07/04/2019 10:17 GMT+7

Giáo viên giỏi: nuối tiếc xen băn khoăn

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Đó là hai trạng thái biểu lộ trong nhiều ý kiến tại tọa đàm “Công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi trong bối cảnh mới”, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 6-4.

Giáo viên giỏi: nuối tiếc xen băn khoăn - Ảnh 1.

Theo Bộ GD-ĐT, việc đánh giá giáo viên sẽ có những tiêu chí cho từng vùng miền. Trong ảnh: cô trò lớp 1/4 Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5, TP.HCM) trong một tiết học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Những hạn chế phát sinh từ thi giáo viên giỏi đã khiến Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để đổi mới cách công nhận giáo viên dạy giỏi, với mong muốn việc công nhận thực chất, có tác động tốt, có tính lan tỏa trong môi trường dạy học, giáo dục tại các nhà trường phổ thông. 

Ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết dự thảo quy định về việc này sẽ công bố trong thời gian tới.

Đề xuất thay thi bằng xét

Tại tọa đàm, Bộ GD-ĐT gợi mở hướng đổi mới công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Theo đó, thay đổi cơ bản, chuyển từ tổ chức hội thi sang xét thông qua điều kiện, tiêu chí, minh chứng và hồ sơ.

Ưu điểm có thể nhìn thấy từ hướng gợi mở này là sự công nhận giáo viên giỏi sẽ căn cứ vào quá trình, thực tiễn dạy học, giáo dục học sinh, bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp đã ban hành.

Người đăng ký công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường sẽ phải trình bày báo cáo chuyên đề trước hội đồng thể hiện các giải pháp của mình đạt được hiệu quả, chất lượng như thế nào. Trong các tiêu chí minh chứng làm căn cứ xét công nhận có ý kiến đánh giá của phụ huynh, học sinh.

Theo ông Hoàng Đức Minh, dự thảo mới về công nhận giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ không quy định 2 năm/lần đối với cấp huyện và 4 năm/lần với cấp tỉnh, thành phố nữa, mà thực hiện từ cấp trường lên đến tỉnh, thành phố ngay trong một năm học.

Nuối tiếc các hội thi

Bà Trần Thị Hải Yến - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội) - nói "cực kỳ tiếc" hội thi giáo viên giỏi. Dù có mặt trái, nhưng ít nhất phần "hội" đem lại hiệu quả mà nếu bỏ đi thì các công việc khác không làm thay cũng không bù đắp được. 

Tất nhiên sẽ có áp lực, nhưng mặt được nổi bật là sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, thực chất. Sau cuộc thi, mỗi thầy cô giáo ấy lại trở thành một cán bộ cốt cán về phương pháp.

Trong khi đó, cô Phạm Thị Vân Anh (Trường THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) - từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi nhiều năm - cho rằng chính việc tham gia các hội thi đã giúp cô học hỏi thêm được nhiều và trở nên tự tin, có kinh nghiệm hơn khi nói đến đổi mới phương pháp dạy học. 

Nhiều thầy cô cho rằng dù chuyển từ thi sang xét, nhưng ít nhất cấp trường vẫn phải tổ chức các cuộc thi giáo viên giỏi, tạo thêm những dịp hội giảng để giáo viên có dịp nhìn lại chính quá trình dạy học của mình.

Các cơ quan quản lý giáo dục cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Ông Nguyễn Văn Đầm - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình - khẳng định các hội thi ở Thái Bình đều "không thấy gì là áp lực". Nếu chỉ xét giáo viên giỏi thì các trường cũng sẽ vẫn tổ chức hội giảng vào các dịp đặc biệt. "Nếu không có hội giảng thì coi như không có phong trào thi đua hai tốt" - ông Đầm nêu quan điểm.

Ông Bùi Tiến Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội - cho rằng ngay cả khi xét giáo viên giỏi thì trong quá trình xét, giáo viên cũng phải chứng tỏ khả năng của mình thông qua cuộc thi. 

Theo ông Dũng, không nên nặng nề hay phủ nhận các hội thi vì không chỉ riêng nhà giáo, mà nhiều ngành nghề khác cũng có những cuộc thi để tìm và công nhận danh hiệu chuyên môn giỏi cho người xứng đáng.

“Nếu bỏ thi nhưng lại phải chứng minh quá nhiều bằng cách khác, khiến giáo viên phải lo đầu tư chuẩn bị thì không khác gì áp lực khi phải chuẩn bị giờ giảng để đi thi. Trong khi giáo viên lâu nay đã bị khổ vì vấn đề hồ sơ, sổ sách.
Cô Phạm Thị Vân Anh (giáo viên Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội), từng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm)

Băn khoăn vẫn nhiều

Trao đổi mang tính gợi mở, ông Hoàng Đức Minh nêu vấn đề: "Nên xem xét giáo viên giỏi nghề bằng tác động của giáo viên tới học sinh, làm gia tăng chất lượng giáo dục hay chỉ căn cứ vào tỉ lệ khá, giỏi của học sinh trong tương quan giữa các lớp?".

Bà Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - cho biết kinh nghiệm để đánh giá hiệu quả lao động của giáo viên là căn cứ vào sự thay đổi của học sinh. 

Nó không chỉ thể hiện ở một giờ dạy, mà là quá trình diễn ra trong thực tế dạy học. Nếu chuyển từ thi sang xét, cái được lớn nhất là các nhà trường phổ thông sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên thật sự của mình. Ông Minh bày tỏ sự đồng ý với quan điểm này.

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm lo ngại "bỏ một hội thi vì cho rằng gây áp lực" nhưng lại thay thế bằng một hệ thống tiêu chí, minh chứng, hồ sơ có thể sẽ gây nên áp lực mới, thậm chí áp lực nhiều hơn.

Cô Phạm Thị Vân Anh cho rằng nếu bỏ thi nhưng lại phải chứng minh quá nhiều bằng cách khác, khiến giáo viên phải lo đầu tư chuẩn bị thì không khác gì áp lực khi phải chuẩn bị giờ giảng để đi thi, trong khi giáo viên lâu nay đã bị khổ vì vấn đề hồ sơ, sổ sách. 

Trao đổi lại với ý kiến này, ông Hoàng Đức Minh khẳng định: "Thay đổi này để giảm chứ không phải bỏ áp lực, vì không có áp lực sẽ không có động lực để giáo viên cố gắng. Vì thế Bộ GD-ĐT không đặt ra việc bỏ hoàn toàn áp lực, tuy nhiên cũng sẽ không thay đổi để chuyển từ áp lực này sang một áp lực mới tương đương hoặc cao hơn, hoặc thay đổi nhưng không mang lại hiệu quả rõ rệt".

Những ý kiến đồng ý với việc công nhận căn cứ vào tiêu chí, minh chứng, hồ sơ của giáo viên thì cho rằng các tiêu chí cần tường minh, có định lượng mới dễ áp dụng, không gây tranh cãi.

Bà Trần Thị Hải Yến góp ý các tiêu chí công nhận giáo viên cấp trường, huyện và tỉnh, thành cần có mức độ cao hơn để có tính sàng lọc. 

Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Văn Đầm cho rằng đặc biệt cần coi trọng tiêu chí báo cáo chuyên đề của giáo viên từ cấp trường đến tỉnh, thành phố. 

Trái lại, cô Nguyễn Thị Mỵ - giáo viên Trường tiểu học Achemest (Hà Nội) - lại cho rằng giáo viên tiểu học có thể chứng minh năng lực bằng tiết dạy, bằng xử lý tình huống, nhưng để thực hiện một báo cáo chuyên đề thì gặp khó khăn và cần phải được hỗ trợ.

Chia sẻ lại, ông Hoàng Đức Minh cho rằng báo cáo chuyên đề được đặt ra để xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, thành chính là tiêu chí nhằm sàng lọc ở cấp cao hơn. 

"Giáo viên giỏi thì cũng cần trình bày được, chuyển được thông điệp đến người khác (ban giám khảo) vì giáo viên cần phải tương tác với học sinh, thể hiện bản lĩnh, cách thuyết phục trong các tình huống" - ông Minh bày tỏ.

Không cứng nhắc

Tới đây, nếu việc thay đổi công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi được quyết định thì bên cạnh các quy định cứng với các tiêu chí, minh chứng, hồ sơ... Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn mang tính gợi mở để các cơ sở GD-ĐT vận dụng.

Ví dụ như ở vùng đặc biệt khó khăn, tiêu chí với giáo viên chủ nhiệm giỏi là vận động học sinh đi học, nhưng ở đô thị có thể là việc chấn chỉnh học sinh sa đà vào các hiện tượng tiêu cực như nghiện chơi game. Có nghĩa giáo viên ở mỗi vùng, miền sẽ có thể khác nhau tùy thuộc vào môi trường, yêu cầu công việc.

Ông Hoàng Đức Minh

(cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT)

Phụ huynh, học sinh đánh giá giáo viên, nên không?

Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm của học sinh, phụ huynh gây tranh cãi nhiều trong buổi tọa đàm. Cô Nguyễn Thị Mỵ nói nếu lấy ý kiến phụ huynh trong khi không có tiêu chí mang tính định lượng thì sợ thiếu chính xác, và trao quyền cho phụ huynh như vậy dễ gây áp lực cho giáo viên.

Một số ý kiến cũng cho rằng nghề giáo là nghề đặc thù, trong khi phụ huynh làm các nghề khác khó có thể có đủ hiểu biết để đánh giá chuyên môn giáo viên. Tương tự, lấy ý kiến học sinh dễ bị sa vào cảm tính.

Có quan điểm khác, bà Nguyễn Thị Thu Anh cho rằng ý kiến học sinh tuy cảm tính nhưng vẫn thể hiện được giáo viên nào có cách dạy, cách ứng xử tạo được cảm hứng, động lực cho học sinh.

Cũng như vậy, phụ huynh có thể không nhận xét được về chuyên môn nhưng hoàn toàn có thể nhận xét được về thái độ quan tâm của giáo viên đến học sinh, sự tiến bộ của con qua tác động của giáo viên.

"Việc này chỉ khó ở chỗ sẽ không có nhiều phụ huynh tự nguyện và nhận xét khách quan do thói quen văn hóa của người VN, họ e ngại, lo sợ còn nhiều" - bà Thu Anh chia sẻ.

Tuyển giáo viên giỏi viết sách

TTO - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - Bộ GD-ĐT, khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ khi trao đổi về kế hoạch biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên