Tranh: NOP |
Đó là quy định trong thuyên chuyển giáo viên, theo quyết định 03/2016/QĐ-UBND của UBND TP.HCM đang gây nhiều xáo trộn cho giáo viên tại nhiều quận, huyện ở TP.HCM đầu năm học mới 2016-2017 này.
Đi cũng dở, ở không xong
Cô H. là giáo viên đã có biên chế khoảng 10 năm tại một quận nội thành TP.HCM, nay gia đình mua được đất, chuyển về quận vùng ven TP.HCM nên cô H. muốn thuyên chuyển về ngoại thành cho gần nhà, đi lại thuận tiện.
Nhưng cuối năm học 2015-2016, khi hỏi về thủ tục để chuyển công tác, cô H. được biết nếu muốn chuyển đi cô phải nộp hồ sơ thi lại và sau đó nếu đậu thì cô cũng không được hưởng lương cũ, mà hưởng bậc lương như giáo viên mới vào nghề, mới ra trường.
Mười năm đi dạy với bao nhiêu kinh nghiệm, phấn đấu, nay vì muốn về gần nhà mà phải bỏ hết cả để làm lại nên cô giáo H. ngần ngừ, rồi không làm thủ tục để thuyên chuyển nữa.
Nhà chuyển về ngoại thành, mỗi ngày cô phải dậy sớm, đi khoảng 15km để đến trường. Có những hôm thời khóa biểu chỉ có 2 giờ dạy nhưng cô H. vẫn phải đi cả quãng đường dài như vậy để đến trường. “Cực quá, nhưng chuyển thì mất hết nên đành chấp nhận vậy” - cô H. buồn bã nói.
Tại một quận nội thành khác, một vài giáo viên mầm non đã có 6-7 năm trong nghề, nay lập gia đình muốn chuyển công tác đến các quận, huyện khác theo nơi cư trú của chồng nhưng cũng vướng phải quyết định 03 nói trên.
Phó phòng GD-ĐT phụ trách mầm non của quận này cho biết trước tình hình trên, một vài giáo viên mầm non quyết định thuê chỗ trọ tạm thời sinh sống để bám nghề, có trường hợp cho biết dự định không làm nghề giáo nữa.
Giáo viên tâm tư
Thiệt thòi khi chuyển công tác theo quyết định 03 trong ngành giáo dục rơi nhiều nhất vào giáo viên bậc THCS, tiểu học và mầm non vì trách nhiệm quản lý, phân công công tác của ba bậc học này nằm ở các quận, huyện. Trong khi đó, chiếu theo nhân sự ngành giáo dục TP.HCM, số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất, chất lượng thấp nhất cũng rơi vào ba bậc học này.
Theo một phó phòng GD-ĐT tại TP.HCM, quy định về thuyên chuyển giáo viên theo quyết định 03 là “không phù hợp với ngành giáo dục, quá khô cứng và gây khó khăn cho công tác tuyển dụng giáo viên vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay”.
Vị này đặt những câu hỏi: “Tại sao lại bắt giáo viên phải ở một nơi cả đời? Tại sao không tạo điều kiện để giáo viên chuyển công tác? Tại sao khi chuyển đổi công tác lại bắt những thầy cô giáo đã có kinh nghiệm phải thi lại, phải xếp lại bậc lương?”.
Cũng theo vị này, việc bắt giáo viên muốn thuyên chuyển phải thi lại sẽ gây ra những hệ lụy không đáng có. “Chúng ta từng khuyến khích giáo viên những năm tuổi trẻ nên đi xa, đi nghĩa vụ (3, 5, 7 năm) rồi chuyển về gần nhà. Quyết định này sẽ làm những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn khó tuyển được giáo viên, nhất là giáo viên giỏi. Vì họ nghĩ đi ra đó họ đâu có cơ hội chuyển về, muốn chuyển về thì hoặc bỏ nghề hoặc phải thi lại!”.
“Việc phải thi lại, xếp lại bậc lương khi thuyên chuyển công tác sẽ khiến cả ngành giáo dục tâm tư, không khác gì kiểu vắt chanh bỏ vỏ” - một phó phòng GD-ĐT nói với chúng tôi.
“Tôi đầu quân vào ngành giáo dục được mười mấy năm. Nếu nay vì hoàn cảnh gia đình, tôi có nguyện vọng chuyển về trường khác gần nhà hoặc không hợp với lãnh đạo ở đó, tôi muốn chuyển đi. Vậy tôi phải thi lại (mà thi chưa chắc đã đậu!), đậu rồi lại xếp lương tôi như mới ra trường.
Đồng nghiệp tôi sẽ nhìn tôi ra sao? Những giáo sinh mới ra trường sẽ nhìn tôi ra sao? Học sinh sẽ nhìn tôi ra sao? Với những áp lực đó, tôi chọn giải pháp bám vào trường cũ.
Nhưng khi nguyện vọng của tôi không được giải quyết thỏa đáng, lửa nhiệt huyết của tôi có cháy mãi được không?” - một phó phòng GD-ĐT khác nói đầy trăn trở khi phân tích về quyết định 03 tác động như thế nào đến đời sống giáo viên hiện nay.
Nếu có điểm bất hợp lý phải tính toán chấn chỉnh Tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND TP.HCM vào tháng 8, trả lời câu hỏi của PV Tuổi Trẻ liên quan đến vấn đề nói trên, ông Đỗ Minh Hoàng, chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết: “Thực hiện hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ TP có tham mưu UBND TP ban hành quyết định 03. Theo đó, để thuyên chuyển một viên chức từ đơn vị này sang đơn vị khác thì viên chức đó phải chấm dứt hợp đồng tại đơn vị cũ, sau đó tiến hành thi tuyển tại đơn vị mới. Khi trúng tuyển, thầy cô sẽ tiếp tục công tác ở đơn vị mới và vẫn được bảo lưu mức lương đang được hưởng, chứ không phải trở về bậc 1. Nếu không trúng tuyển thì coi như năm đó thầy cô phải tạm ngừng công tác giảng dạy”. Theo ông Hoàng, thực tế áp dụng quy định trên cũng nảy sinh một số khó khăn trong việc điều chuyển giáo viên, để đảm bảo nâng chất lượng giảng dạy của các trường. Do đó sở đã phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND TP và được Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu chấp nhận theo hướng: đối với việc thuyên chuyển giáo viên sẽ có hai dạng, nếu là luân chuyển cán bộ để đảm bảo chất lượng các trường thì vẫn áp dụng quy trình như vẫn làm trước đây. Còn dạng thuyên chuyển theo nhu cầu cá nhân thì phải thực hiện theo hướng dẫn của quyết định 03. Hiện Sở GD-ĐT cũng đã đề xuất UBND TP đề nghị Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện công tác tuyển dụng được đơn giản hơn. Ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP, cho biết bản thân ông chưa nghiên cứu kỹ quyết định 03, nhưng về tinh thần chung thì không thể để thầy cô khi thuyên chuyển phải quay về vạch xuất phát như mới ra trường. Riêng về cơ chế chính sách của TP khi vận động, kêu gọi công chức chấp nhận rời bỏ thành thị, xa gia đình, người thân về công tác ở vùng sâu vùng xa của TP như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... là nhất quán. Việc công chức từng chấp nhận tình nguyện công tác ở vùng sâu vùng xa phải được ghi nhận là điểm sáng, điểm nổi trội khi xem xét khen thưởng. Ông Hoan yêu cầu Sở GD-ĐT xem lại việc triển khai thực hiện quyết định 03, nếu có điểm bất hợp lý phải tính toán chấn chỉnh. Ông Võ Văn Hoan cũng chia sẻ thêm vừa rồi lãnh đạo TP xuống làm việc với huyện Cần Giờ. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói rõ: ngoài chính sách thu hút còn phải tính đến cả chính sách để giữ chân người làm việc tại vùng sâu vùng xa lâu dài; phải tính chuyện lo nhà ở, đời sống cho họ ra sao. “Không phải ta làm theo phong trào: vận động người ta về công tác nơi khó khăn trong 5 năm; rồi sau 5 năm người ta làm gì, đi đâu, ở đâu mặc kệ” - ông Hoan khẳng định. |
Quyết định về tuyển dụng, chuyển công tác viên chức và xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp số 03/2016/QĐ-UBND được UBND TP.HCM ban hành vào ngày 4-2-2016, thay thế quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 17-10-2013 của UBND TP.HCM và có hiệu lực kể từ ngày 14-2-2016. Quyết định 03 được áp dụng cho toàn bộ việc tuyển dụng và thuyên chuyển công chức, viên chức tại TP.HCM, trong đó có ngành giáo dục. Điều 21, chương 6 của quyết định 03 ghi rõ: “Viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc; giải quyết các chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định và ký hợp đồng làm việc với cơ quan, đơn vị mới. Việc tiếp nhận đối với viên chức tại cơ quan, đơn vị mới bằng hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc xét tuyển đặc cách theo quy định tại điều 23 Luật viên chức”. Trong trường hợp cơ quan, đơn vị được giao quyền tuyển dụng viên chức có nhu cầu chuyển công tác đối với viên chức giữa các đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc thẩm quyền quản lý, hoặc được giao quyền quản lý (trong cùng một sở hoặc cơ quan ngang sở, cùng một quận hoặc huyện) do yêu cầu nhiệm vụ thì công chức, viên chức mới không phải thi tuyển, xét tuyển. |
“Chúng ta từng khuyến khích giáo viên những năm tuổi trẻ nên đi xa, đi nghĩa vụ rồi chuyển về gần nhà. Quyết định này sẽ làm những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn khó tuyển được giáo viên, nhất là giáo viên giỏi. Vì họ nghĩ đi ra đó họ đâu có cơ hội chuyển về, muốn chuyển về thì hoặc bỏ nghề hoặc phải thi lại" Một phó phòng GD-ĐT |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận