nát và nỗi lo màn trời chiếu đất. Thế nhưng, trên bục giảng sáng 17-10, chúng tôi vẫn thấy cô say sưa với những bài lịch sử. Gương mặt xanh xao và đôi mắt sâu hoắm, cô Nhung tâm sự: “Lo nhất là nợ ngân hàng, bởi đã hết cách xoay”.

Ngược lên các xã miền núi của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến căn nhà của hai vợ chồng thầy cô Nguyễn Bá Hảo, Hoàng Thị Xuân (đều dạy môn địa lý ở Trường Phạm Phú Thứ, xã Hòa Sơn). Sáu năm qua, vợ chồng họ quần quật, hết dạy học đến làm vườn, tích cóp dựng được căn nhà cấp 4 giá trị hơn 30 triệu đồng. Bão đến trong lúc vợ đang ẵm con mới hai tháng tuổi cùng đứa con lớn hai tuổi, thấy nguy cấp nên thầy Hảo cắp con nhỏ, con lớn cùng vợ đội mưa sang trú nhà bà con cạnh bên. Thầy Hảo kể lại: “Chỉ 15 phút sau, tôi đã ứa nước mắt nhìn căn nhà lần lượt bị tốc mái tôn bay như giấy, rồi đến từng mảng tường bốn phía đổ sụp chôn vùi hết vật dụng chưa sơ tán”.

Thầy hiệu trưởng Phan Khôi nói chưa bao giờ giáo viên của trường lại lâm vào khó khăn như lúc này, bởi ngay cả các thầy cô độc thân cũng bị mất luôn chỗ ở do khu nhà tập thể của 24 giáo viên đã bị bão cuốn bay hết mái. Các giáo viên này đều là người ở xa đến nên đời sống của họ vốn đã rất khó khăn, nay không còn chỗ ở phải lang thang cơ nhỡ.

Trở lại vùng ven biển quận Ngũ Hành Sơn lại nghe thầy cô kể về nỗi éo le của cô giáo Phạm Thị Kim Oanh (Trường tiểu học Võ Thị Sáu). Căn nhà của cô Oanh vừa xây xong nằm ở tổ 49, phường Hòa Hải, chưa ở được ngày nào đã trở thành một đống gạch vụn. Sau chín năm ở nhà thuê, cô Oanh vay nợ ngân hàng để làm liều căn nhà nhỏ. Vậy mà trời không cho ở. Bây giờ chồng lại bị thoái hóa cột sống. “Tôi không tưởng tượng nổi mình làm lại nhà bằng cách răng đây” - cô Oanh lắc đầu mệt mỏi.

Vẫn kiên trì bám trường

Căn nhà của cô giáo Trần Thị Ngọc Trâm (Trường mẫu giáo thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ở thôn Đại An đã trống hoác từ trước ra sau bếp, nay bão phá tan tành chỉ trơ trọi nền đất và mấy miếng tôn cũ đắp vá lỗ chỗ. Lương giáo viên mẫu giáo cùng với 2 sào ruộng của chồng, nuôi bốn con ăn học, nên phải tích cóp hơn mười năm cô Trâm mới dồn đủ 15 triệu đồng xây nổi căn nhà cấp 4. “Căn nhà đã thấp lè tè, hai vợ chồng cùng hàng xóm chằng hàng chục bao cát lẫn chằng dây thép để chống bão. Song gió hung bạo quá nên nhà đổ sụp, giờ đành bám vào nội ngoại thôi” - cô Trâm ngậm ngùi.

Những ngày sau bão, tờ mờ sáng cô Trâm đã đến trường đến tối mịt mới về nhà. Mái nhà tuềnh toàng với những tấm tôn cũ mục dựng trên các trụ tre xanh để trú mưa cho sáu người chỉ do một mình anh Lam (chồng cô) cặm cụi. Với hoàn cảnh nghèo khó, chồng làm nông, mức thu nhập của cô khoảng 400.000 đồng/tháng, nuôi thêm bốn miệng ăn, xem ra nhà tạm bợ này không trụ nổi mùa mưa bão cận kề.

Ở vùng biển Quảng Nam, trường lớp, nhà cửa của thầy cô cũng tan tành theo cơn bão. Lợp vội lại tôn nhưng chưa có trần, các phòng học ở Trường THCS Dũng Sĩ Điện Ngọc (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) nóng hầm hập. Cô Thân Thị Lài mướt mồ hôi vẫn say sưa giảng bài lịch sử. Chồng cô cũng là giáo viên dạy toán cùng trường. Bão tan cũng là lúc nhà thầy cô nằm ở thôn Ngân Câu gần biển cũng tan theo. Quần quật với cơn bão, anh đổ bệnh, hiện còn nằm viện. Cô phải sơ tán qua nhà mẹ, thức dậy lúc 4 giờ sáng lo cho hai đứa con đi học, rồi lo cho chồng nằm bệnh viện trên huyện (cách gần 20km đường đất) nhưng vẫn không vắng một tiết dạy nào. “Chắc phải sống tạm bợ cho qua hết năm học này đã, còn việc dựng lại nhà từ từ tính sau bởi còn phải lo trả nợ ngôi nhà cũ cho xong” - cô Lài gượng cười để che giấu nỗi mệt mỏi.

* Theo thống kê của công đoàn ngành GD-ĐT Đà Nẵng, toàn thành phố có 284 ngôi nhà của giáo viên bị sụp đổ hoàn toàn, hai nhà công vụ (nhà tập thể của giáo viên) bị hư hại nặng nề không sử dụng được; số nhà tốc mái và hư hỏng một phần lên đến hàng ngàn trường hợp. Sở GD-ĐT Quảng Nam cho hay có 73 nhà giáo viên bị hư hỏng nặng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có bảy nhà công vụ giáo viên bị sụp đổ hoặc hư hại nặng; 14 nhà giáo viên bị sụp đổ hoàn toàn và hư hại nặng.

* Báo Tuổi Trẻ triển khai chương trình “Dựng lại mái nhà cho giáo viên vùng bão” với tổng kinh phí 700 triệu đồng từ nguồn đóng góp cứu trợ nạn nhân bão Xangsane của bạn đọc. Trong đó, Đà Nẵng: 300 triệu, Quảng Nam: 200 triệu, Thừa Thiên - Huế: 100 triệu và Quảng Ngãi: 100 triệu.

Sáng nay 21-10, ngôi nhà đầu tiên được khởi công xây dựng tại Đà Nẵng, đó là nhà tập thể giáo viên Trường THPT Ông Ích Khiêm ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên