Từ ngày 16 đến 31-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2023 tại Hà Nội.
Đây là lần thứ 9 chương trình được tổ chức, thu hút hơn 60 kiều bào là giáo viên không chuyên, tình nguyện viên thành thạo tiếng Việt có mong muốn dạy tiếng Việt, từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dù đến từ nhiều đất nước khác nhau, họ đều có chung tâm nguyện trao truyền các giá trị văn hóa của quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Tiếng Việt là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống. Tôi tin rằng khi tiếng Việt được cất lên ở một đất nước xa xôi, kiều bào đều cảm thấy xúc động", bà Nguyễn Thị Thu Huyền, người Lào gốc Việt đại diện cho các giáo viên kiều bào, chia sẻ tại lễ khai mạc.
Dạy tiếng Việt cho cả kiều bào và người Mỹ
Trở về từ Mỹ là bà Lê Thị Thanh Tùng, giáo viên người Việt đang sinh sống tại TP San Francisco, bang California.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Tùng cho biết xuất thân là giáo viên ở Việt Nam, sau khi sang Mỹ, bà cũng có hơn 10 năm giảng dạy tiếng Việt tại Trung tâm Việt ngữ Âu Cơ, cho cả con em kiều bào và người Mỹ muốn học tiếng Việt.
Sau khi về hưu, bà vẫn duy trì các lớp dạy kèm cho trẻ em lớp 6, lớp 7 là con em của các gia đình người Việt tại địa phương.
Với kỹ năng sư phạm, bà dùng những bài hát để giúp các em nhỏ nhớ tiếng Việt tốt hơn. "A B C là ba chữ đầu, Ư Ơ là chữ râu, Ô Ê là có nón che", bà Tùng vừa kể lại vừa minh họa trực tiếp phương pháp giảng dạy của mình, nói thêm rằng phát âm là điều khó nhất khi dạy tiếng Việt.
"Cộng đồng người Việt đang vươn lên ở Mỹ, còn giữ được tiếng Việt là dân tộc Việt Nam còn trường tồn", bà Tùng nói với Tuổi Trẻ Online.
Đến với khóa tập huấn năm nay, bà mong rằng sẽ được cập nhật những đổi mới trong tiếng Việt để nâng cao kỹ năng giảng dạy.
"Đầu tiên là để giúp cháu nội, cháu ngoại của mình nói tiếng Việt tốt hơn, sau đó là để tôi tiếp tục giảng dạy trong cộng đồng Hội thánh Tin Lành của mình tại Mỹ", bà Tùng nói.
Vun đắp cho sứ mệnh "gieo chữ"
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hoan nghênh tinh thần của các giáo viên kiều bào.
"Dù là giáo viên không chuyên, các thầy cô vẫn duy trì dạy tiếng Việt bằng tấm lòng, bằng tình thương, bằng trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài đối với việc lưu giữ hồn cốt của dân tộc là tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam. Chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó", bà Hằng nói.
Người đứng lớp trong khóa tập huấn là các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khóa tập huấn được thiết kế với 20 buổi học chuyên môn. Các học viên cũng sẽ tham gia các hoạt động ngoại khóa như gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm thực tế với giáo viên trong nước và tham quan các địa danh, di tích tại Hà Nội.
"Những kỹ năng đó, cùng với ngọn lửa đam mê và tình yêu vốn có với nguồn cội và với tiếng Việt, mong rằng các thầy cô khi trở về nước sở tại sẽ tiếp tục sự nghiệp 'gieo chữ' của mình", Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận