Giáo viên là một phần nhân lực quan trọng của quốc gia, bởi họ là người đào tạo nguồn nhân lực cho cả quốc gia, dù họ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong dân số tuổi lao động.
Lo ngại về động lực làm việc
Thập niên thứ hai của thế kỷ 21 chứng kiến sự thiếu hụt giáo viên không chỉ ở Việt Nam mà ở quy mô toàn cầu. Ví dụ, UNESCO đánh giá thế giới hiện cần thêm 3,3 triệu giáo viên mầm non và tiểu học tới năm 2030 nếu muốn duy trì (hay đạt được) một nền giáo dục chất lượng cao và bình đẳng.
Động lực và trách nhiệm nghề nghiệp của giáo viên là một điều khác đáng lo ngại. Tâm lý không vào được các trường đại học khác mới vào các trường sư phạm trước đây dường như không còn, nhưng tác động của một thế hệ như thế thì vẫn còn dai dẳng với sự phát triển của xã hội.
Khi giáo viên không có nhiều động lực và trách nhiệm nghề nghiệp thì họ không thể sáng tạo hay thăng hoa trong việc dạy, mà ngược lại, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu sẽ ảnh hưởng tới năng lực và sự phát triển của học trò.
Ví dụ, giáo viên gợi ý phụ huynh đóng tiền để cho học sinh thi đỗ hay được điểm cao sẽ ảnh hưởng tới hành động của không chỉ phụ huynh (những người vô tình hay cố ý đồng tình với giáo viên bằng việc đưa tiền/quà), mà còn của trẻ về thế giới người lớn quanh chúng.
Những điều này tác động trực tiếp tới nền móng của giáo dục quốc gia.
Kinh nghiệm Phần Lan
Trong nhiều cuộc cải cách giáo dục mà các nước thực hiện 50 năm gần đây, điều đáng ngạc nhiên là rất ít có tiếng nói của giáo viên trong quá trình hình thành chính sách.
Các chính sách thường từ trên đưa xuống, giáo viên phải thay đổi mà không biết tại sao cần thay đổi khi sự thay đổi đó không giúp cho học trò của họ hay chính họ. Nhiều cuộc cải cách như vậy làm cho giáo dục bị chậm lại, thay vì tiến về tương lai.
Tuy nhiên, ở Phần Lan, một đất nước nổi tiếng với nền giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới, lại không có quá nhiều chính sách về giáo viên hay cải tổ giáo dục. Lương của giáo viên cũng không quá cao hơn mặt bằng lương chung của các ngành khác.
Tuy nhiên, giờ giảng dạy của giáo viên thấp để họ dành thời gian học tập, nghiên cứu tài liệu, và chấm bài, tham vấn cho học sinh.
Giáo viên ở quốc gia này có sự tự chủ cao trong việc dạy. Vì có thời gian nghiên cứu nên cách dạy của họ nổi tiếng sáng tạo để phục vụ sự phát triển toàn diện của trẻ em. Vào các trường sư phạm ở quốc gia này không dễ.
Tỉ lệ được nhập học so với số nộp đơn chỉ khoảng 10%. Điều này nghe có vẻ rất khác với Việt Nam, khi có trường sư phạm còn không tuyển đủ chỉ tiêu, dù đã hạ chuẩn.
Có lẽ điều quan trọng là những người nộp đơn vào học sư phạm là những người có động lực mạnh mẽ để trở thành giáo viên, và trong quá trình học, họ được đào tạo tốt về trách nhiệm nghề nghiệp. Hai điều này kết hợp với trình độ cao của họ tạo thành một nền giáo dục chuẩn mực.
Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để phát triển giáo viên như ví dụ của Phần Lan nói trên. Thế vẫn chưa đủ trong thế kỷ này. Chúng ta cần lấy sự tương tác giữa môi trường sư phạm và gia đình để phát triển bình đẳng giới và công bằng xã hội.
Ví dụ, chúng ta cần giáo dục các bé trai tôn trọng phụ nữ và có thể làm những việc ở nhà mà mẹ chúng làm hằng ngày. Tương tự, chúng ta cần khuyến khích các bé gái tự chủ, tự lập và vượt qua rào cản xã hội để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy các chính sách phát triển giáo viên không đứng một mình, chỉ do một bộ giáo dục đảm nhiệm. Nó phải được tích hợp nhiều bộ ngành như văn hóa, truyền thông, tài chính và lao động để có một nguồn lực giáo viên chất lượng và tận hiến.
Sứ mệnh của giáo viên trong thời bất định
Việt Nam sau gần nửa thế kỷ thoát khỏi chiến tranh đã thoát nghèo một cách ngoạn mục, không còn khái niệm hộ nghèo, chỉ là cận nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách giữa vùng miền ngày càng lớn, nhất là đối với các dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo. Điều quan trọng là người giáo viên cần nắm rõ sứ mệnh của mình trong nền kinh tế tri thức số, môi trường thế giới không ngừng thay đổi và nhiều bất định nhưng đề cao tính nhân văn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận