21/11/2017 11:34 GMT+7

Giáo viên chủ nhiệm - kỳ cuối: 'Người tiếp dân' trong trường học

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Một trong những việc của giáo viên chủ nhiệm là thiết lập mối quan hệ hợp tác với phụ huynh để giúp đỡ học sinh. Các thầy cô ví von mình là "người tiếp dân" trong trường học.

Giáo viên chủ nhiệm - kỳ cuối: Người tiếp dân trong trường học - Ảnh 1.

Cô Kim Anh - Ảnh: V.HÀ

“Chỉ riêng việc có gửi tin nhắn thông báo cho phụ huynh về lỗi của con họ hay không, gửi như thế nào và vào lúc nào, chúng tôi cũng phải bàn bạc

Cô CAO THANH NGA

Xin lỗi vì đã nhận quà

Trong một buổi đưa học sinh đi học trải nghiệm, cô Nguyễn Kim Anh (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) vui vẻ trò chuyện với các phụ huynh đi cùng đoàn để hỗ trợ. 

Cô giải thích với họ rằng mình "không có khoảng cách gì với các bố mẹ, vì không chỉ là cô giáo, cô cũng là một bà mẹ". Nói vậy nhưng để "xóa nhòa khoảng cách" giữa thầy cô chủ nhiệm với phụ huynh không phải là dễ dàng.

Cô Kim Anh kể: "Trường tôi có chủ trương "nói không với phong bì". Có nghĩa không nhận quà nhân các dịp lễ tết. Thế nhưng có khá nhiều phụ huynh vì không tặng quà được thì áy náy dù đã giải thích thế nào cũng không thông. Tôi phải có cách từ chối quà mà cha mẹ học sinh không phật ý. 

Có lần, một phụ huynh làm nghề bán thịt tìm tôi. Chị biết tôi không nhận tiền nên mang tới hai cân thịt lợn. Chị phân bua đây là "của nhà trồng được" và mong tôi nhận thành ý của chị. Và tôi đã nhận hai cân thịt đó cùng lời cảm ơn".

Trong cuộc họp phụ huynh cuối năm đó, sau các nội dung cần trao đổi, tôi nói trước các bác phụ huynh: "Tôi xin lỗi các bác vì trong năm học qua tôi đã nhận hai cân thịt lợn là quà của một bác phụ huynh do tôi không nỡ từ chối. Thịt thì tôi đã ăn hết rồi nhưng tôi biết đó là việc làm sai quy định. Vì thế trong buổi họp hôm nay cho tôi được thú tội và xin các bác tha thứ".

Nhiều phụ huynh hôm đó còn thấy áy náy hơn khi tôi xin lỗi. Sau lần ấy, không ai mang quà cho tôi nữa. Nhưng giữa tôi và họ đã xóa bớt khoảng cách khách sáo, lễ nghi. Nhờ vậy, tôi đã kéo các phụ huynh lại gần mình hơn để cùng nhau chung sức lo cho học sinh".

Giáo viên chủ nhiệm - kỳ cuối: Người tiếp dân trong trường học - Ảnh 3.

Từ sáng kiến của cô Kim Anh, buổi họp phụ huynh trở thành buổi thảo luận nhóm giúp học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - Ảnh: V.HÀ

Những cuộc họp phụ huynh

"Mỗi cuộc họp phụ huynh, cô Nguyễn Kim Anh phải chuẩn bị đến cả tuần lễ. Chị ấy rất sáng tạo, tâm huyết và đặc biệt luôn nhìn học sinh bằng góc nhìn lạc quan, nhân văn, nên chị ấy cũng muốn cha mẹ nhìn các con như vậy" - cô Cao Thanh Nga, phó hiệu trưởng Trường Phan Huy Chú, nhận xét.

Các buổi họp phụ huynh của cô Kim Anh ở vai trò chủ nhiệm lớp không cuộc nào như cuộc nào. Có lần cô trao đổi với học sinh của mình: "Các con hãy tìm một bức ảnh thích nhất của các con và gia đình rồi viết ở mặt sau một điều các con mong muốn". 

Những bức ảnh và lời nhắn gửi này đã được cô Kim Anh tập hợp và các cha, mẹ đã xem tại buổi họp. Đã có phụ huynh khóc vì xúc động.

"Có một điều tôi nhận thấy là khi bảo học sinh chọn ảnh, rất nhiều em đã chọn những bức ảnh ngày nhỏ. Các em bảo tôi đó là thời gian hạnh phúc nhất vì được bố mẹ nâng niu, không bị mắng mỏ, không áp đặt làm việc này, việc kia. Tôi không chỉ muốn phụ huynh xem con chọn ảnh và viết gì mà qua đó tôi có thể hiểu học sinh" - cô Kim Anh giải thích.

Những buổi họp phụ huynh của cô Kim Anh thường được biến thành "buổi thảo luận nhóm" để bàn phương thức hỗ trợ con tự học, hoặc giải quyết những vấn đề phát sinh. Nhưng cũng có khi chỉ nhằm vào một mục đích để cha mẹ hiểu được con mình. 

Có những cuộc họp cô giáo chủ nhiệm tổ chức để các cha, mẹ nghe con thuyết trình một chủ đề nào đó. Trực tiếp nghe các con thuyết trình, thể hiện tài năng cũng là cách để cha mẹ "nghiệm thu" kết quả giáo dục học sinh của các thầy cô.

"Chỉ riêng việc có gửi tin nhắn thông báo cho phụ huynh về lỗi của con họ hay không, gửi như thế nào và vào lúc nào, chúng tôi phải bàn bạc vì phụ huynh cũng bận rộn và phải chịu nhiều áp lực. Nếu tin nhắn "mách tội" học sinh đến không đúng lúc dễ khiến các bố, mẹ nổi giận với con cái, điều đó sẽ phản tác dụng" - cô Nga nói.

"Người tiếp dân" lặng lẽ

Thầy Nguyễn Văn Thiện, ở Trường cấp II-III Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết với vai trò là tổng chủ nhiệm, thầy phải giải quyết những việc giáo viên chủ nhiệm không giải quyết được. 

Cũng bởi thế mà thầy là người phải tiếp phụ huynh nhiều nhất với những ca khó nhất. Thầy cũng là người phải làm việc riêng với học sinh nhiều nhất khi có các vụ việc xảy ra trong trường.

"Bởi thế tôi gặp rất nhiều phụ huynh với cá tính, quan điểm khác nhau. Có người vì lỗi của con đã quỳ xuống khóc, xin tôi đừng đưa con họ ra hội đồng kỷ luật. 

Nhưng có người vừa đến đã tỏ thái độ đe dọa. Có phụ huynh thay vì giới thiệu về mình đã liệt kê những ông nọ, bà kia có chức quyền cao mà họ quen biết, thân thiết... Thường những trường hợp như thế, tôi hay nói với họ: "Tôi mời bố, mẹ của học sinh đến gặp chứ không mời người quen của ông A, bà B". 

Có những phụ huynh tôi dành nhiều thời gian để động viên, chia sẻ kinh nghiệm, giống như hai ông bố nói chuyện với nhau nhưng có người tôi phải cứng rắn. Cứng rắn không phải vì định kiến với học sinh mà để họ hiểu được chúng tôi đang làm tất cả vì học sinh và chúng tôi cần ở họ sự giúp đỡ, hỗ trợ" - thầy Thiện nói.

Không chỉ "tiếp phụ huynh", thầy Thiện thường xuyên phải tiếp những "ca học sinh khó xử lý" như học sinh uống rượu, hút thuốc lá trong thời gian ở trường, bỏ tiết, đánh bài, gây lộn...

"Cách để học sinh thú nhận là nhấn vào lòng tự trọng của trẻ. Vì thế cả những việc tôi có bằng chứng rõ ràng, tôi cũng muốn học sinh tự thừa nhận. 

Ở trường tôi học sinh nhìn chung là ngoan, nhưng cũng từng có những học sinh trốn học đã bịa cả chuyện người thân bị mất. Trong mỗi sự việc phát sinh, tôi thường quan sát học sinh và để ý những dấu hiệu bất thường, liên lạc với gia đình theo các cách khéo léo để biết sự thật" - thầy Thiện tâm tình.

Những câu chuyện tưởng như vụn vặt của người tổng chủ nhiệm cho thấy công việc giáo dục học sinh vất vả gấp nhiều lần hình dung và cũng phức tạp hơn, cần sự kiên nhẫn, bình tĩnh, sáng suốt.

Thiếu tổng chủ nhiệm

1

Thầy Nguyễn Văn Thiện kiểm tra thực hiện quy định của học sinh các lớp - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Hiện nay rất ít nhà trường có giáo viên là tổng chủ nhiệm. Và công việc "chủ nhiệm" được đặt ở vị trí nào vẫn tùy thuộc vào quan điểm của lãnh đạo các nhà trường. Trong đó phần nhiều chủ nhiệm chỉ là việc kiêm nhiệm có thù lao tương đương bốn tiết dạy/tuần.

Những giáo viên chủ nhiệm tâm huyết và sáng tạo vẫn chỉ là những người "người vác tù và hàng tổng". Họ chưa thật nhiều trong một hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập và vẫn coi nhẹ những bài học làm người.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên